Sẵn sàng khi Tổ quốc cần
Đó là câu chuyện về tấm gương anh dũng của cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Xuân Lứ (81 tuổi), trú tại xóm 7, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông chính là người đội trưởng duy nhất còn sống sót trong tổ đội rà phá bom mìn gồm 15 người nơi tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc năm xưa.
Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi có dịp tìm về gia đình ông Nguyễn Xuân Lứ tại xóm 7, xã Hồng Lộc. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi tự hào khi được nghe ông kể về những quá khứ hào hùng trong chiến tranh và những chiến công hiển hách, đầy phi thường của người cựu chiến binh năm xưa. Đã hơn 50 năm trôi qua, ký ức về chiến tranh, về những trận đánh ác liệt, những lần đối mặt với tử thần vẫn còn in đậm trong hồi ức của người lính già.
Cũng như bao chàng trai khác, đến tuổi trưởng thành Nguyễn Xuân Lứ đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Năm 22 tuổi, ông được tham gia vào đội rà phá bom mìn thuộc đoàn giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Nếu xe cộ vượt qua được đoạn đường này sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau để vào nam.
Ngã ba Đồng Lộc có tầm quan trọng chiến lược nên trong chiến tranh phá hoại, kẻ địch âm mưu ném bom huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Nhanh trí và dũng cảm, từ năm 1964 đến năm 1969, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Lứ được cấp trên tin tưởng, giao giữ chức vụ Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn thuộc Phòng Giao thông huyện Can Lộc.
Khoảng giữa năm 1964, lúc đó giặc mỹ ném bom ác liệt, đoàn giao thông Hà Tĩnh cùng các đơn vị khác đã quyết định thành lập Đội rà phá bom mìn gồm 15 chiến sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong đó Nguyễn Xuân Lứ được giao làm đội trưởng.
“Đội rà phá bom mìn chúng tôi có 15 đồng chí, tôi được giao làm đội trưởng và nữ anh hùng La Thị Tám làm đội phó. Không chỉ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, mà lúc đó chúng tôi còn phải làm hoa tiêu để cho các loại xe qua lại lại mỗi khi quân địch ném bom. Chúng tôi còn làm việc chung với Anh hùng liệt sĩ Vương Đình Nhỏ, Anh hùng Uông Xuân Lý…”, ông Nguyễn Xuân Lứ kể lại.
Trong thời gian đảm đương nhiệm vụ và làm đội trưởng đội Rà phá bom mìn, hàng loạt các trận đánh trên địa bàn huyện Can Lộc ông đều có mặt và tham gia giải quyết hậu quả. Sau từng trận đánh, ông và đồng đội đều đảm bảo tuyến đường giao thông huyết mạch cho từng đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam.
Kỷ niệm khó quên nhất với Nguyễn Xuân Lứ đó là vào một buổi trưa tháng 5/1967. Ngày hôm đó giặc Mỹ ném bom dữ dội ở Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Xuân Lứ và người đồng đội Phan Ngọc đi kiểm tra số lượng bom mà quân địch ném xuống, bất ngờ hai người phát hiện ra rất nhiều bom từ trường máy bay Mỹ đã ném xuống.
Để cho đoàn xe thông qua kịp trong ngày, họ đã cùng nhau bàn bạc để phá bom. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, bỗng nhiên một quả bom phát nổ, khiến người đồng đội Phan Ngọc đã hy sinh, còn Nguyễn Xuân Lứ bị thương nhẹ. Cảm phục trước tấm gương của hai chiến sĩ, Ngay trong ngày hôm đó ban lãnh đạo huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh đã làm lễ kết nạp Đảng cho cả hai người tại mặt trận Đồng Lộc. Đó cũng là trường hợp duy nhất được kết nạp Đảng ngay trong trận chiến ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.
Có những lần tưởng như không còn sống sót để trở về, nhưng rồi ông lại cùng đồng đội can đảm đứng dậy tiếp tục rà phá những quả bom nổ chậm, để đoàn thanh niên xung phong kịp san lấp mặt đường cho đoàn xe đang tiến dần từ Bắc vào Nam.
9 lần thoát khỏi tử thần
Trải qua biết bao trận mưa bom bão đạn, nhưng ông vẫn là người gan lỳ và cũng là người “cao số” khi đã 9 lần thoát khỏi tử thần. Cứ mỗi lần cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ, lần nào cũng chỉ còn mình ông sống sót trở về. Trong đó có 4 lần đồng đội phải tổ chức làm lễ truy điệu sống cho Nguyễn Xuân Lứ vì khi làm những nhiệm vụ nguy hiểm thì rất khó sống sót để trở về.
“Thời gian 5 năm làm đội trưởng đội Rà phá bom mìn, tôi đã phải đau xót nhìn các đồng đội lần lượt hy sinh. Cứ mỗi lần cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ, chỉ còn lại mình tôi may mắn trở về. Để hỗ trợ phá được 320 quả bom các loại, cứu sống rất nhiều đồng đội bị thương và hàng ngàn lượt xe thoát khỏi bom đạn, tôi đã phải trải qua 9 lần bị thương, 6 lần phải nhập viện. Trong đó, 4 lần đồng đội phải truy điệu sống để tôi đi làm các nhiệm vụ nguy hiểm. Với tôi, chiến tranh ác liệt như vậy, nhưng mình vẫn trở về khỏe mạnh bên con cháu đến bây giờ là tôi hạnh phúc lắm rồi”, ông Lứ chia sẻ thêm.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lứ trở về công tác tại phòng giao thông huyện Can Lộc. Trong quá trình công tác tại đây, ông Lứ đã vinh dự nhận được rất nhiều thành tích như: Danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, huân chương chiến công hạng nhì, ba, bằng khen Trung ương Đoàn thanh niên, bằng khen Chính phủ. Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Lứ đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND.
Khi trở về đời thường, ông Nguyễn Xuân Lứ vẫn giữ những phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ. Giờ đây khi bước sang tuổi xế chiều, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng ông và người vợ Phan Thị Hảo (SN 1949) vẫn miệt mài cống hiến cho đất nước. Từ sau thời gian về nghỉ hưu, hai vợ chồng ông vẫn liên tục tham gia các chức vụ quan trọng trong thôn, xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đình Phong, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc cho biết: “Nguyễn Xuân Lứ là cựu chiến binh có nhiều cống hiến trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiêu cao quý trong quá trình phục vụ tại Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Lứ đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND”.
Thiện Quyền