Gặp lại những người mẹ vượt cạn trong lòng đất

Gặp lại những người mẹ vượt cạn trong lòng đất

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Trong cuộc chiến ấy, mảnh đất và con người Quảng Trị đã viết lên biết bao câu chuyện huyền thoại giữa mưa bom, bão đạn. Một trong những huyền thoại bất tử ấy là những người mẹ sinh con và nuôi con dưới lòng đất.

Cuộc sống dưới độ sâu 23m

Ngày 27/11/1964, từ ngoài biển Đông, tàu chiến Mỹ bắn đại bác phá hủy 72 nóc nhà của làng chài Vịnh Mốc. Nửa năm sau đó, tháng 6/1965, làng Vịnh Mốc bị máy bay biến thành tro bụi. Với tinh thần đấu tranh kiên cường, quyết giữ làng, giữ quê hương và để tiếp sức cho cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc, người Vịnh Mốc đã đưa cả ngôi làng của mình "lặn" vào lòng đất. 2/3 số dân được di cư ra các tỉnh phía Bắc, 1/3 số còn lại quyết định dựng địa đạo bám làng sản xuất và chiến đấu. Và thế là tất cả sinh hoạt của 94 hộ dân đều diễn ra trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan với một hệ thống đường hầm chằng chịt có nhiều cửa ra vào ở các hướng khác nhau. Những người sống trong bom đạn thời ấy đã phải ăn, ngủ, nấu nướng, học tập, sản xuất và cả sinh con ngay dưới lòng đất.

Đến vùng đất thép vào một ngày đầu đông, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với ông Hồ Văn Triêm (SN 1938), một trong những người đầu tiên đã góp công làm nên địa đạo huyền thoại Vịnh Mốc. Giọng trầm ngâm, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của hàng trăm con người dưới lòng đất. Theo lời ông Triêm, thời đó, để bảo đảm sinh hoạt cho hàng trăm con người được an toàn, tiện lợi, dọc hai bên trục đường hầm chính cách nhau từ 3 - 5m, họ lại khoét lõm sâu vào thành một hầm nhỏ. Đó là nơi sinh hoạt của một gia đình.

Ngoài ra, trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại. Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng. Tầng sâu nhất cách mặt đất 23m vẫn còn cao hơn mực nước biển đến 3m, nên dù mùa mưa mọi sinh hoạt trong địa đạo vẫn có thể diễn ra bình thường.

Pháp luật - Gặp lại những người mẹ vượt cạn trong lòng đất

Bà Nguyễn Thị Hoan.

Nói về những khó khăn dưới lòng đất, ông Hồ Văn Triêm vẫn còn nhớ như in: "Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt vào mùa đông và nóng bức vào mùa hạ. Điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên hầu như ai cũng bị các bệnh về da và xương. Ngoài ra, chuyện thiếu cái ăn, cái mặc và các nhu yếu phẩm luôn thường trực. Thời kỳ chiến tranh, mọi thứ đều phải tiết kiệm nên người dân chỉ dám dùng đèn dầu vào những lúc cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... Dù khó khăn, dù diện tích đất sinh hoạt chỉ trong một khoảng không gian 1,8m nhưng những con người này đã sống, học tập và cả sinh con ở đó.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp gỡ những con người đã làm nên kỳ tích về sự sống dưới địa đạo, ông Triêm đưa PV đến nhà bà Nguyễn Thị Hoan. Bà Hoan năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn và khỏe mạnh. Khi được hỏi về những năm tháng chiến tranh, bà xúc động nhớ lại: "Năm ấy tôi 31 tuổi và đang mang thai thằng Thương (anh Trần Văn Thương - PV). Khi tôi có thai cũng là thời gian Vịnh Mốc hứng chịu nhiều bom đạn kẻ thù. Ngày đó, trong hầm địa đạo cũng có một số chị em bụng mang dạ chửa. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau vượt qua thời kỳ khó khăn và góp sức với dân làng đào hầm. Mỗi ngày, tôi đưa được khoảng vài chục gánh đất đổ ra cửa biển. Những người phụ nữ mang thai cũng chấp nhận cảnh đói cơm, có những ngày chỉ được vài thìa cháo sống cho qua ngày".

Nhớ lại thời khắc sinh con, bà Hoan rưng rưng nước mắt cho biết, lúc đó, trong hầm địa đạo mỗi gia đình được chia một căn hộ nhỏ (một ô vuông khoảng 3 đến 4 mét vuông) để ở. Mặc dù thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn có những ô vuông để dành cho phụ nữ sinh đẻ (nhà hộ sinh). Một ô vuông nhỏ chỉ để được một chiếc phản kê cao hơn mặt đất để tránh nước trong hầm... Khi đau đẻ, bà Hoan chỉ có một mình và cô y tá.

