Không máu mủ ruột rà, không họ hàng thân thích nhưng trên mỗi chặng đường gặp đứa trẻ nào bị bỏ rơi, "mẹ" lại mang về nuôi dưỡng. "Người mẹ" đặc biệt đó chính là ông Hồ Mơ, 76 tuổi, dân tộc Pa Cô. Tấm lòng giàu lòng nghĩa cử của ông khiến những ai từng đến Prin đều không khỏi xao lòng: "Có một ngôi nhà hạnh phúc giữa đại ngàn Trường Sơn".
Thấy bố về, cả ba đứa con nuôi chạy ào vào lòng người cha
Tình cha không biên giới
Ông Hồ Mơ cho biết gốc gác của mình không phải ở Việt Nam mà tận xứ Triệu Voi. "Quê tôi đối diện phía bên kia cánh rừng, bản Tả Hủn trên đất Lào. Cái thời chống Pháp bản làng bị đốt sạch. Người trong bản đi khắp nơi lánh nạn. Nghe nhiều người nói rằng bộ đội Việt Nam đánh giặc giỏi nên tôi vượt rừng sang đây xin được cầm súng chống giặc, thỏa lòng căm thù".
Trong một chuyến thăm quê cũ trở về, hai tay Hồ Mơ bế hai đứa bé còn đỏ hỏn. Dân bản thấy vậy ngạc nhiên hỏi, ông đáp: "Con tôi đó", rồi ông lặng lẽ nuôi nấng đứa trẻ khôn lớn.
Lần trở về thăm bản cũ sau đó ông tiếp tục "lập thành tích" khi mang về một đứa trẻ nữa chưa tròn năm tuổi. Hồ Mơ cho hay đó là thời điểm năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào hồi quyết liệt nhất. Ông một mình xách súng băng rừng tìm về bản xưa, trên đường ngang qua bản Tả Muôi (một bản người Pacô trên đất Lào - PV) thì bản này vừa bị bom Mĩ tàn phá xong.
Chôn cất cho người chết xong, ông định bước đi bỗng nghe có tiếng khóc yếu ớt trong đống tre cháy dở. Bước lại gần, ông thấy đứa bé người nhuốm bụi đen sì, miệng mút ngón tay đang nằm khóc bên bụng mẹ đã trúng đạn.
"Tui nghĩ đây có lẽ là cái duyên Giàng (Trời) ban cho mình nên đem nó về ở cùng", ông Mơ nhớ lại. Đứa trẻ xa mẹ khóc suốt ngày nên ông phải bế con chạy đi khắp bản xin sữa, nhiều hôm xin không có sữa, gạo hết, ông lại mài củ sắn rồi nấu nhuyễn thay cháo. Đứa bé ông Mơ nhặt về ngày nào giờ đã lớn khôn, trưởng thành một chàng trai khôn ngô.
Hơn 30 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Hồ Mơ nay đã ngoài tuổi 70 nhưng nỗi nhớ quê cũ lại thôi thúc ông trở lại bản xưa. Và dường như cái duyên làm cha của những đứa con cũng kéo dài theo số tuổi ông gánh trên đầu.
Gần 10 năm trước, bản Tả Hùn (thuộc Lào) vừa trải qua một trận dịch bệnh khủng khiếp đúng dịp Hồ Mơ ghé chân tại đây. Dân bản phần chết bệnh, phần bỏ đi gần hết. Trong căn lều cuối bản, hai đứa trẻ mình mẩy lở loét, đói khát đang rên rỉ khản hết giọng. Không nỡ lòng nào nên ông bồng bế hai đứa về Prin chữa bệnh, ông đặt tên cho 2 chị em là Hồ Thị Tun (12 tuổi) và Hồ Văn Tiếm (8 tuổi).
Cách đây hơn mười năm, chính Hồ Mơ cũng đã cứu sống một sinh mạng ở bản Póc (xã A Xing, huyện Hướng Hóa). Nhiều người dân cho biết ngày đó ở bản này có hai vợ chồng bị chết bệnh. Theo tục cũ của người Pacô, đứa trẻ sơ sinh phải được chôn cùng cha mẹ.
