Một thời, những tay săn khét tiếng cùng các loại súng "chiến" như AK, CKC là nỗi khiếp sợ của thú rừng.
Giờ đây, rừng chẳng còn, động vật vắng bóng, họ gác súng nhưng vẫn đau đáu những ký ức ngày xưa. Tay săn Vũ Chí Trường với 30 năm đi săn thú tâm sự: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, nhiều lúc nhìn rừng mà thấy xót xa...".
Cặp sừng hươu còn lại duy nhất ở phường săn Vua Bà có giá đến cả trăm triệu đồng
Tiếng súng xé màn đêm
Từ trung tâm xã Trường Sơn đi thêm sáu cây số nữa mới đến được thôn Vua Bà. Đường vào thôn Vua Bà quanh co khúc khuỷu, bao quanh là núi rừng, nếu không quen đường phải đi mất cả buổi. Qua lời giới thiệu của dân bản, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Chí Trường, người có 30 năm trong nghề đi săn và hiện là Bí thư chi bộ thôn Vua Bà.
Ông bảo: "Tôi gác súng hơn 10 năm nay rồi". Sự có mặt của chúng tôi như một "điều lạ", càng ngạc nhiên hơn khi hỏi chuyện về cái làng săn thú này mà làm họ hồi tưởng về quá khứ. Ông Trường như "sống lại" những kí ức thời trai trẻ. Ông say sưa kể, giọng hùng hồn, có lúc cao hứng như chính trên tay ông lúc này đang lăm lăm khẩu súng hay đang đối diện với một con thú nằm trong tầm ngắm vậy.
Nghề đi săn ở Vua Bà được người ta kế tục nhau theo kiểu cha truyền con nối. Bản thân những tay săn thú cũng không biết rõ nghề săn có từ bao giờ. Cứ thế lớp trẻ lớn lên lại bắt đầu làm quen với những chú chó săn, những khẩu súng, viên đạn rồi nheo mắt ngắm và cả những chuyến "ma ra tông" với hành trình gian nan cả chặng đường đi săn độ ngót ba bốn chục cây số trong rừng thẳm. Họ không thành lập hay quy định phường săn rõ ràng, nhưng người dân nơi đây vẫn hay thường gọi tên là "phường săn Vua Bà".
Ông Trường kể, ngay từ nhỏ ông đã "nghiện" săn bắn. Năm 15 tuổi, ông đã được theo cha vào rừng để săn thú. Ngày trước, bố ông Trường được người dân địa phương kính nể bởi tài săn bắn ngay cả lúc đêm khuya. Họ còn gọi ông là "vua săn thú".
Những thợ săn Vua Bà giờ chỉ tìm về ký ức oai hùng ở những cặp sừng, bộ lông, da thú thu được trong những chuyến đi săn trước kia
Khi màn đêm buông xuống, tiếng súng kêu vang trời và cũng là lúc phường săn bắt đầu những cuộc săn bắn đầy thú vị và may rủi. Theo lời già làng Vũ Chí Tung, người dân tộc Dao, hồi đó thịt thú rừng săn bắn được nhiều đến nỗi ăn không hết thì đem đãi bạn bè rồi chia cho bà con trong bản. Có hôm bắt được vài con ăn không hết thì mang treo lên gác bếp để khô. Kinh tế gia đình người dân thôn Vua Bà những ngày trước chủ yếu là dựa vào cây ngô, cây sắn. Dù thế, khi săn được thú lớn họ cũng chẳng vui hơn, bởi đấy là chuyện thường ngày như cơm bữa. Họ cũng không mang thú bán lấy tiền hay đem đổi lấy gạo ăn. Phường săn Vua Bà sống tình cảm, thân thiết và giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Sau chuyến đi săn, họ lại về quây quần bên mâm cơm, cùng nhấm nháp rượu ngô và thịt thú rừng vừa săn được. Săn được thú có khi chỉ làm tốn thêm cơm rượu.
Trước những năm 1990, Vua Bà có khoảng 45 - 50 hộ đi săn. Giai đoạn ấy, súng săn là những loại súng như AK, CKC, vì hồi đó thứ vũ khí quân dụng này Nhà nước chưa cấm. Sau này, từ những năm 1996, khi Nhà nước có quyết định cấm, tịch thu sử dụng súng quân dụng nên dân làng nơi đây giao nộp hết và bắt đầu sử dụng súng tự chế.
