Gặp những người Việt mưu sinh ở quê người

Gặp những người Việt mưu sinh ở quê người

Thứ 5, 26/09/2013 08:53

Những ngày ở Lào, chúng tôi thấy mình được sống chậm lại, không hối hả. May mắn gặp nhiều người Việt trò chuyện, chúng tôi hiểu thêm được phong tục, tập quán của người Lào và lắng nghe cả những tâm tình của người Việt đang hoà vào cuộc sống yên bình ở nước bạn.

Lập nghiệp ổn định ở nước bạn

2 giờ chiều mỗi ngày, hai vợ chồng Nguyễn Văn Tuyên đẩy xe trứng cút, trứng vịt lộn ra góc đường đầu chợ đêm Luang Prabang bán đến 8 – 9 giờ tối. Vợ chồng Tuyên quê ở Hà Tây, qua Luang Prabang đã năm năm, thuê nhà 6 triệu kíp mỗi năm (khoảng 18 triệu đồng). Tuyên nhận xét, “người Lào lành, sống không ganh ghét nhau, nên người Việt dễ hòa đồng”. Chi phí sinh hoạt ở Lào cao hơn ở quê anh, nhưng nếu chăm chỉ làm thì có dư, nhất là ở một thị trấn du lịch thu hút khách như Luang Prabang. Mỗi ngày vợ chồng Tuyên bán khoảng 1.000 trứng cút và trứng vịt lộn, kiếm được khoảng 150.000 kíp. “Vợ chồng tôi cố dành dụm để khi về quê có ít vốn liếng”, Tuyên cười tươi.

Các tiệm cắt, uốn tóc, làm móng tay ở Lào hiện nay hầu như do người Việt mở, họ khéo tay nên phụ nữ Lào thích, khách du lịch cũng ưa. Chị Búp theo chồng qua Vang Viêng sinh sống năm năm nay bằng nghề này. Chị nói, người Lào khi tin tưởng thì họ không bỏ mình. Chị làm những kiểu tóc hiện đại và cũng học chải bới tóc theo kiểu truyền thống người Lào để đáp ứng mọi yêu cầu. Anh Tý chồng chị làm cho các công ty xây dựng ở Lào đã 15 năm. Anh đã quen với cuộc sống ở Vang Viêng, định hai vợ chồng sẽ chọn nơi này lập nghiệp luôn.

Lạ & Cười - Gặp những người Việt mưu sinh ở quê người

Chị Búp làm nghề gội đầu ở Vang Viêng.

Cũng ở Vang Viêng, Bountang Hotel – khách sạn duy nhất do người Việt kinh doanh. Anh Bùi Anh Định – quản lý khách sạn cho biết, mấy anh em ở Việt Nam hùn vốn sang đây thuê lại khách sạn này của một người Lào trong bảy năm. Khách sạn có 32 phòng, ở cuối khu phố Tây nhưng hoá ra là vị trí khá đẹp. Đứng trên tầng thượng khách sạn, nhìn ra được cảnh đẹp của làng mạc, núi non... và cả phố Tây nhộn nhịp bên dưới.

Thật may mắn, khi đi xe buýt từ Vang Viêng đến bến xe ở thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi gặp hai người Việt hiện làm công trình khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ở Viêng Chăn giới thiệu gặp anh Võ Thanh Dũng. Anh nhiệt tình đưa chúng tôi đi tìm nhà nghỉ giá rẻ, gọi giùm tài xế tuk tuk quen tính giá thấp, chỉ cho chỗ ăn uống. Tối hôm đó, chúng tôi mời anh đi uống càphê để cảm ơn, thế mà anh còn lái ôtô chở chúng tôi đi xem chợ, phố xá Viêng Chăn và khu giải trí của du khách về đêm.

Anh Dũng quê ở Tuy Phước (Bình Định), sang sinh sống ở Lào gần 20 năm. Sau tám năm, anh mới định được công việc riêng mình là nhận trang trí sân vườn, trồng cây cảnh công trình. Anh nhìn nhận mình không có kiến thức chuyên môn bài bản về kiến trúc hay thiết kế, nhưng nhờ theo các công ty xây dựng làm lâu năm, để ý học hỏi mà làm được việc. Anh Dũng tâm sự, có mua nhà ở Quy Nhơn, hiện cho sinh viên thuê, nhưng có lẽ chỉ để làm nơi ngơi nghỉ mỗi khi về Việt Nam chơi; “bởi tôi định sẽ sống lâu dài ở Lào và có cưới vợ thì cũng đưa vợ sang đây”.

