Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thịnh hiện là chi hội trưởng Chi hội nhạc sỹ Việt Nam tại Hà Tĩnh, trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VHTT&DL Hà Tĩnh). Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh và được người nghe biết đến qua những ca khúc dân ca tiêu biểu như: Mẹ, Lời quê, Câu đợi câu chờ, Ca dao sông quê, Hà Tĩnh quê mình, Sông thu, Lời cỏ ngày xuân, Đồng chiều, Hát mãi tên Người Hồ Chí Minh, Cung đàn Thuý Kiều, Một chiều Đền Bích Châu.
Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thịnh - "Cha đẻ" của những khúc dân ca nổi tiếng
Được biết đến là một nhạc sĩ của dòng nhạc dân ca, với dòng nhạc dân gian này, anh có sợ không được nhiều người biết đến?
Tôi nghĩ là âm nhạc nếu được phát triển trên nền móng dân ca truyền thống bao giờ cũng có chỗ đứng trong công chúng, bởi dân ca truyền thống là những giá trị đã trải qua thăng trầm sàng lọc của thời gian để còn lại, đó là hồn cốt của ông, bà, là bản sắc của quê hương, của dân tộc…
Quan điểm về nghệ thuật của anh là gì?
Nghệ thuật phải phản ánh chân thực cuộc sống, những gì giữa đời thường sẽ được nghệ thuật hóa kết tinh ở mức cao hơn rồi lại trở về với cuộc sống hiện tại làm cho ta dễ dàng cảm nhận được nó qua cái đẹp lung linh của nghệ thuật. Nghệ thuật không phải làm mọi vấn đề rắc rối thêm, khó hiểu thêm, mà phải làm sao để khi thoáng qua thì cái hay, cái đẹp của nó phải được ta cảm nhận ngay bằng giác quan, bằng sự linh cảm, sau đó mới dần dần tìm kiếm để khám phá thêm.
Đối tượng của nghệ thuật là con người vì thế nghệ thuật không được tách ra khỏi cuộc sống của con người, nghệ thuật phải gần gũi với cuộc sống và càng cô đọng, đơn giản càng có sức lay động tâm hồn.
Trong sự nghiệp sáng tác của anh, ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất?
Mẹ tôi! một Phụ nữ cam phận, vất vả suốt đời vì chồng, vì con. Mẹ thuộc nhiều câu ca dao, nhiều bài kinh Phật, mẹ thường hay đi lễ Chùa và tụng kinh, tôi còn lưu giữ những bài kinh kệ mẹ tôi đã đọc, bà có một chất giọng ngân nga cao vút, trong trẻo.
Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ hay trích dẫn những câu thơ trong truyện Kiều để nói về thân phận làm người giữa cuộc đời và tôi cũng thường khai thác những ý tứ mà mẹ đã răn dạy, bởi thế trong sự nghiệp sáng tác của tôi, mẹ là người có ảnh hưởng nhiều nhất. Về sau này còn có thêm vợ tôi, ca sỹ Thái Bảo.
Anh và người bạn đời – ca sỹ Thái Bảo đến với nhau trong hoàn cảnh nào?
Yêu âm nhạc, yêu ca hát. Chuyện đơn giản lắm… ngày ấy tôi đi lính, một dịp về phép thăm nhà, gặp mấy người bạn của em trai tôi đến chơi, tôi hỏi thăm quanh đây có ai hay hát hò gì không, mình đang được nghỉ mấy ngày đến giao lưu cho vui. Mọi người giới thiệu Thái Bảo và ngày hôm sau Bảo cùng mọi người đến, hôm đó Bảo đã hát bài “Giận thương” một ca khúc đậm đặc chất dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Từ một gã có vẻ hơi ngang ngang, luộm thuộm khó vẽ, thích giao du bạn bè và chơi ghita với những ca khúc sôi nổi, tôi bị giọng ca Thái Bảo mê hoặc bởi chất giọng dân ca ngọt ngào. Điều này cũng lý giải về sau này những ca khúc phát triển của tôi thường mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.
Hai người có vẻ rất hợp nhau trên con đường nghệ thuật?
Quả đúng như thế.
Những sáng tác của anh đã được nhiều ca sỹ nổi tiếng như: Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Thuật, Đinh Thành Lê thể hiện và được các đạo diễn những chương trình lớn sử dụng, anh có tự hào về điều đó.
Khi sáng tác được một tác phẩm tôi nghĩ chỉ cần được một người nào đó hát, dù rằng giọng hát không hay thì tôi cũng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, bởi đã được ít nhất có một người chia sẽ những cảm xúc, những tâm tư, tình cảm với mình. Còn đối với Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Thuật, Đinh Thành Lê… là những ca sỹ tài năng thuộc về đông đảo công chúng, vì thế niềm vui của tôi cũng được nhân lên rất nhiều.
Từng nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, nhiều Huy chương Vàng, Bạc… và gần đây nhất là giải Nhì Giải thưởng Âm nhạc 2012. Những giải thưởng này có là mục tiêu cho trong sự nghiệp sáng tác của anh?
Huy chương Vàng, Bạc... không phải là mục tiêu trong sáng tác của tôi, bởi khi bớt chợt có cảm xúc trong bất cứ thời điểm nào là phải viết ngay. Khi được nhiều người yêu thích tác phẩm của mình đó mới là giải thưởng lớn nhất.
Nhiều nghệ sỹ trẻ bây giờ thích gây “ồn ào”, bất chấp mọi thủ đoạn để mong được nổi tiếng, anh cảm giác thế nào?
…“ồn ào”, bất chấp mọi “thủ đoạn” để mong được “nổi tiếng” là lối sống gấp, là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, sản phẩm của xã hội thời nay, mà đó có thể cũng là những thân phận trong những thân phận đã sinh ra giữa cuộc đời này. Tôi chỉ có cảm giác mọi cái đang diễn ra mà thôi.
Dự định trong thời gian sắp tới của anh là gì?
Dự định thì cũng có, tuy nhiên nó chắng lớn lao gì, mà dự định cũng không liên quan đến sáng tác âm nhạc, còn trong sáng tác âm nhạc lại không liên quan tới dự định. Con người ta ai cũng phải luôn luôn đối diện với công việc, vì vậy lúc nào tôi cũng cố gắng tạo cho mình niềm vui để đời sống tinh thần bớt căng thẳng, tôi nghĩ không nhất thiết phải tranh thủ thời gian để làm việc bởi những dự định lớn lao, mà cũng cần tranh thủ dành cho mình những khoảng lặng.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng trần gian là quán trọ, ta chỉ là khách ghé thăm, một cách nghĩ theo quan điểm Đạo Phật, và như vậy nói chung cuộc sống cũng không cần quá vội vàng, cứ vừa phải, bình thường thế thôi.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Cùng Nguoiduatin.vn thưởng thức một số ca khúc của Ngọc Thịnh:
Như mây vô thường
Ca dao sông quê
Mai Nguyên