Chuyến săn"một mất một còn"
Nghề săn thú rừng lắm thú vị nhưng cũng không kém phần gian nan, nếu không muốn nói nó luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. Những cánh thợ săn Vua Bà ít nhiều đã một lần đối mặt và gặp phải sự chống trả quyết liệt từ những con thú. Nhắc lại câu chuyện cũ với chúng tôi, đến bây giờ những người như anh Tự, anh Minh, anh Chắc cũng như những tay săn khác trong làng vẫn chưa hết rùng mình. Họ chia sẻ, ngày đó đi săn sợ nhất là gặp phải những chú lợn rừng đang nuôi con thì những lợn mẹ, lợn bố hung tợn lắm. Chúng nhất quyết cảm tử để bảo vệ đàn con của mình. Đối thủ đáng gờm hơn và được họ cho vào danh sách "đen" là những con lợn bạc má. Chúng sẵn sàng tấn công lại những chú chó săn và cánh thợ săn, nhiều người bị chúng tấn công lúc nửa đêm khi đi săn thì chỉ còn cách chiến lại kiểu "một mất, một còn".
Qua kinh nghiệm, hầu hết những người đi săn ở thôn Vua Bà đều bắn giỏi. Mục tiêu nhắm đến là những con thú, thế nhưng đó là mục tiêu di động. Những cánh thợ săn thường phải bắn con thú lúc chúng đang chuyển động. Chính vì vậy sẽ càng khó khăn hơn cho mục tiêu ngắm và khả năng có thể hạ gục thành công con thú ở những viên đạn đầu tiên và trong thời gian ngắn nhất. Để hạ gục con thú, họ thường bắn vào đầu, bắn móc nách hoặc bắn vào bả vai. Họ giải thích rằng những chỗ đó là chỗ hiểm làm cho thú bị tê liệt nhanh nhất, khi bị thương nếu chúng chạy thoát cũng không thể đi xa được.
Những chàng trai nơi bản làng, rừng núi không được đào tạo bài bản nhưng những cuộc chạm trán với đối thủ là mãnh thú đã cho họ kỹ năng điêu luyện về nghề. "Bách phát bách trúng", nghe có vẻ hơi quá nhưng những tay súng săn ở Vua Bà tất thảy đều đạt được. Nếu như họ không không bắn chính xác mục tiêu thì những con thú đó sẽ tìm cách tháo chạy hoặc có thể quay lại tấn công họ.
Ông Vũ Chí Trường kể về những cuộc đi săn ngày trước của phường săn Vua Bà
Như ai đó thường bảo có "luật rừng", "luật giang hồ"… thì phường săn thú Vua Bà cũng tự đặt ra cho mình một "luật" riêng nhất định. Đi săn thường đi theo tổ để hỗ trợ cho nhau. Mỗi tổ thường có cả chục người. Cánh thợ săn phải nghe theo chỉ dẫn của vị "thủ lĩnh" phường săn. Họ không được bắn những con thú nhỏ trong khi đang săn con thú lớn. Theo họ, như thế sẽ "rung cây động rừng", tiếng súng nổ, âm thanh, mùi khói của đạn hay những dấu vết máu của thú nhỏ sẽ khiến các con thú lớn phát hiện và chúng sẽ tìm cách lẩn trốn một vùng khác cách xa hay chuyện thủ lĩnh quyết định ai là người được bắn, bắn như thế nào…
Để săn được thú dữ và hiếm, ngoài bắn giỏi họ còn huấn luyện thêm một đội chó săn tinh luyện để cùng hỗ trợ "tác chiến". Theo chỉ dẫn của già làng Tung, chúng tôi tìm đến nhà anh Triệu Xuân Thể. Anh Thể năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng cũng là một trong những tay súng có tiếng. Không chỉ giỏi về súng ống, Thể được cả thôn biết đến là người "mát tay" trong việc nuôi chó săn. Nuôi chó săn là công việc vô cùng khó khăn mà không phải ai cũng làm được. Từ việc chọn mua chó, cách chăm sóc, huấn luyện chúng để làm sao cho chúng trở thành những "thám tử" giỏi. Chó săn phải chọn những con khôn, huấn luyện chúng biết đánh hơi tốt thì mới săn được.
Ngày truớc, mỗi lần đi săn, phường săn mang theo ít nhất ba con chó săn. Đặc điểm của những chú chó săn đầu đàn là khi phát hiện ra con thú thì chúng lập tức báo cho chủ nhân và những "đồng nghiệp" của chúng biết và bắt đầu hành trình đuổi bắt.
Tuy nhiên, cũng có những khi chó săn bị lợn rừng hoặc thú dữ húc chết. Phường săn không làm thịt mà họ đem chôn cất chó. Điều kiêng kỵ nhất ở phường săn Vua Bà là khi chó săn chết thì không được ăn thịt mà phải chôn cất chúng.
Giàu sang chẳng thấy, chỉ thấy hệ lụy, tai ách Vua Bà hiện có gần 100 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những cánh rừng nguyên sinh phía sau nhà trước đây họ chỉ cần đi bộ mấy bước chân là có thể săn được thú nay không còn nữa, thay vào đó là những cánh rừng tràm, bạch đàn bạt ngàn. Người dân nơi đây cũng đã hiểu rằng, săn bắn thú rừng, động vật hoang dã còn vi phạm pháp luật. |
Nhật Tân