Trận chiến cầu Rạch Chiếc ghi dấu lịch sử
Người lính đặc công mà chúng tôi nói tới chính là Trung úy Nguyễn Đức Thọ (SN 1955, ngụ tại phường 4, quận 8, TP.HCM). Cả tuổi trẻ của mình, ông dâng hiến cho cách mạng, khi bước vào tuổi xế chiều, ông cùng vợ mưu sinh tại UBND phường 4, quận Tân Bình với công việc làm bảo vệ. Ông bảo: “Cả tuổi trẻ tham gia cách mạng. Nay thời bình, cũng phải làm việc để phụ giúp vợ. Tôi còn có lương phụ cấp nên đủ trang trải những khoản chi tiêu nơi thành thị”.
Đến nay, ông tần tảo làm việc nên rất ít người biết ông chính là chiến sĩ năm xưa từng bắn súng B40 đầu tiên để mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc của Lữ đoàn đặc công, biệt động 316 (đội biệt động với những điệp viên lừng danh Tư Cang, Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo,...). Phát pháo đó làm tiêu hao sinh lực địch, mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhắc tới những năm tháng hào hùng cách mạng đó, lòng của Trung úy Nguyễn Đức Thọ lại dấy lên một niềm nhiệt huyết, một khí thế sục sôi của một thời “máu và hoa”...
Ông Thọ kể: “Ngày đó, khi mới 17 tuổi, tôi đã xung phong tham gia cách mạng. Lúc này, cơ sở nhận thấy tôi là người vùng biển, tỏ tường đường sông nước nên đã huấn luyện làm trinh sát đặc công nước tại C1-Z23 Lữ đoàn đặc công - biệt động 316. Sau hơn một năm huấn luyện, tôi được đưa vào đóng căn cứ tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là bơi liên tục dưới nước 5 – 6 tiếng đồng hồ để vận chuyển hàng tấn đạn pháo, thuốc nổ... Khi ấy quân địch đã chặn mọi ngả đường, muốn đưa đại pháo ta vào trung tâm thành phố chỉ có lặn dưới sông”.
Hỏi về khả năng chịu ngâm mình dưới nước, người chiến sĩ đặc công năm xưa nhớ lại: “Thực sự, người chiến sĩ xung trận là không màng sống chết nói gì đến chịu khổ. Nhiều lúc, ngâm mình dưới nước bẩn khiến cơ thể nổi mẩn, ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Dù vậy, vẫn phải đảm bảo an toàn, không được phép có động tĩnh”.
Nói về trận chiến mở màn trên cầu Rạch Chiếc để quân đội ta tiến vào Sài Gòn, Trung úy Thọ nhớ lại: “Vào đầu năm 1975, tình hình chiến sự vô cùng cam go. Vì thế, tháng 3/1975, tại các khu vực miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh cũng đã đánh chiếm. Phía vùng Đông Nam Bộ cũng đã rục rịch. Lữ đoàn đặc công của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân địch. Tuy nhiên, sau những thắng lợi lớn của các cánh quân, ngày 25/4, Bộ Tư lệnh đổi hướng ra lệnh đánh cầu Rạch Chiếc để mở đường cho đại quân tiến vào trung tâm Sài Gòn”.
Lắng lại đôi chút, như hồi tưởng lại thời khắc hào hùng, giọng ông sôi nổi: “Lúc này, tôi nhận phân công bắn phát súng đầu tiên tiêu diệt tháp canh gác tại cầu Rạch Chiếc. Đúng hiệu lệnh, 3h15 sáng 28/4/1975, tôi nổ phát B40 đầu tiên đánh vào tòa tháp. Quân địch lúc này hoảng loạn, bị động nên nhả đạn liên hồi nhưng không nhắm trúng mục tiêu. Lợi dụng sự hoảng loạn đó, tôi tiếp tục bắn tiếp phát súng B40 thứ hai trúng ngay góc chân làm cả tòa tháp sụp đổ. Lúc này, đội quân của ta thừa thắng xông tới đánh chiếm và bắt sống được 7 tên địch. Tuy nhiên, ngay sau đó, địch dùng đại pháo từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái bắn trả. Đến 9h sáng 28/4, địch tiếp tục dùng trực thăng đổ quân kết hợp với bộ binh, xe tăng, tàu chiến phản công. Tuy nhiên, lúc này đại quân của ta đã vào thành, nhiều căn cứ địch đã bị đánh phá”.
