Gặp những người huyền thoại của tuyến đường 1C

Gặp những người huyền thoại của tuyến đường 1C

Nguyễn An Bình

Nguyễn An Bình

Thứ 2, 26/04/2021 20:01

Phần lớn thanh niên hoạt động kháng chiến trên tuyến đường máu lửa này là những cô gái tuổi 15 – 20. Họ đã bắt đầu và kết thúc thanh xuân của mình trên chiến trường.

Tuyến đường 1C là tuyến đường nối tiếp đường Trường Sơn, từ vùng Đông Nam Bộ đến hết mũi Cà Mau. Năm 1966, đội Thanh niên xung phong của các tỉnh miền Tây Nam Bộ làm công tác vận chuyển vũ khí cho lính miền Tây đánh giặc. Phần lớn thanh niên hoạt động kháng chiến trên tuyến đường máu lửa này năm ấy là những cô gái tuổi 15 – 20.

Mới đây, chương trình giao lưu tác giả và giới thiệu tác phẩm Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái diễn ra tại đại học Sư phạm TP.HCM.

Gặp lại nhau trong hòa bình

Những người con gái đã hy sinh tất cả, chiến đấu trên tuyến đường 1C với những ước mơ thật giản dị: nếu gặp được người mình yêu thương sẽ xây nên ngôi nhà, sẽ sinh những đứa con.

Đó cùng là mơ ước của biết bao phụ nữ đã hiến dâng tuổi xuân trên mọi chiến trường khác. Họ đã chiến đấu ngoan cường và cùng gặp nhau trong mơ ước thầm kín ấy.

Sau những trận chiến khốc liệt, hơn 400 người đã hy sinh, số còn lại trở về với nhiều thương tật, đói nghèo và phải đối mặt với cả sự quên lãng. Chị Lê Thị Út Mãnh là một trong số những người còn sống sót khi hòa bình lặp lại.

Ngày trước họ xót xa khi chứng kiến đồng đội hy sinh thì ngày nay họ lại càng xót xa hơn khi trông thấy những ngôi nhà tranh lụp xụp, rách nát của anh em, chị em mình.

Chị Út Mãnh trông thấy những anh chị em thanh niên xung phong mưu sinh khó khăn. Có người phải đi làm mướn, thậm chí không có nhà để ở. Từ chỗ ấy, chị quyết tâm tìm kiếm tung tích của những đồng đội còn sống. Và kêu gọi một số cơ quan giúp đỡ, hỗ trợ cho anh em.

Đồng thời chị cũng đi tìm lại hài cốt của những người đã hy sinh. Chị đã vô cùng sung sướng, không cầm nổi nước mắt khi gặp lại nhiều đồng đội của mình.

Nhân dịp kỉ niệm 46 năm ngày lễ 30/4 – giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trường đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp cùng cơ quan đại diện cục Truyền thông Công an nhân dân, hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm truyện ký Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái của nhà văn Trầm Hương.

Tại đây, những chiến sĩ trên tuyến đường 1C, cụ thể là của Đại đội Nguyễn Việt Khái một lần nữa được hội ngộ, cùng nhau ôn lại những kí ức khó quên của thời chiến. Đồng thời, tiếp thêm lửa nhiệt huyết, yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay.

Văn hoá - Gặp những người huyền thoại của tuyến đường 1C

Các thành viên Đại đội Nguyễn Việt Khái ôn lại kỉ niệm thời chiến.

Bao nhiêu năm trôi qua, những con người quả cảm năm xưa đã già đi nhiều nhưng những vết tích huyền thoại từng thúc đẩy người con gái đôi mươi vì tình yêu và bản lĩnh đã quyết tâm xung phong, làm nên những chiến công ghi dấu đất trời mãi không hề phai trong lòng bao thế hệ.

Trong hoàn cảnh chiến đấu gian nan, khốc liệt, họ đã cùng nhau tiến lên với biết bao kỉ niệm vui buồn.

Nhớ về một thời gian khổ

Chị Nguyễn Hồng Phận, người Cà Mau nhớ lại: “Trước đây tôi ở Đại đội Nguyễn Việt Khái 2. Tôi đi làm thanh niên xung phong khi chỉ mới 15 tuổi. Lúc ấy, tôi chưa hề biết đi chuyển hàng là chuyển hàng gì, chỉ biết nghe tiếng gọi thanh niên địa phương phát động thì đi thôi.

Khi làm công tác, có khi tôi một mình chống một xuồng hàng không hề nghĩ đến chuyện sợ chết, sợ đạn bom, chỉ biết làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chở hàng về miền Tây.

Chị em chúng tôi, ai cũng đều như vậy. Trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, có khi 31 ngày đêm không hề biết đến ngủ là gì. Đồ đạc của chị em mỗi người chỉ có hai, ba bộ không kịp khô để mặc.

Còn khi lên nhận hàng trên tuyến đường Trường Sơn, khu vực Đông Nam Bộ, cơm không có đủ để ăn rồi không quen gạo ở đó nhưng vẫn ăn.

Không biết sao hồi đó chị em thích giấy khen lắm. Nếu ai chuyển hàng về thành công sẽ được gọi là dũng sĩ kiện hàng và được tặng một bức hình của anh Nguyễn Văn Trỗi. Đó là điều sung sướng nhất của chị em thanh niên xung phong.”

