Điều kỳ diệu đến từ sự tình cờ
Nép mình nơi hẻm nhỏ thuộc đường Phan Châu Trinh (TP. Hội An, Quảng Nam), phòng tranh ốc của người họa sĩ từng là một thầy thuốc vẫn cuốn hút người xem như một điểm nghệ thuật dị biệt của phố cổ. Nơi đây, khách yêu nghệ thuật không chỉ sững sờ trước vẻ đẹp rất riêng từ loại tranh vỏ ốc mà còn được nghe về con đường nghệ thuật của nghệ nhân Lữ Ngọc Năm. Theo ông, không ít người bất ngờ và thán phục khả năng vẽ tranh bằng vỏ ốc, nhưng với ông, điều kỳ diệu đến từ sự tình cờ.
Nghệ nhân Lữ Ngọc Năm.
Ông chia sẻ: "Tôi nhớ khi mình nhìn thấy mấy đứa nhỏ trong xóm chơi cờ vây bằng vỏ ốc, về nhà thấy vợ con ngồi ăn ốc, những vỏ ốc có màu sắc đẹp, láng bóng. Tôi cầm lên mân mê xem thử, bỗng nhiên trong đầu hiện về những gam màu sáng, tối, lung linh được kết từ nó. Thế là ý tưởng dùng vỏ ốc vẽ tranh lóe lên. Dẫu biết từ ý tưởng đến hành động là một chặng đường dài, nhưng tôi đã miệt mài lao vào thử nghiệm".
Là một người nghệ sĩ không chuyên và lần đầu sáng tác bằng loại chất liệu chưa xuất hiện trong nghệ thuật hội họa là vỏ ốc nên việc sáng tác với ông chồng chất những khó khăn. Một trong những khó khăn đầu tiên là việc kiếm tìm vỏ ốc ruốc. Ông cho biết, sở dĩ ông chọn loại ốc trên vì loại ốc này có mình dẹp và nhỏ, nhiều màu sắc, có nhiều sắc độ khác nhau. Tuy nhiên, khi gộp chúng lại, vỏ ốc ruốc lại cho ta một tông màu tương đối rõ nét. Nghệ nhân Lữ Ngọc Năm nói: "Đứa con tinh thần đầu tiên của tôi là bức "Chùa Cầu". Và để thực hiện ý tưởng này, hằng ngày tôi phải cùng vợ con đi quanh xóm, để ý xem có ai ăn ốc ruốc thì xin vỏ gom về ghép tranh".
Tuy nhiên, những tháng ngày lang thang, nhặt nhạnh theo kiểu "được chăng hay chớ" vẫn không đủ để ông sáng tác. Thế nên, ông phải đi mua thứ người ta tưởng chỉ để vứt đi. Ban đầu, ông nhờ những người bán ve chai nhặt vỏ ốc rồi bán lại cho mình. Về sau, ông tìm được người cung cấp và thu được cả tấn chất liệu để thỏa mãn khát khao vẽ phố cổ bằng vỏ loại ốc ruốc bé xinh. "Tưởng thế đã xong, nhưng tìm nguyên liệu đã khó, xử lý nó lại càng khó hơn". Vỏ ốc thu về, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm cho vào các bao nhựa loại 50kg rồi chở lên tận bờ kè Ngọc Thành bên sông Hoài thả ngâm dưới lòng sông một ngày một đêm.
Theo ông, đó là công đoạn làm sạch ốc. Sau một ngày đêm ngâm nước, ông cất công xả, rửa cho kỳ hết chất bẩn trong ruột ốc trước khi đem phơi hai ngày nắng. Để loại bỏ mùi tanh, hôi, người nghệ sĩ phải ủ vỏ ốc với những bí quyết nhất định. Sau công đoạn này, vỏ ốc sẽ được phân loại theo màu sắc, kích cỡ,... trước khi được dùng vào công việc sáng tác nghệ thuật. Chia sẻ những khó khăn trong công đoạn phân loại vỏ ốc, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm cho biết: "Tôi nhận thấy các loại ốc lớn, ốc nhỏ, kích thước không đồng đều, màu sắc cũng vậy. Phần lớn vỏ ốc có màu sắc bị giới hạn trong các màu của ốc. Tôi lại không muốn thay đổi những màu ấy vì như vậy mất đi tính tự nhiên nên phải cố gắng tận dụng tối đa những gam màu đó để mình xoay chuyển ý tưởng của mình".
Một số tác phẩm tiêu biểu từ vỏ ốc của nghệ nhân Lữ Ngọc Năm.
Níu giữ hồn phố cổ bằng nghệ thuật riêng
Đã không ít người tìm thấy những nét rất riêng của phố cổ Hội An trong tranh của nghệ nhân Lữ Ngọc Năm "vẽ" bằng vỏ ốc ruốc. Để nắm bắt rồi gửi gắm những tâm tình, hoài tưởng nét đẹp phố cổ theo dòng thời gian vào tranh ốc, người nghệ sĩ đã tìm riêng cho mình những bí quyết. Chia sẻ về một trong những công đoạn mang tính quyết định, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm nói: "Một trong những bước quan trọng là khâu phác thảo tranh. Trước khi tiến hành ghép vỏ ốc, người vẽ phải luôn trăn trở những câu hỏi như: Phác thảo đã "chín" chưa, có phù hợp với đường nét và màu sắc của ốc không,...".