Nỗi đau da cam của người lính quả cảm
Trong lúc cao trào với dòng hồi ức bỗng giọng ông Thọ nhỏ lại: “Trong trận chiến này, mặc dù chúng ta thành công nhưng đã hy sinh rất nhiều anh em. Đội quân của chúng tôi chỉ có 200 chiến sĩ nhưng quân địch lại có cả ngàn người. Sau đó, địch còn dùng trực thăng chở thêm quân đổ bộ xuống. Vì thế, đội quân của ta hy sinh hơn 50 chiến sĩ”. Nhớ lại khoảng thời gian này, ông nói tiếp: “Rất nhiều anh em chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh phá cầu Rạch Chiếc. Tuy nhiên, đến nay, xương máu của đồng đội tôi vẫn còn nằm sâu dưới lòng sông. Kể từ ngày giải phóng đến nay đã hơn 40 năm, nhưng chúng ta mới tìm được hài cốt 9 chiến sĩ. Trong đó, chỉ có 2 chiến sĩ nhận diện được là liệt sĩ Nguyễn Văn Thất và Lê Trọng Việt (nghĩa trang Thủ Đức), còn 7 chiến sĩ vẫn không thể xác định được danh tính”.
Sự mất mát trong cuộc chiến tranh không chỉ có hy sinh của các đồng chí, đồng đội mà nỗi đau còn kéo dài đeo bám người sống đến ngày hôm nay. Ngậm ngùi, đôi mắt của người chiến sĩ đặc công bỗng ướt đẫm. Ông tâm sự: “Sau hòa bình lập lại, tôi hoạt động ở biên giới một thời gian. Năm 1983, tôi bắt đầu trở về quê hương Thanh Hóa sinh sống. Tuy nhiên, nỗi đau của thời chiến vẫn không nguôi ngoai khi tôi biết bản thân mình bị nhiễm chất độc màu da cam”.
Ông kể: “Sau khi trở về quê, tôi cưới vợ rồi sinh con. Tuy nhiên, đứa con đầu lòng lại bị nhiễm chất độc da cam từ tôi. Đứa bé chỉ mới chào đời nhưng nó lại không có tay, chân lành lặn như những đứa trẻ khác. Nó cũng chỉ sống được có vài tháng rồi mất. Đó là cú sốc tinh thần khủng khiếp nhất đối với tôi, gia đình và người thân.
Ngày kháng chiến, khu vực miền Đông Nam Bộ, địch rải chất độc da cam đầm lầy, sông suối mà chúng tôi đi qua. Chúng tôi là chiến sĩ đặc công nước nên phải thường xuyên ngâm mình dưới nước. Vì thế, việc bị nhiễm là lẽ đương nhiên, nhưng tôi không nghĩ nó lại ảnh hưởng đến con cháu sau này như vậy.
Đến năm 1986, vợ chồng tôi tiếp tục sinh thêm bé gái, bé này cũng bị nhiễm chất độc da cam. Mặc dù không yểu mệnh, què quặt như bé trước nhưng tinh thần của bé không ổn định. Đến nay đã hơn 30 tuổi nhưng vợ chồng tôi vẫn phải thay áo quần, đút cơm cho con gái. Tuy nhiên, đây chưa phải là nỗi đau lớn nhất. Vào thời điểm chúng tôi sinh ra hai đứa con dị tật, không ai nghĩ nó bị nhiễm chất độc da cam. Bởi, lúc bấy giờ, thông tin đại chúng chưa phát triển như ngày nay, nhiều người còn chưa biết về nạn nhân chất độc da cam. Vì thế, vợ chồng tôi sinh con tàn tật ra ai cũng dè bỉu “nhà bị ma ám” hay có người độc địa còn bảo là “quả báo”. Điều này khiến vợ chồng tôi đau lòng và khổ tâm nhiều lắm”.
Nỗi đau đớn về tinh thần cứ đeo bám người cựu binh năm xưa, ông bùi ngùi nói: “Năm 1990, tôi quyết định đưa cả gia đình vào lập nghiệp, sinh sống tại TP.HCM. Sau khi vào đây, vợ chồng tôi có sinh thêm ba người con nữa. Rất may, tất cả đều khỏe mạnh, vui vẻ...”. Nói rồi, ông gạt nước mắt cười, chạy ra dắt xe cho một vị khách từ ủy ban phường 4 đi ra.
Cảm ơn anh, người chiến sĩ vô danh Cứ mỗi dịp 30/4, người chiến sĩ đặc công nước năm xưa - Nguyễn Đức Thọ lại chuẩn bị đèn hương ra cầu Rạch Chiếc. Ở đó, ông tưởng nhớ đến các đồng đội mình đã hy sinh với bài thơ. Ông nói: “Vợ chồng tôi nay đã có nhà cửa, trừ người con gái bị bệnh ra thì tất cả đều khỏe mạnh là tôi vui rồi. Giờ cuộc sống về già, tôi cũng chỉ quanh quẩn ở nhà và làm bảo vệ tại UBND phường 4 (quận 8). Hôm vừa rồi, ngày 15/4, tôi được mời đến dự lễ kỷ niệm 30/4 với anh em đồng đội. Giờ hòa bình gặp bạn bè ôn lại kỷ niệm xưa là niềm vui của những cựu binh chúng tôi”. |
Dương Hạnh