Nghe tin, Hồ Mơ tất tả chạy đến xin luôn đứa bé về làm con: "Tính cả "tình cờ" và "không tình cờ", đến nay Pả Mơ (Pả: tiếng gọi cha của người Pacô) đã làm cha nuôi được hơn mười lần. Giàng (Trời) cho bố nhiều con thay vì nhiều của đó".
30 năm nuôi "con thiên hạ"
"A Pa (tiếng người Pacô gọi bố thân mật)! con nhớ mẹ!", bé Hồ Thị Phong (6 tuổi) đứa con gái bố Mơ "nhặt được" cách đây hơn một năm thì thầm khi thấy bóng dáng bố Mơ mở cửa. Hồ Mơ cho biết ông "nhặt" được bé Phong ở bản Patầng đang ốm nằm trên sàn. Nghe tiếng con khóc, bố Mơ thả ngay chiếc gùi xuống từ ngoài sân, chạy ngay vào dỗ dành con: "Có bố đây mà! Bố thương con mà! Bố mua kẹo cho con này". Vừa nói, Hồ Mơ âu yếm đỡ đứa con gái bé bổng vào giữa vòng tay âu yếm.
Ông Mơ chia sẻ : "Ngày trước tôi sắp có con thì mẹ nó bệnh nặng đã đi theo tổ tiên. Từ đó tôi không muốn lấy vợ nữa mà chỉ khao khát được làm bố thật tốt. Tôi nghĩ con nào cũng là con cả, miễn sao mình nuôi chúng thành người là tốt rồi".
Một mình nuôi 10 đứa "con thiên hạ" hơn 30 năm nay, nhưng chưa một ngày người cha Pa Cô cất lời than thở, trái lại ông luôn coi đó là niềm hạnh phúc của trời ban. Những đứa trẻ do Hồ Mơ "lượm lặt" ngày nào giờ đã khôn lớn và "sinh con đẻ cái hơn nữa". Trong ngôi nhà sàn cheo leo trên đỉnh trường sơn bây giờ, chỉ còn lại bố 76 tuổi cùng 3 đứa con nhỏ ( đứa lớn nhất 12 tuổi) mà bất kì người lạ đến nhà đều nghĩ rằng đó là ba ông cháu thì đúng hơn.
Mỗi lần con lập gia đình, Hồ Mơ chỉ căn dặn một câu duy nhất: "Bố nuôi mày lớn rồi, bây giờ mày phải tự làm ăn mà nuôi gia đình, không được để con cái đói khổ. Cứ lo sống cho tốt cái bụng, không cần về thăm, bố cũng mát ruột rồi", dứt câu Hồ Mơ lại dụi tay lau nước mắt chớp từ trong mi. Đó là giọt nước mắt một người cha tuy không sinh thành nhưng đã dưỡng dục bao người con nên người.
Trở về thăm cha sau 3 năm theo chồng (tục lệ của người Pacô không cho phép cha mẹ đi thăm con gái khi chưa quá một năm), chị Hồ Thị Cơi, con gái do bố Mơ nuôi dưỡng không cầm được nước mắt. "Chồng mình ở tận bên Pa Tầng kia, dành dụm mãi mới đủ tiền về thăm bố, mình thương bố Mơ nhiều lắm", Hồ Thị Cơi ôm chầm lấy bố nuôi khóc thủ thỉ như đứa trẻ lên ba.
Kể về các con, Hồ Mơ đau đáu một niềm tin: "Bố có khổ nữa cũng cho thằng Tiếm, con Phong đi học. Con bé Tun năm nay học lớp 3 rồi đó. Phải biết cái chữ đời chúng nó mới sướng, suốt ngày leo lên đồi thông rồi cũng khổ như bố nó mà thôi".
Khi được hỏi "Giờ gặp cháu nhỏ mồ côi bố Mơ có nhận về nuôi nữa không?", ông Pa Cô đáp: "Có chứ, già nuôi cho đến khi nào không tìm được miếng ăn cho các con thì thôi. Mong sao mấy đứa nó sớm trưởng thành, thương yêu nhau".
Mai Long