Minh chứng cho những khó khăn trên, ông nhớ lại ngày đầu vẽ bức "Chùa Cầu": "Bức tranh đầu tay là bức "Chùa Cầu". Khi nghĩ rằng mình làm thử tranh bằng ốc, chính tôi cũng không hiểu mình lại chọn cảnh Chùa Cầu (cười). Chỉ biết mình yêu cái cầu quen thuộc và gắn bó với TP. Hội An. Thế là cầm giấy, bút lên chùa cầu vẽ phác thảo rồi về ngồi miệt mài tìm vỏ ốc để ghép. Tôi phải dành mười ngày mới ghép xong những vỏ ốc vô tri thành tranh. Lần đầu làm nên thật khó, ghép vào rồi lại gỡ ra, làm lâu lắm mới thấy từ những chiếc vỏ ốc hiện lên cái chùa Cầu mà mình hình dung. Thế là đóng khung rồi ngồi nhìn mãi, cảm thấy thật là hạnh phúc".
Lần đầu công bố "Chùa Cầu" được ghép từ những vỏ ốc ruốc nhỏ xinh, rất nhiều người đã bất ngờ trước vẻ đẹp rất riêng và đặc biệt của loại tranh này. Ông Nguyễn Văn Sơn, người thường xuyên có mặt tại phòng trưng bày tranh ốc của nghệ nhân Lữ Ngọc Năm tại đình Minh Hương (TP. Hội An) nhận xét: "Cách tạo tranh của ông Năm đã đạt đến mức hoàn mỹ. Màu sắc tranh dù được ghép từ vỏ ốc nhưng hài hòa, tươi mát. Nếu không thật sự "bới lông tìm vết" dù được ghép bằng ốc với những kích thước khác nhau nhưng bức tranh gần phẳng không lởm chởm gây mất mỹ quan. Hơn thế, nếu xem bức "Chùa Cầu", người xem sẽ nhận thấy mái ngói âm dương được xếp đặt một cách lớp lang chạy xuôi theo mái dốc, sinh động không khác tranh vẽ bằng các chất liệu khác".
Sau ngày khẳng định tên tuổi bằng bức "Chùa Cầu" vào năm 2003, đến nay nghệ nhân Lữ Ngọc Năm đã sáng tác hơn 60 tác phẩm. Những tác phẩm nghệ thuật từ vỏ ốc ruốc bé xinh với những gam màu sáng tối khi sống động lúc trầm mặc cổ kính phảng phất, gợi nhớ phố cổ Hội An vẫn làm đắm lòng du khách. Đó cũng là một trong những đề tài sáng tác của người họa sĩ bước vào làng hội họa bằng một con đường rất riêng. Người ta bắt gặp trên "con đường" ấy những hoạt động văn hóa, sinh hoạt hằng ngày hay những góc phố cổ Hội An trầm mặc.
Giới thiệu một trong những hoài niệm về phố cổ qua các tác phẩm của mình, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm chia sẻ: "Khi thực hiện một tác phẩm, tôi đã hình dung nó trong đầu, suy nghĩ về nó, cho nó một cái hồn. Ví như bức "Hương vị xưa". Ngày nay phố cổ Hội An vẫn còn những ông già bán xí mà nơi góc phố, vẫn nấu bằng mè đen,... Nhưng tôi ăn không còn cảm nhận được cái hương vị của ngày xưa nữa. Nên bức tranh này tôi gợi nhớ về ngày xưa rất nhiều và cũng muốn truyền tải những hương vị xa xưa từng làm nên nét đẹp văn hóa của phố cổ đến người xem".
Đánh giá về tranh của ông, nhiều nhà nghệ thuật nhận định: "Nghệ nhân Lữ Ngọc Năm không chỉ tìm được một lối đi riêng trong nghệ thuật hội họa vốn đòi hỏi những sáng tạo mà còn được xem như người lưu giữ hồn phố cổ bằng vỏ ốc. Thế nên, những tác phẩm bằng vỏ ốc ruốc của ông như Tháp Mỹ Sơn, Biển Cửa Đại, Chùa Cầu, Hương vị xưa,... luôn khiến những đứa con xứ Quảng đau đáu thương về cố hương, khiến du khách như được sống lại cùng vẻ đẹp trầm mặc của phố cổ. Giờ đây, dù đã ngoài 60, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm vẫn miệt mài sáng tác tranh ốc vì: "Tôi đã lỡ yêu những con ốc bé nhỏ của tôi rồi".
Không phải vỏ ốc nào cũng có thể dùng để sáng tác tranh Thông tin về những loại ốc có thể sử dụng trong nghệ thuật hội họa, nghệ nhân Lữ Ngọc Năm tâm sự: "Ốc có nhiều loại tùy theo người sử dụng và mục đích sử dụng có thể được dùng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, không phải loại ốc nào cũng dùng để ghép tranh được. Riêng bản thân tôi vẫn chú trọng chọn loại ốc ruốc. Được biết, ốc ruốc là một loại ốc biển nhỏ như nút áo nhưng có nhiều màu sắc khác nhau. Loài ốc này thường xuất hiện trên vùng biển miền Trung vào mùa hè từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch. Đây cũng là món ăn được trẻ nhỏ và các phụ nữ ưa thích ". |
HÀ NGUYỄN