Tháng 5/1971, chị Mão được giao giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Triệu ái. Tháng 4/1972, trong một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị, nữ biệt động Trịnh Thị Thanh Mão bị trúng đạn, do vết thương quá nặng nên chị được đưa ra hậu phương miền Bắc chữa trị. Đầu năm 1973, chị Mão vinh dự được Trung ương giao nhiệm vụ lên đường sang Cộng hòa Dân chủ Đức tham dự Đại hội Thanh niên Thế giới nhằm tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Khẩu súng K54 chị Mão đã dùng để mưu sát Tổng thống ngụy - hiện đang được trưng bày tại Phòng VHTT huyện Triệu Phong
Sau ngày hòa bình lập lại, người con gái Quảng Trị về nhận công tác tại Huyện Đoàn Triệu Phong và sau đó chuyển sang Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, đảm nhiệm công việc hướng dẫn du khách tham quan nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Bất kể ngày mưa hay nắng, dù công việc vất vả đến đâu chị Mão vẫn vui tươi, hết lòng vì khách. Nhưng ít ai biết rằng ẩn sau nụ cười hiền hậu đó là một mảnh đời cô quạnh. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng nỗi đau mà nó gây ra cho nữ biệt động Trịnh Thị Thanh Mão vẫn còn rất lớn. Chất độc da cam đioxin đã cướp mất chức năng làm mẹ của người con gái anh dũng năm nào.
Năm nay, bà bước sang tuổi 60, sống một mình trong ngôi nhà hiu quạnh tại nơi "chôn rau cắt rốn". Dù lưng đã hơi còng, các khớp xương mỗi lúc trái gió trở trời lại đau nhức, hành hạ nhưng bà vẫn lạc quan, vẫn tận tụy với công việc, vẫn hết lòng vì công việc chung của quê hương, là tấm gương sáng cho bà con lối xóm noi theo.
Với những cống hiến to lớn cho quê hương và Tổ quốc, nữ biệt động Trịnh Thị Thanh Mão đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới; 3 Huân chương chiến công hạnh ba; là Chiến sĩ thi đua toàn khu Bình - Trị - Thiên năm 1971 - 1972; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam và gần đây nhất vào 7/10/2009, bà vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân Chương Độc Lập Hạng Ba.
Thanh Anh - Phan Hồng