Gặp người hùng không tay một thời và nỗi buồn thực tại

Gặp người hùng không tay một thời và nỗi buồn thực tại

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Hoa Xuân Tứ là cái tên một thời đã làm không ít thế hệ thanh niên Việt Nam phải khâm phục về nghị lực phi thường của “siêu nhân” không tay.

Là người được vinh dự nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, đồng thời được đặc cách trở thành đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1967, ông đã trở thành tấm gương sáng đối với thiếu nhi cùng thời. Thế nhưng 45 năm trôi qua, biểu tượng một thời lại phải sống trong cảnh túng quẫn, khó khăn mỗi ngày.

Vượt lên sự mất mát

Hoa Xuân Tứ (SN 1950) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hưng Nhân, Hưng Nguyên (Nghệ An), nơi trước đây là một bãi mía bát ngát ven sông Lam. Người dân nghèo ở đây chỉ biết làm nghề kéo che lấy mật để sinh sống. Hoa Xuân Tứ lúc đó mới 6 tuổi trong một lần nghịch dại đã bị máy kéo cả hai cánh tay vào. Tứ đã nằm ngất lịm tại trận và sau đó cậu bé được đưa vào bệnh viện, nhưng Tứ đã không thể giữ lại được hai cánh tay.

Pháp luật - Gặp người hùng không tay một thời và nỗi buồn thực tại

Mặc dù cuộc sống luôn trong tình trạng nghèo túng nhưng ông bà vẫn luôn nở nụ cười

Sau hơn bốn tháng nằm bệnh viện tưởng chừng như không qua khỏi Tứ xuất viện về nhà khi trên người thiếu hai cánh tay. Bọn trẻ trong làng gọi cậu là Tứ cụt. “Lúc đó tôi tủi thân vô cùng, hàng ngày chỉ biết chui lủi trong góc buồng không dám ra ngoài vì hễ ra khỏi nhà là tôi bị bọn trẻ con chạy theo để trêu chọc”, ông nhớ lại. Nhưng bằng nghị lực, lòng kiên trì khổ luyện, Tứ đã vượt qua tất cả. Lớp học vỡ lòng đầu xóm mở cửa. Ước mơ được đến trường, đi học chữ cứ lớn dần trong cậu bé không có tay này.

Gia đình đã xin cho Tứ được vào lớp nhưng các thầy cô giáo đã không đồng ý. Lúc đầu, bạn bè hàng xóm và cả thầy cô đều cho rằng, người như nó thì học hành được gì mà đi học. Việc học không những khó khăn với riêng cậu mà còn gây thêm phiền hà cho bạn bè và thầy giáo. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục cậu cũng được ngồi vào lớp trên chiếc chiếu ở cuối lớp. Tứ đến lớp rất đều, nghe thầy giáo giảng bài, rồi lấy chân cặp bút nắn nót những con chữ đầu tiên. “Tôi cố kẹp cho viên phấn không bị nghiêng và bắt đầu viết những con chữ đầu tiên. Nhiều lúc chân viết mà mặt nhăn, đầu cũng nghiêng theo”, Tứ nhớ lại. Sau những năm khổ luyện, Tứ trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt lên chính mình để học tốt, học giỏi. Cậu là điển hình để cho bạn bè, thầy cô giáo, gia đình tự hào khen ngợi.

Không những vậy Tứ còn giỏi việc nhà. Mọi công việc trong nhà như nấu cơm, giặt đồ Tứ đều làm được, nhiều việc cậu làm ngon lành làm người khác phải ngạc nhiên. Thậm chí Tứ còn tự tập bơi và lặn một mạch qua sông làm cả nhà một phen hú vía vì tưởng thằng bé chết đuối dưới sông. Không những vậy Tứ còn sáng tạo ra những cách độc đáo như huấn luyện trâu quỳ xuống để leo lên mỗi lần đi chăn trâu. Do vậy bọn trẻ con trong làng không dám khinh thường thằng Tứ cụt nữa.

