Nuôi dưỡng đam mê
Theo nghệ nhân Tạ Thị Hình, bà học hát quan họ từ thuở 13. Bà may mắn được một số nghệ nhân giỏi trong làng như cụ Nguyễn Đình Dưa, Nguyễn Đình Lụt dìu dắt và chỉ bảo. Khi gần đến tuổi trăng tròn bà kết duyên với một người cùng làng. Cuộc sống sau khi lập gia đình bộn bề với bao nỗi lo toan, chồng bà ngay sau ngày cưới lại lên đường đi đại học nhưng cũng không vì thế mà niềm say mê quan họ của bà giảm đi. Đến năm 35 tuổi, giọng hát quan họ của bà đã đạt đến trình độ vang, rền, nền, nảy của một liền chị nhưng bà vẫn kiên tâm tìm thầy để học thêm nhằm hoàn thiện giọng hát của mình. Ban ngày chu tất công việc dâu con trong gia đình, tối đến bà lại cùng đám hát trong làng ra đình say sưa với những khúc hát quan họ ngọt ngào đằm thắm. May mắn là bố mẹ chồng hiểu được niềm đam mê quan họ của cô con dâu nên hết sức ủng hộ và tạo điều kiện cho bà tham gia vào các hoạt động văn nghệ của địa phương.
Và đến nay, khi đã bước sang tuổi 74, nghệ nhân Tạ Thị Hình vẫn giữ được nét rạng ngời, nền nã của người quan họ vùng quê Kinh Bắc. Nét trẻ trung ấy có được bởi đã 25 năm nay bà vẫn miệt mài với phong trào truyền dạy quan họ ở các cơ sở và nhiệt tình lên lớp tại trường trung cấp Văn hoá nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt là năm 2009, khi quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới thì niềm say mê với quan họ của bà lại càng được nhân lên, những khúc hát quan họ đằm thắm, nền nảy trong lớp học cũng theo đó mà rộn ràng hơn.
Dù tuổi đã cao nhưng NSƯT, nghệ nhân Tạ Thị Hình vẫn giữ được nét đằm thắm, dịu dàng của liền chị quan họ.
Nghệ nhân Tạ Thị Hình cho biết, văn hoá quan họ có nét độc đáo riêng bởi lối ứng xử khéo léo, tinh tế, kín đáo và mang đầy ý nghĩa nhân văn mà không phải nơi nào cũng có được. Người quan họ luôn từ tốn, khiêm nhường từ lời ăn tiếng nói cho đến lối ứng xử. Họ gọi nhau là liền anh, liền chị và bao giờ cũng tự nhận là em. Vì thế mà men say quan họ dạt dào, tình tư,á đầy sức cuốn hút mãnh liệt đối với du khách bốn phương dù chỉ được thưởng thức qua một lần. Đó cũng là điều lý giải vì sao quan họ truyền thống lại có sức quyến rũ và lay động lòng người đến vậy.
Giữ lửa truyền thống
Năm 1988, cùng với bà Tạ Thị Khánh, người có cùng niềm đam mê với quan họ, hai bà đã lập ra lớp dạy hát miễn phí cho bà con trong vùng. Theo lời kể của nghệ nhân Tạ Thị Hình, để có những lớp học hát quan họ và duy trì đến ngày nay là một quá trình không hề đơn giản. Những ngày đầu mở lớp, để chiêu tập người học, bà phải đến nhà từng người để động viên họ đi học. Với suy nghĩ người chưa biết thì học cho biết, người biết rồi thì luyện thêm sao cho giọng hát được vang, rền, nền nảy bà đã kiên trì với công tác truyền dạy nhằm giúp cho những người con trên quê hương quan họ đều có thể hát quan họ.
Là lớp học về hát dân ca quan họ nhưng lớp học của bà lại không có dụng cụ để dạy hát, bà chỉ hát chay, khi đến đoạn dạo nhạc lại phải đánh nhạc bằng miệng. Học sinh học hát không có quần áo quan họ, bà liền bỏ 7 triệu đồng ra để mua trang phục. Nhiều người cảm phục bà ở chỗ bà dạy một cách nhiệt tình màâ không nhận bất cứ một khoản hỗ trợ nào. Bà chia sẻ rằng, lớp học mở ra với mục đích dạy hát để giúp cho thế hệ sau lưu giữ được vốn quan họ cổ, bởi các câu thơ, lối hát cổ rất trữ tình, đằm thắm nhưng đang dần bị mai một. Có một điều nằm ngoài mong đợi của bà là học sinh không những học được vốn quan họ truyền thống mà còn sống được bằng chính nghề hát.
