Ai cũng sẽ làm như vậy
“Cứu người, vớt xác không phải là công việc chính của chúng tôi, nhưng nó là trách nhiệm của bất cứ ai, không riêng gì chúng tôi”, đó là câu nói mà ông Trần Tấn Kiệt, Đội trưởng đội Điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông đường thủy nội địa TP.HCM mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Ông cho biết, năm 2012, đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ trực điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông đường thủy phục vụ xây dựng tuyến metro số 1 vượt sông Sài Gòn.
Công việc này đòi hỏi các thành viên trong Đội phải thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để phân luồng tàu bè qua lại ở cầu Sài Gòn. Khi đó, Đội có 3 trạm điều tiết đóng ở thượng lưu, hạ lưu và trạm trung tâm nằm ngay dưới chân cầu.“Tại trạm trung tâm, chúng tôi bố trí 4 đồng chí túc trực 24/24h. Hai người quan sát tàu bè ở hướng thượng lưu, 2 người còn lại quan sát ở hướng hạ lưu. Nếu có tàu bè di chuyển xuống thì chúng tôi dùng bộ đàm thông báo cho 2 trạm ở đầu và cuối phối hợp điều tiết”, ông Kiệt cho hay.
Trong thời gian thực thi nhiệm vụ, đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3 đã phát hiện nhiều trường hợp nhảy cầu Sài Gòn tự tử. Anh em trong đội thống nhất với nhau ra tay cứu giúp người nhảy cầu.“Mặc dù không thuộc nhiệm vụ của chúng tôi nhưng khi thấy có người nhảy cầu thì làm sao mình đứng nhìn được. Thế là anh em chúng tôi mỗi khi thấy ai nhảy cầu là không suy nghĩ, lập tức phóng ca nô ra ứng cứu”, ông Kiệt nói dứt khoát.
Anh Đặng Anh Nhật, nhân viên đội Điều tiết cầu cứu hộ cầu Sài Gòn vẫn nhớ như in khoảnh khắc cứu sống cậu học sinh lớp 12 nhảy cầu tự tử trong tư thế cột chặt tay chân. Anh kể: “Lúc đó là khoảng 9h30 tối. Mọi người đang trong ca trực thì chợt nghe những tiếng hét lớn “Nhảy cầu, nhảy cầu ”. Lập tức, tôi cùng 2 đồng chí phóng ca nô đến và nhìn thấy một cậu học sinh đang vật lộn giữa dòng nước dữ”.
Anh điều khiển ca nô áp sát và cùng đồng đội kéo cậu học sinh lên thuyền. Sau khi vào bờ, anh cho cậu bé uống nước chanh nóng, sưởi ấm cơ thể rồi đưa em đến Công an phường 22 (quận Bình Thạnh) trình báo. Cậu cho biết vì học nhiều nên stress, căng thẳng đầu óc. Thêm vào đó, cậu vừa thất tình nên nghĩ đến việc nhảy cầu để giải thoát. Sau đó, anh cũng động viên, khuyên ngăn cậu học sinh đừng làm điều dại dột mỗi khi gặp chuyện buồn mà phải dũng cảm đương đầu, cố gắng vượt qua.
Cũng theo anh Nhật, đa số những trường hợp nhảy cầu đều xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Có người muốn chết vì phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng cũng có nhiều trường hợp muốn ra đi vì những lý do “lãng xẹt” như người yêu bỏ, buồn chuyện gia đình. Vì thế, mỗi khi được cứu sống, những người này mới nhận ra hành động dại dột của mình và từ đó mới quý trọng sự sống. “Mỗi khi cứu được bất kỳ ai, chúng tôi đều hỏi lý do tại sao lại nhảy cầu. Sau đó, chúng tôi động viên chuyện gì cũng có cách giải quyết cả. Đừng vì một phút nông nổi, suy nghĩ tiêu cực mà đánh đổi mạng sống của mình như vậy”, anh Nhật cho biết.
