Gặp người sau 600 năm mang mối duyên nợ với vua Hồ

Gặp người sau 600 năm mang mối duyên nợ với vua Hồ

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Người ta bảo Hồ Quý Ly độc đoán, chuyên quyền, cướp ngôi nhưng ông lắc đầu: "Không, đó là người anh hùng dân tộc, nhà cải cách vĩ đại của lịch sử Việt Nam, đáng được vinh danh".

Nặng tình dân tộc

Ông là Đỗ Đình Truật, người được xem là chuyên gia mộ cổ hàng đầu của mảnh đất Nam Bộ hiện nay. Ông không phải là chuyên gia sử, nhưng ông hiểu được ngọn ngành lịch sử. Nguyên cớ nào đưa chân một người chuyên nghiên cứu những nấm mộ cổ đến với mối duyên nợ với nhà Hồ? Đó là sự mách bảo của lương tâm, một trái tim luôn nặng tình với dân tộc.

Năm nay ông đã ngoài 80, thời gian làm mái tóc xanh ngày nào đã ngả màu sương khói, đôi chân không biết bao lần từng bào mòn trên những miền đất từ đồng bằng đến miền núi của dải đất mềm mại hình chữ S, nay cũng không còn nhanh nhẹn như xưa. Nhưng thật lạ, trí tuệ ẩn sâu nơi vầng trán cao ấy vẫn minh mẫn hơn những gì người ta tưởng.

Đặc biệt, trong ông chữ tình với vương triều nhà Hồ, với Hồ Quý Ly thì vẫn nguyên sơ như thuở ban đầu. Tuy hai cuộc hành trình ra đất Bắc đi tìm mộ Hồ Quý Ly vẫn chưa có kết quả, ông vẫn chưa nguôi niềm tin và hi vọng ngày nào đó lại được lên đường, trở lại nơi ông đã đặt chân đến, để tiếp tục lần tìm những ngôi mộ người xưa.

Sài Gòn một chiều mưa, tôi tìm đến nhà ông, vẫn là chuyện về tung tích ngôi mộ của Hồ Quý Ly. Ông vui lắm, khi biết hậu thế vẫn còn không ít người đồng tâm huyết, vẫn nhớ đến vị vua và cuộc cải cách vĩ đại từ 6 thế kỷ trước, một triều đại được khen nhiều, mà chê cũng không ít. Nhấp ngụm trà nóng, ông cẩn trọng đưa ra cuốn album ảnh và những dòng nhật ký hoen ố, viết vội về chuyến điền dã sang Trung Quốc đi tìm mộ Hồ Quý Ly.

Tôi hỏi ông rằng, vì sao một người đã ở tuổi xế bóng, cũng chẳng phải họ Hồ, lại ở tít mãi phương Nam xa xôi, cách quê hương của Hồ Quý Ly đến cả ngàn km, lại cứ nhất quyết đi tìm, dẫu biết thời đại đó đã qua hơn 600 năm gió bụi?

Ông nở nụ cười phúc hậu, bảo: "Là con Lạc cháu Rồng, là trái tim Việt Nam mách bảo. Tôi yêu nhà Hồ, kính vua Hồ Quý Ly, một người xứng đáng là anh hùng dân tộc".

Xã hội - Gặp người sau 600 năm mang mối duyên nợ với vua Hồ

Nhà khảo cổ mang nhiều duyên nợ với họ Hồ

Trước ông Đỗ Đình Truật, chưa có ai gọi Hồ Quý Ly là anh hùng dân tộc, cũng ít ai xem cuộc cải cách của Hồ Quý Ly là vĩ đại. Và cũng ít người chịu nhìn nhận cuộc kháng chiến chống quân Minh gần 29 năm xương máu đến thời kỳ Lê Lợi mới kết thúc, là có sự đóng góp to lớn của nhà Hồ trong giai đoạn đầu. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ dành 3 trang giấy nói về nhà Hồ, lịch sử trong sách giáo khoa khi nói về nhà Hồ cũng lướt qua một cách vội vàng.

Và mỗi khi nhắc đến Hồ Quý Ly, người ta thường chỉ coi đó là vị vua lạm quyền độc, đoán ưa chém giết mà thôi. 9 năm tồn tại của một triều đại trong chiều dài lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt, đó chỉ là lát cắt rất mỏng. Nhưng trong lát cắt đó lại bao chứa một tầm nhìn thông tuệ, đi trước thời đại, mà mãi sau này những gì vua Hồ Quý Ly đưa ra ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Giả dụ, đồng tiền giấy Thông Bảo hội nhà Hồ đã từng phát hành từ 6 thế kỷ trước; rồi súng thần công, tiền thân cho những vũ khí trong quân đội sau này cũng do Hồ Nguyên Trừng phát minh và bao cải cách khác từ giáo dục, văn hóa... rất đáng ghi nhận khác. Chừng ấy cũng đủ thấy Hồ Quý Ly đáng được vinh danh hơn là chê bai. Ở đời cái gì cũng có 2 mặt tốt xấu, nhất là triều đại nhà Hồ, mới chân ướt chân ráo gánh vai trò lãnh đạo đất nước. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu manh nha và đang xây dựng, không thể không có sai sót.

Vì thế tiến sĩ sử học Nga G.M.Maxlov nhận xét về vị vua họ Hồ rằng: "Trước chúng ta, Hồ Quý Ly đã thể hiện như một nhà cải cách, một người yêu nước, một chiến sĩ chống chủ nghĩa bá quyền. Ông xứng đáng có vị trí đặc biệt trong lịch sử".

