Thổi hồn vào đá
Chúng tôi gặp thầy Dương Đức Hòa, 38 tuổi, trường phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vào một ngày đầu tháng 7. Đây là thời điểm nghỉ hè, thầy Hòa tâm trạng phấn khởi bởi không vướng bận công việc giảng dạy, có trọn vẹn thời gian để mày mò, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hòa kể, vốn từ nhỏ đã có niềm đam mê hội họa. Để nuôi dưỡng ước mơ của mình, lớn lên thầy chọn đứng trên bục giảng truyền tải đến các em học sinh những những nét vẽ sống động. Công việc của người giáo viên dạy mỹ thuật cứ thế trôi qua trong êm đềm, bình lặng.
Theo thầy Hòa, cái duyên đưa thầy đến với niềm đam mê sáng tác nghệ thuật, bắt đầu khoảng 10 năm trước. Trong một lần về quê Hà Nội, thầy cùng đám bạn ra suối chơi thì thấy những viên đá cuội rất đẹp mắt.
Ban đầu, thầy nhặt một, hai viên bỏ vào túi quần mang về nhà. Những lúc rảnh thầy lấy bút vẽ lên bề mặt phiến đá hình thù những con vật quen thuộc.
Sau đó, những tác phẩm hoàn thành được bạn bè, người thân, học trò rất thích thú, khen ngợi. Đó là động lực rất lớn khích lệ tinh thần để thầy Hòa sáng tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có hồn được mọi người ưa chuộng.
Tác phẩm độc đáo
Thầy Hòa chia sẻ: “Thành công ban đầu, từ những viên đá cuội nhỏ hình móc khóa được khắc họa những con vật gần gũi cuộc sống có rất nhiều người đặt mua. Từ đó mình tiếp tục vẽ lên hòn đá có bề mặt lớn hơn.
Tuy nhiên, thời gian đầu khi tìm hiểu và bắt đầu vẽ tranh trên đá cuội kích thước lớn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguyên liệu, ở huyện Mang Yang không có nguồn đá cuội phải tìm mua ở những huyện lân cận.
Khi đặt hàng họ gửi về thì các viên đá cuội bề mặt sần sùi, vẽ khó nên nhanh hỏng bút. Sau khi mua được nguyên liệu như ý, tiếp đến mình cần qua nhiều khâu xử lý như làm sạch bề mặt, hong thật khô vì nếu phơi không kỹ dễ xảy ra nấm mốc, tróc sơn sau khi vẽ".
Theo thầy Hòa, từ hình dáng viên đá sơ khai, người vẽ phải dùng con mắt nghệ thuật để tạo hình tác phẩm, khó nhất là phải tận dụng được góc cạnh của viên đá giúp bức tranh "thật và sống động" như một tác phẩm 3D.
Tác phẩm sau khi hoàn thành được phủ một lớp sơn, chờ thêm 1 ngày để sơn khô, màu sắc có độ bền chắc vĩnh viễn, không bị tác động bởi thời tiết hay nhiệt độ môi trường bên ngoài.
“Vẽ tranh trên đá cuội không giống như vẽ trên chất liệu giấy, vải thông thường. Đá cuội thường có kích thước nhỏ nên không dễ dàng trong việc vẽ, cần sự tỉ mỉ rất cao. Hình thù những viên sỏi tự nhiên cũng rất khác nhau nên từ hình dáng ấy có thể sáng tác ra một bức tranh hoàn toàn khác. Hoặc mình cũng có thể vẽ những con vật 3D trên hình dáng có sẵn của viên đá cuội”, thầy Hòa chia sẻ.
Thầy Hoà phấn khởi cho hay: “Mỗi khi nghĩ đến việc có thể biến những thứ vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật mình lại vô cùng phấn khích. Những ngày này, mình có nhiều thời gian rảnh vì được nghỉ hè nên tập trung sáng tạo các tác phẩm độc đáo, mới lạ.
Tùy vào kích thước và độ khó của hình vẽ mà mỗi sản phẩm sẽ có giá giao động từ 800 - 1,4 triệu đồng. Nhiều Khách hàng mua và đặt tác phẩm của mình hầu hết từ Hà Nội, Tp.HCM. Từ đó giúp cho mình có thêm nguồn thu nhập ổn định để nuôi dưỡng đam mê, cũng như giúp đỡ gia đình".
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Minh, ngụ Tp.Plieuk, tỉnh Gia Lai cho biết; “Việc vẽ tranh trên đá cuội không lạ lẫm gì, bởi hiện nay có rất nhiều người, nghệ nhân thực hiện.
Thế nhưng khi nhìn những tác phẩm của thầy giáo Hòa khiến tôi có một sự thích thú khác lạ. Tôi rất thích tác phẩm chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thầy Hòa khắc họa trên phiến đá. Tác phẩm nhìn vào rất có hồn, có sự lôi cuốn, hấp dẫn. Do đó, tôi đã đặt mua vài tác phẩm đá cuội có khắc họa chân dung vị Chủ tịch Hồ Chí Minh về trưng bày ở nhà mình".