Văn hoá - Gặp những người huyền thoại của tuyến đường 1C (Hình 2).

Anh chị em thanh niên xung phong họp mặt tại buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái.

Bước vào chiến trường, những chị em lúc ấy vẫn còn khá ngây thơ và hồn nhiên. “Còn nhớ, để tiện cho việc chiến đấu, theo phát động của đơn vị tất cả chị em chúng tôi phải hy sinh mái tóc dài của mình. Bởi nếu để tóc dài thì khi chạy nó bị vướng.

Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, mới 13, 14 tuổi. Khi chị cán bộ đến cắt tóc cho tôi, tôi đã khum xuống để cho tóc còn dài. Ai ngờ cắt xong thì tóc chỉ còn tới gáy”, chị Nguyễn Thanh Hồng bồi hồi kể lại.

Anh Cao Long Phiêu khi ấy là Tiểu Đội trưởng của một tiểu đội gồm 9 thành viên, trong đó toàn là các đồng chí nữ cũng chia sẻ về vai trò gánh vác của mình.

Anh hồi tưởng: “Tôi cảm thấy tôi phải gánh vác, lo cho các cô ở đây giống như mấy đứa em ở nhà. Tôi như một người anh cả, chuyện trước chuyện sau, cái gì cũng anh Phiêu.

Có lần tôi với anh Bùi Tấn Sĩ – sau giải phóng anh làm Bí thư Đoàn Thành phố đưa gần 20 cô gái về Cô Tô để dưỡng bệnh sốt rét. Các cô gầy ốm, tóc tai thì chí bò quá trời. Không có xà bông, họ phải lấy bùn non chà lên đầu, vuốt chí xuống rồi ra kinh gội. Có đợt còn phải chạy gạo, phải qua mượn của đồng bào Khơ me để ăn.

Con đường vận chuyển hàng thì lúc nào nước cũng ngập, đặc biệt là vào mùa mưa, nước cao ba, bốn thước mà toàn phải đi ban đêm trong rừng, rất khó khăn và nguy hiểm.

Một lần nhận hàng ở cảng Campusan ở Campuchia để đưa về chiến trường miền Đông Nam Bộ, trên đường hành quân chúng tôi bị quân đội hoàng gia bắt. Cả đại đội chúng tôi nhanh trí thoát được chạy vào nương nhờ đại sứ quán của mình bên đó.”

Những niềm vui và nỗi buồn

Cùng với những gian khó, những con người huyền thoại ấy còn có không ít những niềm vui.

Một trong số đó là kỷ niệm khó quên với đồng chí tiểu đội trưởng được chị Đoàn Hồng Thắm dí dỏm tiết lộ: “Mùa nước nổi tụi tôi đi về, lủi xuồng vô nhà sàn tắm buổi đêm. Vì không có đủ đồ để mặc nên phải cửi hết, vắt đồ cho khô rồi mặc trở vô. Mà cứ suốt như vậy nên hay bị lác.

Tôi ở trung đội 3, tiểu đội 9 là một tiểu đội chỉ có một nam. Hồi đó, nam này xấu chứ không đẹp trai như giờ. Anh Phiêu lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng tôi thường kêu ảnh bằng mày.

Bữa tụi tôi tắm, ảnh mắc cái võng nằm ở trong, sợ ảnh nhìn nên tụi tôi mới lấy cái võng trùm lên, lấy vải dù trùm lên rồi lấy dây dù quấn ngay cổ cho kín để ảnh không hí mắt ảnh nhìn được.

Mặc dù là buổi đêm nhưng trời trăng sáng vằng vặng nên sợ bị dòm nên quấn ảnh. Đâu độ chừng tháng sau, anh Phiêu xin ra đơn vị chiến đấu. Ảnh nói “tôi ở đây tôi chết, sống gì nổi”.

Cũng như bao cô gái khác, các nữ thanh niên xung phong luôn khát khao cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì đất nước họ đã hy sinh tất cả để hoãn lại những mong muốn cá nhân, kể cả tình yêu đôi lứa để ra trận.

Như câu chuyện của chị Phấn, một nữ sinh Tây Đô. Chị và anh Nhẫn có một mối tình đẹp và chuẩn bị hứa hôn nhưng chiến trường vẫy gọi, hai người đã gác lại chuyện cưới hỏi để đầu quân.

Một lần chị Phấn bị thương được anh Chín Tần phẫn thuật. Trong khi đó, anh Nhẫn đã dùng súng bắn về phía quân địch, thu hút hỏa lực để địch không tấn công vào tọa độ nơi anh Tần chữa trị cho chị Phấn.

Nhưng vì hoàn cảnh lúc ấy khó khăn, thiếu thốn đủ bề, chị Phấn đã không qua khỏi. Thương tiếc chị, anh Nhẫn đã xin giữ lại một tấm vải dù có vết máu của chị Phấn.

Thật vậy, những con người của Đại đội Nguyễn Việt Khái cùng biết bao thanh niên xung phong khác đã làm nên trang lịch sử hào hùng của dân tộc. May mắn thay, họ vẫn còn sống sót và ngày hôm nay, họ chính là những nhân chứng sống động cho những năm tháng chiến trận khốc liệt.

Hồng Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.