"Chồng tôi khi đó vẫn phải đào địa đạo theo chỉ huy của cấp trên để đảm bảo sự an toàn của dân làng. Không có người thân ở bên, đồ đạc chuẩn bị cho sinh đẻ lại cũng sơ sài. Hơn nữa, áo quần thiếu thốn, mặc không đủ ấm, lại cũng không có chăn gối. Khi sinh xong, hơi nước trong hầm bốc lên mà áo quần mặc không đủ ấm nên người tôi cứ run cầm cập. Mặc dù vậy tôi vẫn phải xé áo của mình để quấn cho con. Thà mình chịu lạnh chứ không thể để đứa trẻ mới lọt lòng chịu rét được", bà Hoan kể lại. Cũng may lúc ấy bà Hoan có sữa ngay nên đứa trẻ mới sống được. Đến giờ, nhiều khi nghĩ lại, bà vẫn tạ ơn ông trời. Bởi bà nghĩ, trời phù hộ nên mình và con mới sống được đến ngày nay.

Pháp luật - Gặp lại những người mẹ vượt cạn trong lòng đất (Hình 2).

Những người con sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc nay đã lớn khôn.

Tự sinh con một mình dưới lòng đất

Nghe xong câu chuyện của bà Hoan, chúng tôi không khỏi xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng, về sức sống mãnh liệt của con người vượt qua cả tiếng rền vang bom đạn. Ông Hồ Văn Triêm cũng cho hay, kể về chuyện phụ nữ sinh con dưới lòng đất thì ở Vịnh Mốc có đếm cả ngày cũng không hết. Trên đường về, chúng tôi được ông kể cho nghe về trường hợp của bà Hồ Thị Chẩn, người tự sinh con một mình dưới hầm địa đạo.

Đầu năm 1968, nhiều người dân làng Vịnh Mốc đã đi sơ tán. Bà Chẩn bụng đã cao vượt mặt, sợ đẻ rơi giữa đường nên không dám đi theo đoàn mà đành cố thủ trong địa đạo. Ngày bà Chẩn sinh con đúng vào đợt rét đậm. Lúc đó, chồng bà đang đưa các con đi sơ tán ở Tân Kỳ (Nghệ An). Đồ đạc cho ca vượt cạn của bà mẹ này chỉ là một cái cật tre để cắt rốn và một ít áo quần rách, một thúng tro đã được bà chuẩn bị từ trước. Vượt qua cơn đau quằn quại, bà cắn răng chịu đựng và tự sinh được một cô con gái xinh xắn. Cắt rốn cho con xong, bà quấn con vào mấy tấm quần áo cũ đặt cô bé vào thúng tro bếp cho đỡ lạnh rồi đi làm việc. Bất ngờ, đứa bé tuột ra khỏi lớp vải cuốn, bê bết tro đen và chỉ lộ ra hai hốc mắt...

Thế rồi, cả tháng đầu, hai mẹ con bà Chẩn nằm trên tấm kệ kê bằng mấy thanh tre, ngay dưới lưng là vũng nước buốt lạnh. Bà chỉ biết dùng thân mình và ít quần áo cũ sưởi ấm cho con. Thời đó, nhiều đứa trẻ vì sống trong địa đạo lâu, điều kiện sinh hoạt ẩm ướt nên sinh bệnh tật rồi chết. Bà Chẩn sau này đặt tên con là Huyền vì may mắn cô bé không bị bệnh tật và lớn lên khỏe mạnh bình thường.

Bà Trần Thị Ngần (82 tuổi, một người phụ nữ Vịnh Mốc cũng từng vượt cạn dưới hầm địa đạo) chia sẻ: "Thời chiến tranh, phụ nữ Vịnh Mốc cực khổ đến nỗi không ai tin nổi. Chúng tôi sinh con trong tình thế 50/50. Có nghĩa là 50% đứa trẻ có thể sống và nửa còn lại nó có thể không nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng vì tình yêu quê hương đất nước, để cho kẻ thù thấy rằng hạnh phúc có thể đơm hoa ngay giữ bom đạn, những đứa trẻ vẫn ra đời và lớn lên khỏe mạnh".

Dứt lời, bà Ngần lắc đầu kể về những ngày tháng sinh hoạt dưới lòng địa đạo. Sau khi sinh con, người phụ nữ nào khỏe mạnh phải tiếp tục công việc gánh đất, nấu cơm phục vụ những người chiến đấu, người nào yếu thì được đưa đi sơ tán ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Đến ngày hôm nay, cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, từ những bữa cơm đến chuyện ăn mặc và tinh thần cũng thoải mái hơn... Những đứa trẻ sinh ra ngày đó giờ vẫn lớn lên khỏe mạnh, nhiều đứa rất thông minh và nhanh nhẹn.

60 đứa trẻ ra đời từ lòng đất

Theo lời ông Hồ Văn Triêm, trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 -1972) trong địa đạo ở Vĩnh Linh nói chung, đã có 60 đứa trẻ được sinh ra, riêng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời an toàn. Đó là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây. Bất chấp bom đạn ác liệt trên đầu, những đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời ngay dưới lòng đất.

Phạm Hạnh - Hà Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.