Chẳng biết từ bao giờ nữa, rượu đã trở thành thức uống không thể thiếu trong nhiều sự kiện, bao gồm tân gia, đám hỏi, đám giỗ... Vui uống, buồn uống, mua xe mới cũng “ chúc" mà chia tay người yêu cũ thì càng phải "mừng". Có vô số những hợp đồng béo bở “gặt” được trên bàn nhậu và có không ít người phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trên bàn làm việc vì không giỏi “ngoại giao” - ở đây, được hiểu là khả năng tiêu thụ thức uống có cồn cùng sếp, đối tác…
Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của rượu trong các giỏ quà Tết, bữa tiệc tất niên và gặp mặt đầu xuân luôn song hành với những lời lẽ bay bướm về sự tri ân người thân, bạn hữu; đôi khi gợi cho người ta liên tưởng tới cảnh sum họp, đoàn viên…
Câu cửa miệng “mấy khi” lúc nâng chén cũng tương tự như cách nói: Một năm anh chỉ uống rượu 2 lần, mỗi lần 6 tháng; khiến người được mời chỉ còn cách ngậm... rượu làm ngọt nếu không muốn phá vỡ bầu không khí nồng nặc hơi men.
Bởi vậy, mâm cơm Tết bày biện đủ bánh chưng, gà, giò, nem nhiều khi chỉ là hình ảnh mang tính chất minh hoạ cho cuộc thi… chén (cốc): Chén thứ nhất phạt vì đi đường gặp không bao giờ chào, chén thứ hai “đồng khởi” mừng tân xuân, chén thứ n chẳng vì lý do nào cả.
Quả thật, rượu là chất xúc tác tuyệt vời, giúp những người đàn ông từ chỗ không quen biết hay thân thiết chuyển sang giai đoạn cùng hò vang “mong kiếp sau vẫn là anh em” trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng vui thôi đừng vui quá. Chẳng phải ngẫu nhiên mà một nhà văn Nga nổi tiếng từng viết: Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự.
Một câu nói buột miệng, một hành động mất kiểm soát, một lần chợp mắt chiều theo cơn buồn ngủ khi đang chạy xe… có thể bẻ ngoặt bánh lái cuộc đời của một con người, thậm chí vĩnh viễn cướp đi cơ hội sống, yêu thương và trải nghiệm của họ.
Tôi có một người anh, tửu lượng rất tốt nhưng luôn tỏ vẻ rất tiếc nếu ai đó ép anh phải uống “nhiệt tình” (không được phép nhấp môi). Đặc biệt, anh không bao giờ tìm lý lẽ biện minh hay từ chối khéo mà thẳng thắn nói: Em/Cháu không uống được nữa. Anh bảo: Tất cả những kẻ bắt anh uống cạn, uống say đều là “bợm" mà anh thì chỉ cần “bạn”. Ta nên quan tâm tới sức khoẻ bản thân, dành thời gian cho những người thực sự quan trọng thay vì mải đàn đúm, rượu chè với một nhóm người chẳng bao giờ xuất hiện khi ta khó khăn, cơ cực.
Cách đây chưa lâu, tôi đọc được một comment nổi bật dưới bài viết phản ánh tình trạng ngộ độc rượu, đại ý yêu cầu các ngành chức năng cần đưa ra những biện pháp xử lý quyết liệt hơn để chấm dứt “nạn rượu bia” cùng những hệ luỵ đáng buồn. Lời đề xuất này không có gì sai, nhưng suy cho cùng, rượu bia không hề có lỗi, nó chỉ dần xấu đi do hoàn cảnh (môi trường làm việc, các mối quan hệ…) và bản thân người uống.
Trong đó, hoàn cảnh dĩ nhiên không phải thứ dễ thay đổi hơn, và không ai dám chĩa súng vào thái dương và bắt một đấng nam nhi phải gật đầu lia lịa trước mỗi ly rượu.
Nên nhớ đằng sau cái gật đầu đó là gia đình và tương lai của chính bạn.
Trương Chi
*Bài viêt thể hiện quan điểm riêng của tác giả