Mặc dù đã được giới thiệu trước nhưng chúng tôi cũng phải mất dăm lượt hỏi thăm mới tìm đến được căn nhà nhỏ của cụ Đỗ Văn Đa tại làng Láng (Pháo Đài Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Người làng vẫn thường gọi cụ với cái tên thân mật là cụ Đơ.
Lưng còng, râu tóc cũng đã bạc trắng, nhưng giọng nói của cụ vẫn còn sang sảng. Những ngày gần đây, cụ đi nhiều, gặp những đồng đội cũ đã từng chiến đấu chung một chiến hào, mệt thì mệt thật, nhưng vui. Cụ chỉ buồn một nỗi, những đồng đội trong khẩu đội pháo tại Pháo Đài Láng xưa giờ chẳng còn ai ngoài mình. 70 năm, từ cái đêm 19/12/1946, lịch sử trôi qua nhưng ký ức vẫn rõ mồn một.
Cụ Đa kể, làng Láng đầu những năm 1940 còn gọi là làng Láng, xã Yên Lãng, huyện Hoàn Long, thuộc Hà Đông cũ, vẫn dưới quyền kiểm soát của Pháp, Nhật nhưng đã có nhiều cán bộ cách mạng âm thầm về nằm vùng làm công tác dân vận. Lúc ấy, dân làng Láng làm quần quật ngoài đồng từ sáng đến tối vẫn không đủ cái ăn, cho nên khi có tin rỉ tai từ làng này sang làng khác, có “ông cụ mới về” (mãi đến 2/9/1945, cụ Đa và dân làng mới biết là Cụ Hồ), bảo dân làm cách mạng, đuổi Nhật, đánh Tây để giành độc lập, giành quyền lợi về cho dân. Ngọn lửa cách mạng trong làng Láng đã được hun đúc chín muồi, chỉ cần có lệnh là xông lên.
Sau Hiệp định sơ bộ Việt- Pháp (6/3/1946), quân Nhật, quân Tưởng lần lượt rút khỏi Pháo Đài Láng, dân quân tự vệ của ta mới tiến vào xem xét thì còn lại một số ít đạn pháo, liền cho người vác qua sông Tô Lịch, gửi dân ở làng Giàn (Trung Kính Hạ), giấu ở bờ ao, bụi tre, lấy rơm phủ lên để tránh trường hợp địch quay lại chiếm. Lúc này, các lãnh đạo cấp trên cũng chỉ thị vào xã Yên Lãng, lấy thêm các thanh niên làm nhiệm vụ canh gác, đồng thời huấn luyện cách sử dụng pháo để khi cần có thể tham gia chiến đấu luôn.
Cụ Đa còn nhớ cái ngày đặc biệt ấy của đời mình. Cụ cùng với 9 thanh niên được gọi ra quán Góc Thị để bàn việc. Ban đầu, ai nấy cũng chỉ nghĩ là được gọi ra làm nhiệm vụ canh gác, nhưng khi được báo sẽ học về pháo để khi cần có thể tham gia chiến đấu được, ai nấy vừa mừng, vừa lo. Việc học pháo được tiến hành gấp rút sau đó. Đến ngày 16/12, khi anh em vẫn còn đang đào hào, học kỹ thuật thì có một chiếc xe chở 3 cán bộ cách mạng về. Mãi về sau, cụ Đa mới biết là trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vương Thừa Vũ. Các cụ thăm hỏi, động viên anh em lần cuối cùng trong công việc chuẩn bị và duyệt phương án tác chiến của pháo đài.
Tại buổi đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp yêu cầu các “thầy” dạy sao cho dễ hiểu, đơn giản để anh em tân binh có thể dễ dàng tiếp thu. Đại tướng vừa nói, vừa đích thân thao tác, chỉ cho anh em. Những hình ảnh đó, đến giờ với cụ Đỗ Văn Đa vẫn như mới hôm qua...