Không chỉ anh Dũng muốn sống lâu dài ở Viêng Chăn, vợ chồng chị Hoa, anh Oanh có quán càphê bình dân và tiệm tạp hoá trên đường Phonsay cũng định như vậy. Chị Hoa là người Sài Gòn, qua Lào làm ăn đã 17 năm. Sáng ra, muốn gặp bao nhiêu người Việt Nam đang sinh sống ở Viêng Chăn thì cứ đến quán chị Hoa. Tiệm tạp hoá của chị bán khá nhiều hàng hoá Việt Nam.

Những ước mơ về quê mẹ

Những người Việt sang Lào lập nghiệp mà chúng tôi đã gặp như trên có vẻ thoải mái hơn trong suy nghĩ: làm có tiền thì “về thăm quê nhà”. Còn khi gặp hai Việt kiều có gia đình đã gắn bó với đất nước Lào bao thế hệ, chúng tôi chợt nhận thấy ở họ sự khát khao mỗi khi nghĩ đến việc tìm về quê cha đất tổ.

Tài xế tuk tuk tính giá tốt mà anh Dũng giới thiệu với chúng tôi chính là anh Đoàn Văn Hùng, 45 tuổi, ở chung xóm với anh Dũng. Anh Hùng tâm sự, “tôi sinh ở Viêng Chăn, chỉ biết mẹ là người xứ Huế, còn bố thất lạc ở đâu không rõ”. Mẹ anh luôn canh cánh việc trở về Việt Nam thăm quê, bà không chịu nhập quốc tịch Lào vì sợ không về Việt Nam được. Trước đây, anh ở nhà thuê 4 x 8m, mất 500 USD/năm. Hội Việt kiều thấy gia cảnh anh khó khăn, cho mượn đất để cất nhà. Bà con hàng xóm cũng góp cho vài thứ vật liệu, phụ cho mấy công... Căn nhà diện tích 6 x 7m, có gác, sau chín tháng mới hoàn thành, chi phí hết 150.000 bath (1 bath tương đương 250 kíp), anh Hùng mới dọn vào nhà mới hồi tháng 8 vừa rồi, ở chung với mẹ và chị. Cuộc sống đã ổn, giờ anh chạy tuk tuk mỗi ngày kiếm 300.000 kíp đủ nuôi sống gia đình. Chật vật với cuộc sống, “nên chưa nghĩ đến chuyện vợ con, nhưng tôi tính sẽ dành dụm tiền để được về quê”, anh Hùng chia sẻ.

Đã về Việt Nam hai lần mà anh Hùng còn tha thiết muốn biết quê hương nguồn cội mình đến thế, thì không lạ khi bà Nguyễn Thị Phước nghẹn ngào nói: “tôi chưa hề biết quê mẹ mình ra sao”. Cha mẹ bà người gốc Quảng Bình, bà sinh năm 1952 tại Viêng Chăn. Ông bà nội, ngoại của bà sang Lào, sinh cha mẹ bà ở Lào nên tính ra từ ông bà đến cha mẹ, đến bà rồi tới các con, cháu bà đã năm đời ở Lào, gần 100 năm. “Mẹ tôi mới mất năm ngoái, thọ 86 tuổi, khi mất cụ vẫn tiếc chưa biết Việt Nam như thế nào”, bà Phước thì thào.

Chồng bà Phước là người Sài Gòn, qua Lào sinh sống lúc ông 22 tuổi, chồng bà mất cách nay mười năm. Ước nguyện được về Quảng Bình, nhưng bà Phước ngần ngại không biết sẽ đi thế nào “vì không rõ bà con dòng họ của mình ở Việt Nam còn không”, thoáng buồn trên nét mặt bà Phước. Chúng tôi chỉ biết động viên: “Bác hãy đi theo tour du lịch. Quảng Bình quê mẹ bác đẹp lắm!”

Theo Sài Gòn tiếp thị

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.