Tại buổi gặp mặt, các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới đồng bào có tôn giáo.
Các đại biểu cho biết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp quan trọng, mang dấu ấn đậm nét về sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.
Đặc biệt, tại Kỳ họp, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch nước. Đây là quyết sách lớn, thể hiện tư tưởng thực sự vì dân, vì nước, được sự đồng thuận của các chức sắc tôn giáo nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, từ đó tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong xã hội.
Các đại biểu cho rằng từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế, các chức sắc, đồng bào tôn giáo và cử tri cả nước quan tâm.
Thời gian tới, các đại biểu sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tới đồng bào tôn giáo và người dân biết, để thực hiện đúng những quy định trong Luật; qua đó góp phần hướng dẫn đồng bào tôn giáo hiểu, nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo...
Các đại biểu cũng trao đổi ý kiến, kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để các tôn giáo ngày càng phát triển.
Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với trên 90 triệu dân, 54 dân tộc.
Đến nay, Nhà nước đã công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3 triệu đồng bào có đạo, chiếm 27% dân số, trong đó có 60.799 chức sắc, 133.662 chức việc, 27.916 cơ sở thờ tự và khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng...
Thời gian qua, hoạt động của các tôn giáo đã có sự phát triển tốt, với các điểm mạnh trong hoạt động giáo dục đạo đức và từ thiện xã hội. Điều này cho thấy tín ngưỡng tâm linh rất quan trọng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của đời sống tôn giáo, tích cực vận động đồng bào ủng hộ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; mong muốn các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp những ý kiến quý báu đối với các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.
Bà Trương Thị Mai khẳng định các vị chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần hòa hợp các tôn giáo, là tấm gương cho người dân, đặc biệt là đồng bào tôn giáo noi theo.
Bà Trương Thị Mai tin tưởng các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội, là người có vị trí cao trong cộng đồng sẽ tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương, các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết những vấn đề liên quan đến luật pháp, bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân; hoàn thành xuất sắc trọng trách đại diện cho đồng bào tôn giáo, người dân cả nước, đóng góp vào các hoạt động chung của Quốc hội.
Tuy nhiên, Quốc hội hiện mới có 6 đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo, thời gian tới cần tăng số lượng các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo.
Đối với các kiến nghị của các vị chức sắc tôn giáo, bà Trương Thị Mai cho biết Ban Dân vận Trung ương tiếp thu ý kiến; đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Theo Vietnam+