Hậu quả của trận tai biến mạch máu não khiến ông bị liệt một nửa người, việc nghiên cứu càng khó khăn vạn lần, nhưng không vì thế mà giảm đi niềm đam mê cống hiến trong ông. Theo ông, chỉ có tình yêu quê hương cháy bỏng mới làm động lực cho ông tiếp tục công cuộc tìm tòi, nghiên cứu về một miền đất còn nhiều huyền bí ở cực Tây Nam của Tổ quốc.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt vẫn âm thầm với công việc nghiên cứu của mình.
Ông giáo nặng tình quê
Sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hà Tiên (cũ), nay là thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, từ nhỏ Trương Minh Đạt đã có những tố chất thông minh, ưa tìm hiểu, thích khám phá. Đặc biệt, được sống trên vùng đất sông núi hữu tình, còn ẩn chứa bao khúc mắc lịch sử chưa được tỏ tường. Những câu hỏi cứ xoáy dần trong đầu của cậu bé sáng dạ Trương Minh Đạt. Để rồi một ngày khi có điều kiện, Trương Minh Đạt trở về dốc lòng giải mã những ẩn khuất lịch sử đó, bằng chính tình yêu quê hương chân chất của mình.
Thuở xưa, xứ Hà Tiên còn sơ khai và nhiều khó khăn, được xếp vào dạng tỉnh lẻ xa xôi, nên ai trở thành trí thức thì hiếm lắm. Muốn đi học, Trương Minh Đạt phải lên tận Sài Gòn, lúc đó hệ thống giáo dục do thực dân Pháp mở, chỉ có con quan lại, nhà giàu mới theo nổi, nếu nghèo thì phải học cực giỏi mới mong được đặt chân đến trường. Cha mẹ Trương Minh Đạt không thuộc người giàu, Đạt càng không phải con quan lại. Ngược lại cậu bé Đạt thừa thông minh để bước vào trường Petrus Ký (nay là Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Học ở đây ông được đào tạo khá bài bản các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Xong chương trình, ông tiếp tục hoàn thành bậc trung học, rồi vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn. Bấy giờ cả miền Nam chỉ có duy nhất một trường này, vậy nên đã có "vé" vào đây phải là người ưu tú. Học xong chương trình ông quyết định theo nghiệp dạy học, ông dạy các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa và Khoa học vạn vật. Đi nhiều nơi, dạy ở nhiều trường, nhưng trong lòng Trương Minh Đạt luôn đau đáu nhớ về quê hương bản quán.
Với những đồng lương ít ỏi, thầy giáo nghèo Trương Minh Đạt lại bớt chi tiêu để mua sách. Hễ thời gian rỗi ông lao vào đọc và suy ngẫm, đặc biệt ông tìm đến sách viết về Nam bộ, trong đó phần lớn là sách viết về mảnh đất Hà Tiên. Khi vốn kiến thức kha khá, những vấn đề về lịch sử Hà Tiên ông nêu ra rồi tự giải. Trương Minh Đạt thoạt nghĩ: "Tại sao một mảnh đất mang đặc thù Nam Bộ, một thời trù phú bậc nhất phương Nam, trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, còn nhiều uẩn khúc lịch sử mà đến nay vẫn chưa có một ai tâm huyết nghiên cứu?". Ông Trương Minh Đạt bắt đầu tự thấy mang nợ lịch sử quê hương từ đó.
Thành nhà Hà Tiên học
Vượt qua hàng trăm cây số từ TP.HCM chúng tôi về Hà Tiên, tìm gặp cho kỳ được nhà nghiên cứu lâu nay vẫn được gán cho cái danh rất dung dị "Nhà nghiên cứu chân đất". Trái với không gian náo nhiệt của một thị xã đang phát triển, ngôi nhà nhỏ, sơn trắng của Trương Minh Đạt khiêm tốn nép mình trong con hẻm thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, yên lặng và thanh tịnh. Thấy khách lạ từ xa tới ông quý lắm, nhất là người muốn tìm hiểu lịch sử Hà Tiên.
Tuổi cao, cơn tai biến não khiến ông "muốn nói theo ý mình cũng khó", nửa người ông bị liệt đã 11 năm nay. Lạ kỳ thay ông vẫn tinh thông lạ thường, phương pháp nghiên cứu và sức làm việc thì khiến bất cứ ai cũng phải kinh ngạc. Trong nhà ông không gì ấn tượng hơn là những kệ sách ngăn nắp, nhìn thoáng qua nó như một thư viện thu nhỏ ở thị xã Hà Tiên. Từ các sách viết về tự nhiên cho đến xã hội, ông sưu tập, trình bày một cách bài bản và hệ thống. Ngoài lịch sử, hiện nay ông còn nghiên cứu sang cả lĩnh vực triết học, văn hóa, chính trị, trong đó báo chí hiện đại thì ông gần như không bỏ một tờ nào.
Ông là người yêu sách, coi sách như máu thịt, thấy cuốn hay ông tìm mua cho bằng được, thiếu cuốn gì ông tìm cách bổ trợ ngay. Bàn tay vuốt nhẹ bìa cuốn sách đã vàng ố trên kệ, ông nói với giọng trìu mến: "Tất cả sách ở đây tôi mua ở trên TP. Hồ Chí Minh về đấy, chứ ở miền xa xôi này có muốn mua cũng chẳng có". Công việc nghiên cứu vốn đã khó, nhưng ở một tỉnh lẻ xa xôi, cách biệt như Hà Tiên thì khó khăn đủ đường.