Ám ảnh chuyện “cứu hụt ” và đối mặt với xác chết
Được biết, trong gần 3 năm điều tiết ở đơn vị, đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3 đã cứu sống hàng chục trường hợp nhảy cầu tự tử. Tất cả đều được các nhân viên của Đội khuyên bảo, chăm sóc ân cần để trấn an tâm lý. Thế nhưng, ông Kiệt và các thành viên trong Đội vẫn cảm thấy day dứt khi nghĩ đến một số trường hợp không thể cứu sống. Giọng trầm tư, ông Kiệt kể, giữa năm 2015, có một cô gái khoảng 20 tuổi mắc chứng trầm cảm nhảy cầu Sài Gòn. Lúc đó khoảng 21h, ông Kiệt đang trong ca trực thì bỗng nghe một tiếng “ùm” rất lớn ở phía chân cầu.
Biết có chuyện chẳng lành, ông cùng đồng đội tức tốc phóng ca nô ra xem. Khi đến nơi, soi đèn pin, ông phát hiện một cô gái đang chìm dần dưới dòng nước lạnh buốt. Dù đã cố gắng làm mọi cách để ứng cứu nhưng vì nước chảy quá xiết, cô gái bị cuốn trôi và chìm đi rất nhanh. Những ngày sau đó, gia đình cô gái liên tục đến thắp nhang và thuê thuyền tìm kiếm khắp bờ sông. Phải 2 ngày sau, thi thể cô gái mới được tìm thấy.
Ngoài công việc cứu người nhảy cầu, các thành viên đội Điều tiết cứu hộ cầu Sài Gòn 3 còn trục vớt rất nhiều xác chết trên sông. Mỗi lần làm công việc ấy, mọi người thường xuyên bị ám ảnh. Nhưng vì lương tâm, các anh đều rất nhiệt tình. “Khi cứu được một mạng người nhảy cầu, chúng tôi có thể về vui vẻ kể lại với gia đình nhưng mỗi khi đi vớt những người bất hạnh, anh em trong Đội chẳng ai dám tiết lộ với người thân. Một phần vì sợ vợ con lo lắng, tối lại mất ăn mất ngủ. Mặt khác, khi vợ biết thì lại can ngăn, không cho chúng tôi làm nữa. Thế là đành phải giấu cho êm chuyện”, anh Minh, nhân viên đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3 phân trần.
Theo anh Trần Hiếu Thảo, nhân viên đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3, người đã tham gia cứu vớt hơn 20 trường hợp nhảy cầu Sài Gòn cho biết, để cứu sống người nhảy cầu tự tử không phải là điều đơn giản. “Chúng tính toán con nước, đoán xem nạn nhân trôi về hướng nào để lên phương án ứng cứu. Khi tiếp cận nạn nhân, thao tác cứu người phải thuần thục và nhanh nhất có thể. Cứu người vào ban đêm thường khó khăn hơn so với ban ngày vì trời tối, nước chảy xiết nên rất khó kiểm soát tình hình”, anh Thảo cho biết.
“Còn về công việc tìm kiếm, trục vớt thi thể người bất hạnh, chúng tôi cũng tự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về cách vận chuyển, bảo quản. Chúng tôi luôn cố gắng xử lý bằng phương án tốt nhất có thể. Những lúc làm việc này, chúng tôi cũng tranh thủ thắp nén nhang cho người đã khuất, sau đó gọi điện thoại trình báo công an đến bàn giao theo đúng thủ tục”, anh Thảo nói thêm.
Nhận giấy khen trong công tác cứu hộ, cứu nạn
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3 còn xả thân ứng cứu nhiều người nhảy cầu trên sông Sài Gòn. Chính vì thế, Đội vinh dự nhận giấy khen có thành tích hoàn thành xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông Sài Gòn từ lãnh đạo UBND TP năm 2014, 2015. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân trong Đội cũng nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Điển hình là anh Trần Hiếu Thảo đã được Giám đốc sở GTVT và Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa tặng giấy khen về thành tích “Nhiều lần cứu người đuối nước trên sông Sài Gòn năm 2016” và Giấy khen của Đảng ủy Cảng vụ đường thủy nội địa trong “Phong trào người tốt việc tốt năm 2016”.