Đến duyên nợ người xưa

Hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai Đỗ Đình Truật vào bộ đội. Năm 1954, ông được điều động vào đơn vị hành quân lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ. Đi nửa đường thì hay tin chiến dịch thắng lợi, ông và đơn vị liền ghé vào thôn Tây Giai và Xuân Giai (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Một mình cuốc bộ tìm đến thành nhà Hồ, bùi ngùi trước thành đá rêu phong, ông hết sức xúc động trước cảnh thực, người xưa.

Từ đây, hai chữ "anh hùng" đã lần đầu tiên được ông công tâm trân trọng dành gọi vua Hồ Quý Ly, điều này liệu có đi ngược tinh thần chung của nghiên cứu sử bấy lâu? Nếu chúng ta đặt mình ở bối cảnh lịch sử thực tại, thì vỡ ra nhiều điều.

Hồ Quý Ly làm quan dưới triều Trần, do có nhiều đóng góp với triều đình, nên được vua kính nể, trọng dụng sau đó được phong làm đại thần. Thời điểm Hồ Quý Ly làm quan được xem là đoạn cuối của một triều đại trên đà suy tàn. Quan lại xâu xé, tranh giành quyền lực, vua Trần Nghệ Tông thì già cả, bất lực, gần như không còn đủ sức gánh vác non sông. Các vị vua cuối triều Trần đều là những người bất tài, nhu nhược, không khả năng điều hành công việc quốc gia.

Ở phương Bắc, giặc Minh nắm cơ hội chuẩn bị động binh xuống phương Nam hòng thôn tính nước ta. Tình thế đó khiến triều đình nhà Trần hết sức bối rối, đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Đại Việt sử ký toàn thư có chép sơ lược về bối cảnh lúc đó như thế này: ''Vua Dụ Tông (em vua Nghệ Tông) là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can, khinh thường quân giặc, nên tai vạ đến mình; vua Giản Tông là người nhu hèn, chẳng biết làm gì...; vua Thuận Tông (con út của Nghệ Tông) chỉ ngồi giữ ngôi không, chính sự do quyền thần làm cả…".

Vì thế, trong lúc triều đình đang trên đà suy, tất cả chuyện triều chính, quốc sự một mình Hồ Quý Ly gánh vác. Trước khi lâm chung, vua nắm tay Hồ Quý Ly mà dặn dò rằng: "Ta đã già cả rồi, con trai ta thì còn trẻ. Con ta làm (làm vua) được thì nhà ngươi ủng hộ, còn không làm được thì nhà ngươi làm lấy. Vì nhà ngươi cũng là dòng dõi quý tộc nhà Trần". Lịch sử rất công bằng vẫn còn ghi như thế, việc Hồ Quý Ly tiếp ngôi để gánh vác quốc gia như một điều hợp lẽ?

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cũng cho rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ròng rã gần 30 năm, đến thời của người anh hùng áo vải Lê Lợi mới toàn thắng (năm 1427) thì giai đoạn đầu phải nói đến công sức nhà Hồ. "Lâu nay chúng ta hình như đã quên điều này, thấy trước mà quên nhìn sau. Vì trong hàng chục năm kháng Minh đó, máu xương nhân dân thời nhà Hồ không biết bao người đã đổ. Nhà Hồ không chống quân Minh sao lại cải cách đất nước để "thay máu" cho một "cơ thể" triều đình đang độ suy nhược? Sao lại khẩn trương phát hành tiền giấy, đổi tiền đồng để đúc súng đạn? Rồi lại xây thành, đắp lũy kiên cố mục đích chống giặc, dấu tích để ngày nay chúng ta có một di sản mang tầm nhân loại ở Thanh Hóa?

Nếu nhà Hồ không kháng quân Minh, sao tất cả vua quan, gia quyến và hàng vạn người tài bị bắt sang phục dịch ở Trung Quốc, để rồi khi chết vẫn vô danh nơi viễn xứ?" - Dẫn ra những bằng chứng lịch sử trên, ông Đỗ Đình Truật cho rằng: "Chúng ta không nên cáo buộc Hồ Quý Ly là cướp ngôi. Nếu nói như thế thì sự kế thừa giữa các triều đại sau đối với triều đại trước tất cả há cũng đều cướp ngôi, chỉ khác tính chất là dùng bạo lực hay không mà thôi?". Chính vì cái nhìn thấu lý, chí tình ấy, tự thân ông đã có một tình cảm đặc biệt không chỉ với vua, mà cả một triều đại nhà Hồ. Và, theo ông, Hồ Quý Ly rất xứng đáng được vinh danh như những vị anh hùng dân tộc khác.

Nhưng, người anh hùng dân tộc đó, trong cơn chính biến của lịch sử đã không có ngày về. Mà có lẽ trong số đoàn khổ nhân năm ấy cũng chẳng ai được về, khi tất cả bị quân Minh bắt đến một nơi xa xôi của đại lục Trung Quốc và hoạn hết những ai là đàn ông, hòng triệt tiêu nòi giống rồi cho đi xây thành, phục dịch chốn rừng sâu núi thẳm. Để rồi người thì chết mất xác, kẻ sống đến cuối đời cũng chỉ mồ hoang mả lạnh, cô quạnh ở xứ người. Chỉ một số rất ít người tài giỏi được chúng cho lấy vợ, làm quan nhưng hoàn toàn bị khống chế. Mộ những anh hùng dân tộc ấy giờ đang ở đâu? Con cháu họ liệu có còn?

Chính điều đó mà 600 năm sau, một ông già tóc bạc đã kỳ công sưu tầm lịch sử, vạch kế hoạch, dành dụm chút ít tiền nhà và những đồng bạc ít ỏi của những người bạn hữu ủng hộ, đã lặn lội từ mãi phương Nam một mình sang Trung Quốc duy chỉ một ý nghĩ. Tìm lại dấu tích của những anh hùng từ 600 năm trước.

Kỳ Anh

(còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.