Học thuốc phải có tâm
Người dân tại Vĩnh Phúc nói rằng, những người không may bị hóc xương, phụ nữ sinh con bị tróc vú khiến con không bú được, anh Nguyễn Huy Hưng (tổ dân phố Hồng Bàng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ cần hỏi tên, địa chỉ, làm một vài thao tác sau đó lẩm nhẩm trong miệng một rồi cho bệnh nhân ra về. Về đến nhà là xương trong họng tự nhiên biến mất.
Anh Hưng cũng là người duy nhất học được mẹo chữa hóc xương từ ông nội mình chính là “thần y” Nguyễn Huy Giang.
Ban đầu, anh không muốn nhắc nhiều đến mẹo chữa bệnh này của gia đình, nếu là bệnh nhân thì anh mới nói chuyện và chữa luôn. Nhưng, sau khi thấy sự tò mò và muốn được “mục sở thị” phương pháp này thì anh mới bắt đầu cởi mở hơn.
Anh Hưng cho biết, anh cũng mới học được mẹo chữa bệnh này của ông nội cách đây 3 năm khi ông nội bệnh nặng.
“Thời gian đó, cũng có rất nhiều người trong gia đình muốn học, ông nội tôi không tiếc ai cả. Ai đến xin học cũng truyền và dạy cho họ nhưng họ có cố gắng đến đâu cũng không thể học được. Ông nội tôi bảo, muốn học được cái nghề này phải có tâm. Và lấy cái tâm đó để chữa bệnh.
Gần 10 người học thì chỉ duy nhất tôi là người học được mẹo này. Giờ tôi cũng quan niệm học được cái này là để chữa giúp người”, anh Hưng chia sẻ.
Khi hỏi về “nhân duyên” để gia đình anh có được cách chữa bệnh lạ này thì anh Hưng bảo: “Nhân duyên là từ ông nội tôi đấy. Ngày nhỏ tôi được nghe ông nội tôi kể lại rằng, khi ông tham gia chiến đấu chống Pháp, trong một chuyến hành quân, ông nội tôi được gặp một bà lão đã ngoài 70 tuổi, người dân tộc Dao. Nhìn thấy ông, bà cụ ngỏ ý ngay việc muốn truyền bài thuốc gia truyền chữa hóc xương.
Ban đầu ông nội tôi từ chối vì ông nghĩ đang lúc bom đạn ác liệt, sống nay chết mai chắc gì đã sống được để chữa bệnh. Nhưng bà cụ đó vẫn quyết tâm truyền lại và nói: "Con có cái duyên với phương thuốc bí truyền này và con cũng sẽ giúp đỡ được nhiều người”.
Từ khi nắm giữ bài thuốc này trong tay, ông nội tôi luôn làm phúc cứu người. Tôi cũng đã chứng kiến ông nội tôi cứu rất nhiều người”.
Mẹo chữa hóc xương có một không hai
“Có rất nhiều người gọi điện đến nhờ chữa đủ thứ bệnh như ung thư, vô sinh, gan, dạ dày…. Nhưng chúng tôi đều bảo họ đã tìm sai địa chỉ. Có hỏi thì họ nói, thấy bài truyền này chữa bệnh nhanh, hiệu quả nên cứ nghĩ bệnh gì cũng có thể chữa được. Không đúng bệnh thì làm sao mà chữa được.”, anh Hưng cười.
Khi chúng tôi hỏi về cách chữa bệnh có một không hai mà anh đang nắm giữ thì anh bảo: “Có gì đâu, cách làm thì vô cùng đơn giản. Quan trọng là mình chữa bệnh phải xuất phát từ cái tâm. Thời gian này tôi cũng bận công việc nên dành thời gian để chữa bệnh khá ít. Nhưng cứ ai tìm đến nhà, cần sự giúp đỡ là tôi sẵn sàng cứu họ”.
Anh Hưng kể tiếp về bài thuốc “niệm chú” đã được ông nội truyền lại “Khi bệnh nhân đến, tôi sẽ hỏi hóc xương gì, họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, sau đó sẽ đọc những câu “thần chú” rồi bảo người bệnh đi về. Nếu hóc nông thì thì khoảng 5-10 phút là xương biến mất, hóc sâu thì phải 15 phút. Ai cũng tò mò về bài thuốc này của gia đình tôi nhưng tôi nghĩ đây cũng chỉ là cái mẹo chữa bệnh và mình may mắn học được nó”.
Bà Nguyễn Thị Năng (55 tuổi) mẹ anh Hưng cho biết: “Từ khi về làm dâu tôi đã thấy bố chồng (cụ Giang) chữa hóc xương cho rất nhiều người. Năm 2011, trong làng có người ăn gà nấu đông hóc xương gà đúng hôm 30 Tết, cổ bạnh ra, sưng không nói được. Mùng 2 họ đưa nhau đến đây, nhưng người bệnh không nói được mà phải ra kí hiệu. Cụ nhà tôi hiểu ý và đã chữa khỏi được cho họ.
“Dù hóc xương, hay bất cứ vật gì hóc trong miệng đến đây tôi đều chữa khỏi, nhưng bản thân người chữa cũng phải đặt cái tâm lên đầu. Thời gian gần đây tôi cũng bận nhiều việc nên không tập chung chữa bệnh được cho nhiều người. Tôi chữa bệnh chủ yếu cho người nghèo trong làng, xã.
Có người tận Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ về đây chữa bệnh. Khi bị hóc xương, người bệnh sẽ rất khó chịu. Họ ở xa đến đây, mình phải thu xếp công việc để giúp đỡ họ. Tôi không nhận mình là thầy lang đâu. Chữa bệnh giúp mọi người là điều mà tôi nên làm”, anh Hưng tâm sự.
Quả thực, ngồi nói chuyện với vị thầy lang trẻ này chúng tôi cũng hiểu được rằng, anh không muốn nhắc đến quá nhiều những bệnh nhân mà anh và ông nội mình đã chữa khỏi. Anh chỉ nghĩ rằng, mình cũng sẽ cố gắng làm phúc giống như ông nội mình.
Mai Thu - Hoàng Bích