Tưởng chừng như mình phải ở một mình suốt đời thì nhân duyên đã đến với Tứ. Trong một lần đi thăm người chị ở Nghi Văn, Nghi Lộc, Tứ đã để ý tới cô gái có cái tên rất mộc mạc là Lê Thị Sự ở làng bên. Câu chuyện tình của họ làm nhiều người xúc động. Lúc đầu có nhiều người ngăn cấm không cho đi lại vì thấy hai đứa đều tật nguyền lấy nhau thêm khổ. Một người thì bị cụt hai tay tới nách, người kia thì bị thương binh 56% vì hậu quả của chiến tranh khi chị đi làm dân quân. Thế nhưng không lâu sau đó vào năm 1970 một đám cưới đặc biệt đã được diễn ra. Cô dâu được ưu tiên ngồi xe đạp đi về trước, còn chú rể cơn nắm, cơm đùm đi bộ theo sau. Phải trải qua quãng đường 30km nên mãi đến 4h chiều anh Tứ mới về đến nhà. Làng Hưng Nhân hôm đó được chứng kiến một đám cưới có một không hai từ trước đến nay.

Nhắc đến bà ông Tứ chỉ nhìn cười và nói: Duyên số cả thôi. Lúc đầu hai bên gia đình đều cấm tiệt vì lúc đó ông đang có ý định đi học đại học, còn bà thì phải đang nằm viện vì hàng chục viên đạn bi đang nằm trong người do bị thương trong một lần đào hầm chôn xăng dầu ở Nghi Kiều (Nghi Lộc). “Tôi quyết định lấy ông cũng chỉ vì sự ngưỡng mộ ông thôi, vì lúc đó ông được nhận danh hiệu là Cháu ngoan Bác Hồ, biết bao nhiêu cô thầm thương trộm nhớ mà ông lại chọn mình nên cũng thấy vinh dự. Và tôi cũng cứ nghĩ ông có tiếng tăm như vậy sau này sẽ có công việc cho tôi được nhờ, thế nhưng cô thấy đấy chẳng được gì cả” bà Sự vừa nói vừa đùa. Một lát sau bà liền phân bua: “Nhưng cuộc đời như tôi thế là quá hạnh phúc lắm rồi, cứ tưởng mình không có con nhưng tôi còn sướng hơn biết bao người khi có đến 5 người con, 4 người dâu rể và 7 đứa cháu. Như vậy là tôi mãn nguyện rồi”. Nói xong hai ông bà nhìn nhau cười giòn tan.

Hạnh phúc chưa trọn vẹn

Bản thân ông là người ham học và có tài, ông đã từng thi đại học. Thế nhưng 5 người con của ông đều không được học hành tử tế vì nhà nghèo, chỉ có một cô con gái duy nhất được học hết lớp 12. Con cái tha phương khắp nơi kiếm đồng tiền mưu sinh nên ông bà chỉ biết ở nhà nhìn từng đứa đi tha phương.

Sinh được 5 người con, cô con gái thứ ba là Hoa Thị Sen (1978) đã bị bại liệt thần kinh do lúc 4 tuổi trong lúc chơi bị bạn ném đá trúng vào đầu. Hơn 30 năm trôi qua em vẫn nằm nguyên một chỗ, không nói năng được gì. Cuộc sống của cô con gái 34 tuổi chỉ gói gọn trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà. Nơi vệ sinh được đặt ngay trên giường bằng việc khoét một lổ thủng giường, phía dưới là chiếc xô nhỏ. Cô chỉ biết cười mỗi khi ai hỏi chuyện. Nhiều hôm ông bà đành nhắm mắt buộc tay chân con lại để khỏi bị giật xuống nhà mỗi khi người con đó lên cơn thần kinh, mọi sinh hoạt cá nhân cho đến việc ăn cơm đều phải nhờ vào ông Tứ bón cho. Nhìn cảnh tượng ông Tứ miệng cặp chiếc thìa cúi xuống để xúc cơm rồi đưa sang cho đứa con bất hạnh đang há hốc miệng làm ai cũng thấy đau xót cho một kiếp người đã tàn tật mà con của mình cũng bất hạnh. Bà sự nhìn con rồi nói trong nước mắt: “Số nhà tui khổ, bố nó bị què tay, tui thì bị thương cứ trở trời là đau ê ẩm không làm được gì, thêm vào đó đứa con gái bị tàn phế suốt đời, bao nhiêu tiền gia đình đều để dành mua thuốc cho nó. Khổ đến thế là cùng cô à”.

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà ông bà Tứ hiện nay còn phải nuôi thêm hai đứa cháu của đứa con trai vì đi làm ăn xa nên đành để con lại cho ông bà nuôi. “Bốn năm rồi bọn nó có về nhà đâu, mình trách bọn nó sao được vì cuộc sống của chúng cũng khó khăn mà. Thôi thì ông bà ăn cái gì, cháu ăn cái đó vậy”, ông Tứ nhìn hai đứa cháu nhỏ rồi nghẹn ngào nói.

Kim Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.