Trốn nhà để đi tu, nói dối để đi kháng chiến
Chúng tôi gõ cửa căn phòng 302, khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi cụ bà Nguyễn Thị Vang (tức ni cô Đàm Nhung) - nhân chứng sống của một thời lịch sử hào hùng năm xưa đang sống. Cụ Vang bước ra chậm từng bước và đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu của một người phụ nữ đã kinh qua bao sóng gió cuộc đời.
Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về cái thời các nhà sư xung phong “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, cụ vui lắm. Đầu tiên cụ chia sẻ với chúng tôi về duyên nợ đến với nghiệp tu hành của mình.
Chùa Cổ Lễ - nơi đã chứng kiến lời tuyên thệ của 27 vị sư trong“lễ cởi áo cà sa khoác áo chiến bào” để ra chiến trường 65 năm trước.
Đó là câu chuyện của một cô bé 16 tuổi dám trốn nhà, chịu đòn roi để được nương nhờ nơi cửa thiền. Dõi ánh mắt xa xa như tìm về một miền kí ức xa xôi nào đó, cụ chậm rãi: “Ngày ấy bà nội tôi là người theo đạo Phật. Sau khi bà mất, nhà tôi có thỉnh 50 - 60 nhà sư về cúng bái với những bài kinh tụng rất ý nghĩa mà khi nghe tôi thấy lòng thanh thản lạ kỳ.
Từ đó, tôi lén theo các bà, các cô trong xóm ra chùa tụng kinh, khấn Phật. Tôi còn thường xuyên đọc những cuốn tiểu thuyết răn đời, khuyên con người nên làm việc thiện, tích nhân tích đức.
Đến năm 16 tuổi, tôi thực sự muốn dứt đoạn với cuộc sống vương giả của gia đình để lên chùa ăn chay niệm phật. Tìm đến với nơi cửa chùa đơn giản vì tôi thấy lòng mình được thanh thản, thoát khỏi những suy nghĩ bon chen với sự đời”.
Thời ấy, ở mảnh đất Trực Ninh, gia đình cụ Vang thuộc hàng địa chủ giàu có nổi tiếng khắp trong làng, ngoài xã. Việc có một cô con gái lên chùa quét lá đa đối với gia đình cụ quả là một điều không tưởng.
Nhiều lần cụ bị bắt về, bị đuổi đánh, thậm chí bị người nhà đốt quần áo nhưng vì cái tâm hướng Phật mà cụ không thể làm theo ý nguyện của gia đình được. Sau lần bị đốt quần áo ấy, cụ đã trốn biệt sang tu ở tận một ngôi chùa bên tỉnh Ninh Bình.
Cho đến khi quay lại Nam Định cũng là lúc chùa Cổ Lễ có phong trào hưởng ứng theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ lại hăng hái cùng các nhà sư nhập cuộc binh đao góp sức mình cứu nước.
Cô gái Nguyễn Thị Vang với pháp hiệu Ni cô Đàm Nhung khi đó đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà không dám khai lý lịch vì sợ bị quy vào diện cường hào địa chủ, không được ra chiến trường.
“Đó là lần nói dối khiến tôi run sợ nhất mà cho đến tận bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có động lực để nói dối việc tày đình đó.
Mình có chết cũng không sao nhưng đang lúc quyết tâm muốn góp sức đuổi giặc cứu nước mà lại bị dừng lại thì chắc tôi không thể chịu nổi”, cụ Vang tâm sự.
Sau này, khi hết nhiệm vụ trở về với đời thường, lấy chồng và được biên chế vào Nhà máy dệt 8-3 ở khu tập thể Quỳnh Mai này, cụ Vang lại một lần nữa nói dối mọi người khi không dám khai trong lý lịch về khoảng thời gian làm ni cô ở chùa.
Cụ cười móm mém: “Tôi chỉ sợ nói ra người ta lại cười, cho rằng mình là ni cô phá giới chứ không nghĩ tới việc mình đi kháng chiến. Ai hỏi tôi cũng chỉ bảo trong 7 năm ấy tôi ở nhà nội trợ cho thầy mẹ tôi”.
Ni cô Đàm Nhung của huyền thoại “cởi áo cà sa khoác chiến bào” năm xưa nay đã ở tuổi thượng thọ nhưng vẫn rất tinh tường, minh mẫn.