Như ông nói: "Muốn mua một cuốn sách, phải chờ cả tháng, thậm chí cả năm, nhưng chưa hẳn đặt mua là có". Vì thế có được cuốn nào ông đều cẩn trọng gìn giữ. Nói đến sách ông lại "đứt ruột" xót xa một hoài niệm: "Trước giải phóng tôi từng có một pho sách lớn tương tự bây giờ. Trong đó có rất nhiều sách cổ, nhiều cuốn tôi phải nhịn ăn mới có được". Sau năm 1975, Hà Tiên được tái lập, phòng thông tin thị xã không có một cuốn sách, ông lại đem tất cả "tài sản" quý hơn vàng của mình ra hiến tặng.
Ở ông Đạt, tình yêu sách, niềm say mê nghiên cứu khoa học và tình cảm quê hương có sự thống nhất làm một, trong đó tình cảm quê hương là nền tảng thôi thúc. Ông tâm sự: "Người ta bảo tôi là chuyên gia Hà Tiên, Nhà nghiên cứu Hà Tiên, Nhà Hà Tiên học... Nhưng riêng tôi, tôi chỉ nhận là một người con yêu quê hương. Được sinh ra, lớn lên và sống trên quê hương tươi đẹp, tôi tự thấy trách nhiệm với truyền thống, lịch sử quê nhà. Vậy nên tôi đến với khoa học bằng tình yêu, niềm đam mê, chứ không vì vụ lợi và danh vọng". Là một Nhà nghiên cứu đích thực, nhưng ông không hề có học hàm học vị gì. Bởi ông quan niệm: "Chỉ có cống hiến cho quê hương là học vị cao nhất của tôi mà thôi".
Trả nợ "tiền nhân"
Trở về quê sau những năm dạy học, những tác phẩm nghiên cứu đầu tiên được viết trên quê hương, đó là những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Điều may mắn nhất là ông được sinh ra ở mảnh đất có nền tảng tri thức từ thời họ Mạc (Hội Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích chủ trương năm 1736). Đây là giai đoạn thơ văn nở rộ, nền tảng tri thức luôn được tiếp nối. Lúc sinh thời hai cố tác giả lớn là vợ chồng nhà thơ, nhà văn, nhà báo Đông Hồ (1906 - 1969) và Mộng Tuyết (1914 - 2007) họ đã giúp và khơi cho ông rất nhiều điều.
Ông nhớ lại: "Nhà thơ Đông Hồ như người dẫn đường đưa lối, khêu gợi sự tò mò để tôi tìm hiểu về quê hương. Chính vì những câu hỏi đầu tiên của anh Đông Hồ. “Có không một nền nhà của Tao Đàn Chiêu Anh Các (Hội thơ văn thời Mạc Thiên Tích)? Nếu có thì nó ở đâu? gồm những ai?” Vậy là ông bắt tay vào thu thập cứ liệu, gặp nhân chứng hậu thế, khảo cứu... Từ những phân tích, đối sánh lịch sử, cuối cùng ông khẳng định tìm ra nền nhà của Hội thơ văn Tao Đàn Chiêu Anh Các. Vì vậy mới có chuyện vào năm 2006, ông thẳng thừng phản biện lại những quan điểm chưa đúng của tác giả Nguyễn Quảng Tuân trên Tạp chí Kiến thức ngày nay và bảo vệ thành công luận điểm đúng đắn của mình. Đây cũng chính là thành công đầu tiên tạo bước ngoặt để ông cho ra đời những công trình nghiên cứu ngay trên của mình sau này.
Cho đến nay ở tuổi 76 nhưng tính ra ông đã dành hơn nửa cuộc đời cho công việc nghiên cứu về quê hương Hà Tiên. Ông như pho từ điển sống của Hà Tiên. Vậy mà mỗi khi nói về quê mình ông vẫn say sưa đến lạ. Đến nay không có chuyện gì về lịch sử - văn hóa Hà Tiên mà ông không biết, thậm chí ông còn rành rọt đến chi tiết những câu chuyện "thâm cung bí sử" của dòng họ Mạc. Còn lịch sử khai khẩn Hà Tiên từ khởi thủy cho đến hiện đại, những biến cố thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử thì ông nắm như đường chỉ tay.
Suốt hàng chục năm nghiên cứu mỗi khi tìm được tư liệu ông lại ghi chép, khảo cứu, đối sánh, rồi đặt vấn đề và tự phản biện. Khi nào con mắt khoa học của mình cảm thấy hài lòng mới thôi, ngày nào những nghi hoặc còn chưa sáng tỏ, ông còn trăn trở chưa yên. Với Trương Minh Đạt, nhà nghiên cứu "chân đất" ấy cảm thấy thanh thản và tự hào khi những đóng góp của mình vẫn luôn hữu ích cho hậu thế.
Sau bao năm nghiên cứu, vào năm 2008 cuốn Nghiên cứu Hà Tiên của tác giả ra đời, tập hợp 35 bài khảo cứu- đính chính-tư liệu về lịch sử Hà Tiên. Cuốn sách đã đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ ở góc nhìn của một nhà nghiên cứu, nhiều bí mật lịch sử, những nhầm lẫn về dòng họ Mạc từng được chúa Nguyễn phong Trấn thủ phía Tây Nam, được ông giải quyết thuyết phục và thấu đáo. Đánh giá về ông, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Hiện nay ngoài công việc nghiên cứu viết sách, ông Trương Minh Đạt còn được xem là "Nhà Hà Tiên học", là "Hướng dẫn lịch sử" cho những ai muốn tìm hiểu về đất Hà Tiên. |
Kỳ Anh