Đến ngày 18/12/1946, xe của Bộ Chỉ huy lại về, mang theo một phong thư, trong đó có ghi cặn kẽ những địa điểm mà pháo ta phải tấn công vào trong đêm lịch sử 19/12 sau đó. Cụ Đa còn nhớ như in, sáng ngày 19/12, Trung đội trưởng Nguyễn Ứng Gia đã tập trung anh em lại lưu ý: “Chiều hôm nay ăn cơm sớm, sau đó vào nhà, quần áo anh em có gì gấp cho gọn gàng lại, rồi về ụ pháo đã phân công cho từng người. Kiểm tra lại cho thật cẩn thận, ai ở vị trí nào đứng vị trí ấy không được đi lại, không được nói chuyện. Chú ý nghe lệnh, đêm hôm nay có thể chúng ta sẽ tấn công”, cụ Đa nhớ lại.
Từ chiều cho đến đêm hôm ấy, trời mưa rét, anh em pháo thủ không giày tất, chỉ độc một bộ quần áo đứng chờ ở vị trí chiến đấu. Khoảng 20h3’, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn điện toàn thành phố vụt tắt. Pháo Đài Láng phát hỏa, bắn những phát đạn đầu tiên vào cơ sở của địch trong thành phố, đồng thời là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc, tiếp đó các pháo đài khác cùng bắn.
Ba loạt đạn từ hai khẩu pháo tại Pháo Đài Láng bắn lần lượt 6 viên đạn lửa vào trong thành Hà Nội. Lúc này, đám sĩ quan của Pháp đang tập trung trong thành với âm mưu đánh ra ngoài. Tuy nhiên, do ta nổ súng trước đã phá vỡ âm mưu của địch tức thì. Sau 3 loạt đạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gọi điện cho Trung đội trưởng Nguyễn Ứng Gia cho trinh sát vào trong thành xem có viên đạn nào lạc vào trong dân không. Chỉ ít phút sau trinh sát báo về, địch trong thành chết nhiều, chỉ có một phát đạn pháo của ta rơi ra ngoài thành nhưng không ảnh hưởng đến dân.
Lúc này nhìn ra, cả thành phố đỏ rực một góc trời. Anh em pháo thủ đứng trong ụ pháo mà cứ tưởng như đứng trên ngọn cây vì đất rung chuyển, cát bụi bắn lên như sương mù. Khẩu đội pháo tại Pháo Đài Láng tiếp tục lau đạn và súng để chuẩn bị chiến đấu tiếp. Nhân dân ở ngoài 5 cửa ô, nội ngoại thành tiếp tục ùn vào đánh nhau với giặc hết một đêm cho đến sáng. Sau Pháo Đài Láng, Pháo Đài Xuân Tảo, Xuân Canh cũng lần lượt phát hỏa.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch vang lên khắp các làng quê, khiến cho khí thế đấu tranh của nhân dân lại càng lên cao. Anh em pháo thủ lại càng thêm nức lòng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện biểu dương quân dân, chiến sĩ Pháo Đài Láng bắn giỏi, gọi loạt đạn bắn đêm 19/12 là loạt đạn lịch sử, phá tan âm mưu của giặc khi muốn giành thế chủ động trong trận chiến với ta.
Sáng ngày 21/12/1946, Pháo Đài Láng đã bắn rơi một máy bay giặc trên địa bàn Thủ đô, lập chiến công đầu tiên của pháo binh Việt Nam...
Sau 60 ngày đêm, Pháo Đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài...”. Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố.
Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ Đỗ Văn Đa cùng các đồng đội của mình đã chiến đấu ngoan cường trên khắp các mặt trận, lập nhiều chiến công cho lực lượng pháo binh.
Sau 70 năm, mỗi khi nghĩ về ngày 19/12/1946, cụ Đa vẫn như thấy mình trẻ lại, thấy hình ảnh mình và các đồng đội đứng trên ụ pháo, chiến đấu ngoan cường, một người ngã xuống thì lại có mười người đứng lên. Những điều đó, cụ lưu lại và truyền cho các thế hệ con, cháu trong nhà để luôn nhớ về một thời anh hùng của cả một dân tộc.
Đỗ Huệ