Ký ức về một thời hùng tráng
Nhắc lại những ngày tháng nơi trận địa, ni cô Đàm Nhung bồi hồi: “Những ngày ấy đối với tôi như vừa mới ngày hôm qua thôi. Trước ngày ra trận, các hòa thượng thì được dạy võ còn tôi và một ni cô nữa thì được học cấp tốc về y học, về cách chăm sóc thương binh, may vá quần áo bộ đội…
Trận chiến đầu tiên của chúng tôi là bảo vệ thành Nam Định và chùa Non Nước (Ninh Bình) trước sự tấn công dữ dội của thực dân Pháp. Trong trận chiến ấy 12 người đã ngã xuống mà đến tận bây giờ cũng không ai biết rõ thế danh, gia đình họ ở đâu. Họ hy sinh chỉ để lại pháp danh do nhà chùa đặt: Đức Hiền, Thanh Tịnh, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Quang Dương, Huyền Cơ…
Quả thật lúc bấy giờ - khi cả nước đang sôi sục khí thế kháng chiến, chúng tôi không còn ai nghĩ tới sự sống, cái chết nữa. Suy nghĩ duy nhất chỉ là tiến về phía trước, tất cả cho độc lập tự do của dân tộc”.
Trong hai người ni cô của đoàn chiến sĩ Vệ quốc “tăng ni” năm ấy đã có một người hy sinh anh dũng trong trận chống càn tại Nam Trực. Đó là ni cô Đàm Hồng.
Cụ Vang bùi ngùi kể lại: “Hôm đó địch phát hiện ra ni cô Đàm Hồng đang cứu chữa cho một số thương binh ở trong hầm. Chúng gọi hàng nhưng ni cô quyết không khuất phục. Ni cô chộp súng bắn lên và khi súng hết đạn địch tung lựu đạn xuống hầm, ni cô cùng các thương binh đều hy sinh…”.
Hiện tại, các con cháu cụ Vang đều đã có nơi có phận, đều muốn đón cụ về sống chung cho tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng nhưng cụ vẫn muốn sống một mình trong ngôi nhà tập thể đã gắn bó với cụ từ những ngày đầu lên Hà Nội.
Ở đây, cụ không chỉ có những kỉ niệm sâu sắc với người chồng đã khuất mà còn có đức Phật độ trì. Hàng ngày cụ được tự do với cõi thiền của riêng mình. Con cháu cụ sống quanh Hà Nội, ngày nào cũng qua thăm nom, đỡ cụ bữa cơm, chậu quần áo.
Tuy nhiên với cụ, đã là người tu hành lại một thời xông pha trận mạc thì tự vận động được ngày nào là hạnh phúc ngày ấy.
Những lời răn dạy yêu thương, giúp đỡ, hành việc đạo nghĩa còn thể hiện ở những việc làm thiết thực của cụ. Năm 1946 - năm cả nước chìm ngập trong cái đói, trong một lần đi qua ngã 3 đường cụ Vang bắt gặp 3 mẹ con chết đói nằm giữa đường, người mẹ và đứa con lớn đã chết đã chết, đứa bé gái nhỏ vẫn đang hồn nhiên ngậm vú mẹ.
Với tấm lòng thương người và lòng bao dung độ trì học được từ nơi cửa thiền cụ Vang đã mang đứa bé về và nhận làm con nuôi. Cụ còn đưa đứa con nuôi đi chữa đường ruột khắp nơi mãi 6 năm mới khỏi.
Nhắc đến đứa con nuôi của mình cụ rât tự hào: “Dù bây giờ nó sống ở quê, cũng không có điều kiện kinh tế lắm nhưng vẫn rất hiếu nghĩa, năm nào cũng lên thăm mẹ vài lần. Quả là cứu một người phúc đẳng hà sa. Tôi luôn tin nếu mình làm việc thiện thì trời cũng sẽ cho mình may mắn”.
Mối ân tình của những người lính cụ Hồ một thời khoác áo tu hành Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, cụ Vang cũng không quên nhắc đến tên người đồng môn đồng thời là người đồng chí còn sống duy nhất cùng mình - Đại tá Đinh Thế Hinh (Tức Đại đức Thích Pháp Lữ). Cụ Hinh năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi, cũng vẫn minh mẫn và đầy hào hứng khi kể về cái thời oanh liệt hào hùng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” mà cụ là người trực tiếp đọc lời tuyên thệ trước khi ra chiến trường. Biết chúng tôi sẽ ghé thăm cụ Hinh, cụ Vang lục cục mở tủ lấy gói bánh và hộp cafe đã để dành từ lâu để gửi biếu người em đồng môn, người đồng đội đã lâu không gặp. Còn cụ Hinh cũng lại nhờ chúng tôi chuyển cho cụ Vang một quyển sách viết về cả một thời hào hùng của hai cụ. Được gặp lại hai nhân chứng sống của một thời kì lịch sử hào hùng và được vinh hạnh là cầu nối ký ức, tình cảm giữa họ chúng tôi mới thấy thấm thía phần nào cái tình cái nghĩa bền lâu của những người lính cụ Hồ - những người lính đặc biệt đã một thời khoác áo tu hành. |
Thu Nhung