Gặp nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu về hầu đồng chân chính

Gặp nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu về hầu đồng chân chính

Thứ 5, 13/10/2016 16:28

Trong khi hầu đồng đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận làm di sản phi vật thể của nhân loại thì vẫn còn nhiều người cho đó là mê tín dị đoan. Vậy ranh giới nào để phân định hầu đồng chân chính?

Thời gian gần đây, nhiều người dân khi tham gia trình đồng, mở phủ và thực hiện nghi thức lên đồng thường bị quy vào hoạt động mê tín, dị đoan. Trong khi đó chúng ta lại đang xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vậy ranh giới nào để phân định, nhận biết giữa hầu đồng chân chính và những biến tướng của nó? Để làm rõ hơn thông tin tới bạn đọc, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS Trần Lâm Biền.

Cần phân biệt đồng tỉnh và đồng mê?

Thưa ông, mặc dù nghi thức hầu đồng đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng nhiều người vẫn coi nó là mê tín dị đoan. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong suốt một thời gian dài chúng ta đã coi hầu đồng là mê tín dị đoan mà không nghiên cứu kĩ đến tận cội nguồn của nó. Đến thời mở cửa, khi nghiên cứu lại một cách có hệ thống, chúng ta phát hiện ra mọi chuyện không giống như quan niệm trước đây. Hầu đồng vừa có tính chất tín ngưỡng vừa có tính giáo dục cao, vừa có mặt tích cực và có cả tiêu cực nữa. Việc chúng ta trình hồ sơ lên UNESCO xin xét duyệt là dựa trên nền tảng những mặt tích cực. Ấy nhưng trong quần chúng nhân dân vẫn còn nhiều người bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ.

Nếu đúng như vậy thì trong trường hợp một người dân tham gia hầu đồng, sự việc có nghiêm trọng không, thưa ông?

Vấn đề là chúng ta đứng ở phương diện nào để nhận xét. Nếu ở phương diện công dân, quyền tự do tín ngưỡng của người ta cần được tôn trọng (tất nhiên hoạt động tín ngưỡng đó phải nằm trong khuôn khổ luật pháp). Nếu ở phương diện là một cán bộ nhà nước, người ta thực hiện hoạt động nghi lễ trong ngày, giờ hành chính hay ngày nghỉ? Nếu họ thực hiện vào ngày, giờ hành chính thì chúng ta mới lên án. Nói chung chúng ta phải xét từng khía cạnh cụ thể chứ không thể gộp tất cả lại để đánh giá.

Văn hoá - Gặp nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu về hầu đồng chân chính

 Nghi thức hầu đồng được tái hiện trong vở Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú.

Hiện nay người ta đua nhau đi hầu đồng với những giá đồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Vậy phải chăng ai cũng hầu đồng được, thưa ông?

Chúng tôi phân biệt giữa đồng tỉnh và đồng mê. Đồng mê được hiểu là những người có căn phải hầu thánh nên khi lên đồng, họ hòa mình vào cõi linh và xảy ra hiện tượng vừa xuất thần (linh hồn cá thể của thân xác thoát ra ngoài) vừa nhập thần (trạng thái thần linh trong thân xác phàm). Đó mới là lên đồng chân chính.

Đồng tỉnh được hiểu là những người không có căn hầu thánh nhưng vẫn thực hiện nghi thức lên đồng. Thực chất của việc này là đi tìm vinh quang cho chính mình, lấy bản thân (chứ không phải thần linh) làm trung tâm để được mọi người khen ngợi, tụng ca. Thậm chí nhiều người cho rằng, lên đồng nhiều thì thần linh sẽ cho chức tước, bổng lộc (kiểu như lời truyền: “Thứ nhất hầu đồng, thứ nhì lấy chồng quan”). Nhưng việc này hoàn toàn không đúng vì với thần linh thì lộc hòa đồng phân (tức là lộc chia đều cho tất cả). Chính điều này mới sinh ra lớp người mà dân gian gọi là “đồng đua, đồng đú”. Đây không phải lên đồng chân chính.

Văn hoá - Gặp nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu về hầu đồng chân chính (Hình 2).

 Cảnh một giá đồng trong nghi thức hầu đồng

Cần trả hầu đồng về nguyên gốc

Như vậy nghi thức hầu đồng bị biến tướng từ bao giờ? Nguyên gốc của hầu đồng như thế nào, thưa ông?

Không gian gốc của hầu đồng là không gian nông thôn và chủ nhân gốc của nó liên quan tới tam nông gồm: nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tôi đã từng xem người nông dân lên đồng. Họ đâu có quần áo lộng lẫy, đắt tiền?  Đâu có những mâm lễ vật thừa mứa mọi thứ? Nhưng họ lên đồng thật, thuần khiết và đẹp đẽ.

Ấy nhưng khi hầu đồng rơi vào môi trường đô thị và tiếp cận với tầng lớp thị dân thì nó bị chuyển hóa. Tiêu biểu nhất là việc bổ sung thêm hàng loạt những vị thánh mẫu, đức ông … chủ về đường buôn bán, cầu tài lộc hay danh vọng. Cũng từ đó mà hầu đồng ngày càng xa rời vẻ đẹp nguyên thủy, bị biến tướng ngày càng nhiều. Tôi biết có nhiều giá đồng người ta bỏ ra hàng trăm triệu đồng với đủ loại quần áo, mũ mã. Rồi giá đồng sau to hơn giá đồng trước. Tâm lý “ghen vợ, ghen chồng không bằng ghen đồng, ghen bóng” là như vậy.

Văn hoá - Gặp nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu về hầu đồng chân chính (Hình 3).

 Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền

Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để hạn chế những tiêu cực của hầu đồng và giúp người dân nhận thức lại tín ngưỡng độc đáo này của dân tộc?

Chúng ta phải phân định rõ giữa cái tích cực và tiêu cực. Hầu đồng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu - xương sống của văn hóa dân gian Việt Nam –  vốn được giữ ở mức vừa phải để duy trì văn hóa dân tộc. Trở về với hầu đồng chân chính là cách để hạn chế những biến tướng, tiêu cực.

Bởi như tôi đã nói, hầu đồng có rất nhiều giá trị mà tôi có thể dẫn một vài điểm như sau. Thứ nhất khi hầu đồng, người ta quan niệm phải trở về với tâm hồn trẻ thơ (chữ đồng trong trường hợp này có nghĩa là đứa trẻ con) trong sáng thì mới tiếp cận được với thần linh. Vì thế nó có tính hướng thiện. Thứ hai khi lên đồng, con người cảm giác được thanh lọc tinh thần và thể xác nên nó là một hình thức yoga tinh thần. Thứ ba, các giá đồng là một hình thức diễn lại công trạng của những ông hoàng, bà chúa. Vì thế nó là bài học lịch sử dễ nhớ nhất. Thứ tư, con người thường xuyên phải chịu những bất công, áp lực nên khi lên đồng, người ta được sống trong một ảo giác quyền lực và họ sung sướng. Vì thế nó là hình thức cân bằng tâm lý.

Xin cảm ơn ông

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.