Người lính trinh sát năm ấy…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn, được bài trí ngăn nắp và gọn gàng theo phong cách của một sỹ quan quân đội, ông Cả vẫn nhớ như in những trận đánh, những kỷ niệm và những giây phút thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của mình. Đó là lúc ông cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Đài Phát thanh vào trưa ngày 30-4-1975.
Năm 1968, chàng trai Trần Viết Cả mới tròn 17 tuổi, đã xung phong tham gia quân đội. Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, Trần Viết Cả được gia nhập Đại đội trinh sát, Sư đoàn 304 và tham gia vào mặt trận B5. Ông bảo: Là lính chiến nhưng chỉ tập luyện ba tháng, lúc đó, chiến trường cần lực lượng bổ sung, thế là vừa đi vừa đánh. Cũng bởi là lính trinh sát, nên ông thường xuyên được nhận nhiệm vụ đi tiên phong trong quân ngũ. Những lần ông cùng đồng đội đi trinh sát, nắm bắt tình hình của địch, ông đã suýt trúng đạn của kẻ thù. Đồng đội ông, có nhiều người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường.
Ông Trần Viết Cả đang kể lại chuyện thời khắc lịch sử (30-4-1975)
Những năm chiến đấu diệt quân thù, bàn chân của người lính trinh sát này đã đặt đến các vùng chiến trường ác liệt như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… Ông nhớ lại: Sau khi giải phóng Đại Lộc rồi tiến xuống Hòa Vang, Đà Nẵng… ông cùng đơn vị tiếp tục tiến công vào giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang rồi đến Xuân Lộc là cửa ngõ Sài Gòn. Lúc đến đây quả là ác liệt vì quân Giải phóng phải giằng co với địch từng ly, từng tí.
Trong trận đánh ở căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), ông suýt mất mạng vì đạn pháo 155 li của địch. Ông kể: “ Lúc anh em chúng tôi tiến công vào căn cứ Nước Trong, địch phát hiện và chúng điên cuồng nã đạn pháo 155 li tứ phía. Nhiều đồng đội của tôi hy sinh. Còn tôi, chỉ bị thương nhẹ khi một quả đạn rơi cách tôi chừng hơn hai mét, nhưng nó lại rơi trúng vào một ụ đất to, nếu không chắc tôi cũng không sống được”. Tại trận đánh ấy, khi biết được người chỉ huy trận đánh căn cứ Nước Trong là Đại tá Lê Công Phê- cùng quê Thanh Hóa với mình, thì ông như được tăng thêm sức và tinh thần chiến đấu.
Sau trận đánh căn cứ Nước Trong, đơn vị ông được lệnh tiến vào đánh cầu Rạch Chiếc (cửa ngõ Sài Gòn). Khi đánh chiếm được cầu Rạch Chiếc, ông tiếp tục nhận lệnh sát nhập đơn vị của mình với Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, tiến công vào Sài Gòn để chiếm đánh Đài phát thanh.
…và giờ phút không quên
Sáng 30-4-1975, Đại đội trinh sát do Trần Viết Cả dẫn đầu bắt đầu tiến vào Sài Gòn, nhắm hướng Đài Phát thanh tấn công. Tuy nhiên, dù là lính trinh sát và đã trải qua nhiều trận đánh, nhiều địa hình ở các chiến trường, nhưng khi tiến công vào Sài Gòn, Trần Viết Cả cũng như đồng đội của ông không khỏi bỡ ngỡ vì đường đi, lối lại của thành phố Sài Gòn rộng lớn và tấp nập. Bằng chất giọng mộc mạc của người lính, ông nói: “ Lúc đó, tôi và anh em trong đơn vị có biết đường ngang, ngõ tắt của Sài Gòn chi mô, rứa nên chúng tôi vừa tiến công vừa phải hỏi thăm đường đến Đài Phát thanh. Rất may, khi ấy hỏi người dân nào, bà con ta cũng chỉ cho chúng tôi lối tiến vào Đài Phát thanh gần và nhanh nhất. Có lẽ, vì lúc đó mọi người đều thấy thế tiến công của Quân Giải phóng như chẻ tre”.
Trinh sát Trần Viết Cả (người đội mũ giải phóng) chứng kiến Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh do ông Cả cung cấp)
Khoảng hơn 9 giờ ngày 30-4-1975, đơn vị trinh sát do Trần Viết Cả dẫn đầu đã áp sát Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông kể lại những giờ phút ấy: “ Khi chúng tôi tiến vào Đài Phát thanh, lúc ấy lính Ngụy chạy tán loạn, vì chúng không còn sức để kháng cự. Đơn vị chúng tôi nhanh chóng chiếm giữ Đài Phát thanh, đồng thời phân công anh em trong đơn vị chia nhau cắm chốt, bảo vệ toàn bộ hiện trạng cơ quan này.
Khoảng hơn 10 giờ, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ, và các chiến sĩ quân Giải phóng chở Dương Văn Minh cùng bộ quan chức Ngụy quyền đến Đài Phát thanh bằng một chiếc xe jeep, do chiến sĩ Đào Ngọc Vân lái xe. Dương Văn Minh và bộ quan chức Ngụy quyền nhanh chóng được dẫn vào phòng thu âm của Đài Phát thanh để đọc bản tuyên bố đầu hàng. Thế nhưng, lúc ấy, thiết bị của Đài bị hỏng, không phát được.
Thủ trưởng Thệ hỏi những người có mặt ở đấy xem có ai biết nhân viên kỹ thuật Đài ở đâu không. Một nhà báo lên tiếng rằng ông ta có biết nhà của người nhân viên. Ngay lập tức, tôi được Thủ trưởng Thệ cử đi cùng nhà báo ấy đến gia đình người nhân viên trực Đài. Khi chúng tôi đến nhà nhân viên ấy, tôi nói: “Tôi thay mặt cho quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, mời ông đến Đài Phát thanh để sửa chữa hệ thống kỹ thuật phát thanh”. Thế nhưng, người thân trong gia đình ông ta ngăn không cho cho đi. Tôi phải hứa với người nhân viên và gia đình họ sẽ bảo toàn tính mạng cho ông ta và đưa ông ấy về nhà sau khi đã sửa xong hệ thống phát thanh.
Sau khi hệ thống Đài Phát thanh được sửa xong, đúng 11giờ 30 phút, ông Dương Văn Minh bắt đầu đọc bản tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam. Thú thật, từ lúc chúng tôi chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn, đến lúc đi tìm nhân viên kỹ thuật Đài và chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng…khoảng thời gian ấy là những giờ phút tôi không thể nào quên cho đến tận ngày nay”.
Đã 36 năm - đất nước đón ca khúc khải hoàn. Giờ đây, người cựu chiến sỹ trinh sát từng chiếm giữ Đài Phát thanh Sài Gòn trong những giây phút cả thế giới biết ấy, vẫn luôn bồi hồi và rạo rực mỗi khi ngày 30-4 hằng năm đến.
Thái Dương