Đã được nghe kể nhiều về tục ăn đất của người dân ở đây, nhưng thật khó tin. Tuy nhiên, phóng viên Người đưa tin đã được tận mắt chứng kiến cảnh người ta bày bán đất, rồi cầm miếng đất nhai ngon lành như trẻ con ăn kẹo...
Cụ Loa, cụ Biện - một những người ăn đất cuối cùng ở Việt Nam
Ăn là nghiện
Anh Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND Thị trấn Lập Thạch cho biết: Cách đây khoảng vài năm, một số chuyên gia về thổ nhưỡng và quản lý đất đai có về tìm hiểu và kết luận rằng: Ngói mà người dân ở đây ăn chứa nhiều khoáng chất.
Có lẽ vì thế mà xưa kia nhiều phụ nữ trong thời kỳ thai nghén nghiền ăn ngói để bổ sung chất dinh dưỡng, đến lúc đẻ xong thì cũng nghiện luôn. Cái món này lạ lắm, ai đã không ăn thì thôi, chứ ăn vào là nghiện đất như đàn ông nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
Anh Tuấn nói: Đó chỉ là chuyện của hơn chục năm về trước. Giờ đây, tục này không còn phổ biến nữa. Trẻ con ở đây nghe nói đến việc ăn đất còn mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên. Thậm chí, chính anh cũng thừa nhận là chưa từng nếm cái vị bùi bùi, thơm thơm của món ngói nổi tiếng quê mình".
"Ngày nhỏ tôi cũng chống cằm nuốt nước miếng nhìn mấy bà hàng xóm nhai ngói ngon lành nhưng cũng không dám thử. Bây giờ tìm người còn ăn ngói ở Lập Thạch khó hơn lên giời. May ra chỉ còn vài cụ già".
Những người ăn đất cuối cùng
Ông Đỗ Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố Thống Nhất tiết lộ: "Cụ Lạc, cụ Huệ những người nghiện ngói nhất thì đã mất rồi. Cụ Hoạch, cụ Sao răng đã móm mém nên không còn ăn nữa". Tuy nhiên, ông Bình tiết lộ thêm: "Còn vợ chồng cụ Loa, cụ Biện, hai cụ vẫn ăn mà hơn thế còn bán cho những người muốn mua ăn chơi nữa".
Một nhà nghiên cứu thì cho rằng tục ăn đất có từ phong tục việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu từ thuở Hùng Vương dựng nước
Chia sẻ với Người đưa tin, cụ Loa, cụ Biện bảo: Ở cả làng này, không chỗ nào nhiều ngói như đồi Gò Vàng nhà cụ. Hiện trên đồi vẫn còn dăm bảy cái hố sâu do vết tích của các hố đào ngói từ xưa để lại. Không những thế, ngay ở vỉa ao nhà cụ cũng dễ dàng đào được ngói ăn.
Theo lời cụ Khổng Văn Loa (78 tuổi), để lấy ngói, người ta sẽ đào những hố sâu 3-5m, đường kính 6 -70 cm là có thể gặp lớp ngói. Lớp ngói khi đào lên có màu vàng sậm, cứng hơn đất thường và có hình dáng tựa như phiến đá nhỏ. Sau đó, tảng đá mới đào lên được đem phơi ngoài nắng hoặc đem để góc nhà chờ khô. Tảng ngói khô được chẻ nhỏ, bổ dọc theo thớ đất, thành những miếng mỏng.
Miếng ngói sau khi chẻ, cạo sạch lớp ken đất bên ngoài chỉ còn màu trắng tinh tựa như viên phấn, được để vào chiếc xảo thưa, dùng lá sim tươi hun để khói bắt màu vào đất. Khoảng 30 phút sau, ngói sẽ có màu vàng tươi, thơm lừng, thế là ăn được!
Cụ Biện kể: "Khói lá sim quyện vào ngói tạo thành mùi rất đặc biệt. Ngửi thấy mùi ngói hun thèm lắm! Miếng ngói lúc bấy giờ có mùi thơm, vị bùi bùi, càng nhai càng ngon."
Cụ Nguyễn Thị Biện "nhai" đất ngon lành
Cụ Biện tiết lộ: "Cách đây chục năm, ngói được bày bán ngoài chợ như mớ rau, cái kẹo. Nhiều người ăn thành nghiện cả, nhất là phụ nữ. Bà nào đi chợ cũng sà vào hàng ngói đầu tiên. Cầm miếng ngói trên tay, vừa đi vừa bỏm bẻm nhai, xong mới đi đâu thì đi”.
Cụ kể, nhà cụ mấy đời được nuôi sống cũng nhờ món ngói. Mẹ cụ, cụ rồi đến con dâu cụ cũng làm nghề buôn ngói. Trước, mỗi ngày cụ cũng bán được 300 nghìn (so theo giá trị hiện nay), nhờ đó cả gia đình đủ ăn đủ tiêu.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, người ăn ngói ít dần, nghề buôn ngói vì thế mà cũng mất dần đi. Con dâu cụ cũng phải đổi nghề bán hoa quả đầu làng. Cụ nói thêm: "Chẳng còn mấy người ăn ngói nữa, chắc chúng tôi chết đi rồi thì cái tục này cũng mất đi luôn”.
Tục ăn đất đã được coi là một nét văn hóa độc đáo, được xem như một di sản văn hóa đang dần mất đi. Chả mấy năm nữa người ta sẽ không còn bắt gặp hình ảnh: Hai ông bà cụ, bẻ chia nhau một miếng đất cuối cùng.
Trang Lê