Cảm nhận riêng của người thợ giỏi
Chúng tôi gặp ông Liêm khi ông đang phục chế một ngôi đình làng. Ông vừa chỉ đạo cho những người học trò của mình, đồng thời giảng giải đến từng chi tiết, hoa văn này cần phải khắc đậm nét, vật dụng kia phải được tỉa tót hơn. Tay chỉ việc, miệng vẫn luôn giảng giải vì sao phải làm như vậy. Những lời lý giải của ông vừa dễ hiểu lại rất sâu sắc. Nếu không phải là người có phông nền lịch sử, văn hóa rộng thì chắc chắn không thể hiểu chi tiết, tỉ mỉ và tinh tường đến vậy.
Ông Liêm sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề mộc nức tiếng ở Phúc Thọ. Từ nhỏ ông đã được tiếp xúc và làm quen với nghề điêu khắc, tạc tượng. Ông vẫn thường nhìn bố mình tỉa tót từng họa tiết trên những tấm gỗ vô tri vô giác để biến chúng thành những bức tranh sinh động, các bức tượng với những nét mặt biểu cảm riêng... Dần dần những yếu tố thẩm mỹ về mỹ nghệ, mỹ thuật, nghệ thuật cũng ngấm dần vào máu và chuyển thành nỗi đam mê của ông.
Theo ông Liêm, ông cùng công ty nhận những đơn đặt hàng từ bộ Văn hóa, sở Văn hóa về việc trùng tu, tôn tạo những di tích nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi khi nhận được đơn đặt hàng, chúng tôi phải bàn bạc rất kỹ xem sẽ phải thực hiện như thế nào rồi mới tiến hành.
Ông Đoàn Văn Liêm - nghệ nhân từng tu bổ, phục chế những di tích lịch sử, văn hóa lớn nhất cả nước
Ông nhận các dự án trùng tu của bộ Văn hóa và các sở Văn hóa trong cả nước. Ông cũng là một trong những người phục hồi, tu bổ những di tích nổi tiếng như: Đền Cửa Ông (Cẩm Phả - Quảng Ninh), Các đình, đền, chùa, miếu trên Đảo Quan Lạn (Vân Đồn - Quảng Ninh), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Chùa Hương, Ao Vua, Khoang Xanh, Đầm Long, các khu tượng đài, các di tích ở Sóc Trăng...
Làm nghề của ông cũng phải có sự liên hệ với các làng nghề thủ công truyền thống như nghề mộc, chạm khắc gỗ, vôi vữa, đúc đồng, gốm xứ, sơn mài, pháp lam. "Đối với những công trình cổ, để tìm được một vật liệu thay thế cũng rất khó, có những cột gỗ, chúng tôi phải dặn xưởng gỗ từ trước đó hàng năm trời mới tìm được khúc gỗ phù hợp. Còn đối với việc tu sửa mái cho một số công trình, chúng tôi phải đặt hàng làng ngói Mậu Lương, xã Kiến Hưng, Thanh Oai, Hà Nội mới có được loại ngói ưng ý", ông Liêm cho biết.
Ông Liêm còn có thể chế tác hàng ngàn vật dụng trong một cung điện nguy nga, tráng lệ. Việc phục chế những chiếc ngai vàng, giường cổ, tủ thờ, án thờ cổ, những hộp sơn son... Vật dụng càng nhỏ thì càng cần để ý mới có thể làm nên một bức tranh tổng thể về giá trị của nó. Ông cho hay, trong những lần được thiết kế các đồ vật cổ, ông cũng không thể nào biết hết gốc tích của món đồ mình định làm. Chính vì vậy, có lần ông phải nhờ đến các nhà khoa học đầu ngành để giúp đỡ để hiểu tường tận về món đồ đó ông mới bắt tay vào làm.
Để khôi phục lại một số di tích cổ đã hoang phế, người nghệ nhân phải có mẹo riêng. Để thể hiện những nét hoa văn trên bức tường, chúng tôi cũng cần phải vận dụng đến ứng dụng của hóa chất. Việc đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, sau đó dùng chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường. Sau đó dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất rồi dùng nước chấm sửa lên bề mặt.
Người thợ giỏi là người vẫn có thể làm theo mẫu cho khách nhưng vẫn phải có cảm nhận riêng của mình trước thời cuộc. Ví dụ, để tạc một pho tượng, người nghệ nhân phải thổi hồn để bức tượng sống động qua cái nhìn nhân vật. Nghệ nhân siêu phàm phải là người có khả năng thổi hồn thời đại vào nhân vật. Ông tâm sự: "Đối với bức tượng Hộ Pháp, tôi đã phải tốn rất nhiều công sức nhất, tâm huyết của bao tháng ngày trăn trở, tưởng tượng để phác họa một nhân vật mang rất nhiều tâm trạng".
Đối với những công trình về di tích thì việc khó khăn nhất chính là làm sao tái hiện được những vật dụng của một thời đại. Ví dụ cũng là con rồng nhưng rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng há to, mép trên của miệng không có mũi, răng nanh mọc từ hàm lên, vảy thấp, chân 3 ngón giống chân chim, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp, bụng và đốt ngắn, có 4 ngón chân. Rồng thời Trần uốn lượn mạnh mẽ hơn thời Lý, có cặp sừng và đôi tay, có mào lửa. Đến thời Nguyễn, rồng có nhiều tư thế như ẩn trong đám mây, ngậm chữ, đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược, đầu rồng to. Rồng thường có 4 móng, nếu dùng cho vua là 5 móng. Rồng là biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng.
Trùng tu không chuẩn sẽ giết chết di tích
Theo ông Liêm, hiện nay rất nhiều công trình về văn hóa được phục chế nhưng không những không đảm bảo tính chính xác mà còn gây nên sự lố bịch về văn hóa, điều đó đồng nghĩa việc phục chế đã giết chết công trình.
Việc ngôi chùa Trăm Gian bị "bức tử" bởi việc trùng tu chỉ là một vụ việc bị báo chí phanh phui và xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều những đình làng, đền đài, chùa chiền, miếu mạo được xây dựng, phục chế, tu bổ thành những công trình hiện đại, xa hoa mà lố bịch, chứ không phải là một công trình văn hóa. "Bất kể làm nghề gì thì cũng phải có sự hiểu biết sâu sắc về nghề mình đã chọn. Làm nghề tu bổ, phục chế di tích thì ngoài cái tâm cần là người am hiểu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thì mới sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị", ông nói.
Bằng những kinh nghiệm của mình, ông Liêm cũng luôn dặn dò con cái phải không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức và tay nghề mới có thể nối nghề. Được biết, nghệ nhân này đã đào tạo được 4 đứa con và 5 người cháu theo nghề.
Không thể chỉ dựng khuôn mẫu là xong Ông Liêm thường xuyên nhận được đơn đặt hàng về thiết kế một số cổng làng, đình làng, miếu thờ theo một khuôn mẫu định sẵn. Tuy nhiên để có thể làm được sản phẩm mang đậm tính chất của làng đó cần phải tìm hiểu lại sử sách về lịch sử, văn hóa của làng để có thể thiết kế được sản phẩm độc đáo, phản ánh được nét đặc trưng chứ không thể chỉ dựng nên một khuôn mẫu là xong. Theo ông, như vậy sẽ vô hồn và chẳng có giá trị gì. |
Thế Hoàng