Có lẽ vì cảm cái tâm của một nghệ nhân quan họ và yêu mến điệu hát quê hương nên lớp học hát quan họ của bà ngày lại càng đông. Lớp học đặc biệt ra đời với những học sinh đa dạng: Người tóc xanh lẫn với người đầu bạc, người trẻ lẫn với người già ở đủ mọi lứa tuổi. Phần lớn thành viên trong lớp học là con em trong làng quan họ ở lứa tuổi tiểu học, sau đó là đến các bạn sinh viên và cũng không hiếm những cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhất là vào thời gian nghỉ hè, các em học sinh tìm đến học tương đối đông hay những người đã có con cái trưởng thành không còn lo chuyện gia đình nên có thời gian theo học. Đó cũng là niềm phấn khởi đối với bà vì phải có nhiều thế hệ tiếp nối nhau theo học mới mong khúc hát quê hương không bị thất truyền.
Theo nghệ nhân Tạ Thị Hình chia sẻ thì người học hát quan họ không chỉ cần có năng khiếu mà cần phải có cả quyết tâm và niềm say mê. Cũng không khó hiểu bởi một người hát quan họ thường phải thuộc được 150 câu hát và thời gian để tập nhuần nhuyễn cho ra lề lối, cho thật chuẩn thì phải tính hàng năm. Để người học có thể hát tốt bà phải dày công dạy từng thanh âm, phải tròn môi uốn giọng sao cho chuẩn. Với các em thiếu nhi, bà thường bồi dưỡng hát đơn, còn người lớn là hát theo từng cặp. Nhiều giọng ca hay đã được bà phát hiện và đào tạo để trở thành những giọng ca vàng trong các cuộc thi toàn quốc. Kết quả thấy rõ là trong hơn 20 năm dạy hát, bà đã đào tạo ra hàng trăm người biết hát quan họ, nhiều người đã đoạt giải cao trong các cuộc thi toàn quốc như: Thu Trang (2 HCV, 3 HCB), Mạnh Luyện (1 HCV, 1 HCB), Nguyễn Thị Thành (l HCV, 1 HCB). Đó chính là động lực giúp bà tiếp lửa truyền thống bởi: "Người dạy chỉ là giọt nước, còn các em chính là suối nguồn, mỗi khi được nghe các em hát đúng nhịp, đã là hạnh phúc rồi".
Ngoài việc truyền dạy quan họ miễn phí trong vùng, bà còn dạy cho các cháu ở trường THCS Võ Cường vào các tiết văn nghệ, hướng dẫn các cháu nhà văn hoá thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh, tham gia dạy quan họ tại trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh. Thêm vào đó, bà đã ghi chép được 255 bài thơ cổ, gần 300 bài ca quan họ tặng cho bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm mục đích truyền đạt cho thế hệ sau những vốn liếng mà bà đã được thế hệ trước truyền lại.
Cứ tưởng, nghệ nhân đã ngoài thất thập ấy đã phần nào thoả nguyện nhưng có ai biết bà vẫn hoài niệm về một dòng quan họ thuở xưa với những lề lối nghiêm ngặt bởi bên dòng chảy của cuộc sống hiện đại, bà cảm nhận được cái chất người quan họ cũng ít nhiều bị phai nhạt.
Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Tạ Thị Hình trong việc lưu giữ truyền thống văn hoá xứ Kinh Bắc, năm 1995, khi bước sang tuổi 55, bà đã được Bộ Văn hoá - Thông tin tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá. Năm 2001, bà lại vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ ưu tú. Bà là một trong số rất hiếm những người trưởng thành từ phong trào văn nghệ không chuyên nhận được danh hiệu cao quý này. Hiện tại dù tuổi đã cao, sức khoẻ cũng giảm sút nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động, nhằm gìn giữ quan họ truyền thống. Hơn nửa đời người gắn bó với quan họ, điều bà tâm đắc nhất không phải là những tấm bằng khen hay giải thưởng mà là việc đã góp phần truyền được ngọn lửa đam mê của mình cho những thế hệ sau. |
Thanh Loan