Gặp nữ biệt động Sài Gòn duy nhất từng đánh dinh Độc Lập

Gặp nữ biệt động Sài Gòn duy nhất từng đánh dinh Độc Lập

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 của quân Giải phóng miền Nam từng gây chấn động lớn trên thế giới và gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ.

Tại Sài Gòn, rạng sáng mùng 2 tết Mậu Thân 1968, một đội biệt động gồm 15 người nhận nhiệm vụ tấn công dinh Độc Lập. Trong đó có một nữ biệt động duy nhất là Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa).

Thế giới - Gặp nữ biệt động Sài Gòn duy nhất từng đánh dinh Độc Lập

Nữ biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa hiện nay

Người con của vùng đất thép thành đồng

Bà Vũ Minh Nghĩa sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM). Cha mất khi bà mới lên 2 tuổi, một mình mẹ bà tần tảo nuôi 8 người con. Vậy nhưng mẹ bà vẫn cùng các bà mẹ khác góp sức cho kháng chiến bằng những bữa cơm và tiếp tế lương thực cho bộ đội. Lớn lên giữa không khí Cách mạng, 12 tuổi cô bé Vũ Minh Nghĩa đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại xã.

Năm 1960, dưới hào khí của phong trào Đồng Khởi, người dân Củ Chi cũng vùng lên, tham gia những phong trào đấu tranh chính trị, đòi yêu sách với chính quyền Ngụy. Trong một lần biểu tình, đoàn biểu tình bị địch bắn xối xả và có 2 phụ nữ bị thương. Một trong hai người đó là chị gái của bà Chính Nghĩa. Khi đưa được chị gái mình đến nơi an toàn, thì cùng ngày bà biết tin có một đoàn biểu tình nữa gồm các bà má xuống Sài Gòn gặp Hạ nghị viện Ngụy quyền và đã bị chúng giữ lại, trong đó có mẹ của bà. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh người thân mình bị địch bắn và bắt bớ, nhưng cô bé Vũ Minh Nghĩa ngày đó đã không hề tỏ ra sợ hãi. Hôm sau, cô nói với mấy chú bộ đội rằng: "Các chú có việc gì cần thì cứ giao cho cháu".

Năm 1964, người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành. Sự kiện này đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên ở khắp mọi làng quê của miền Nam Việt Nam.

Cái chết đầy anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sĩ biệt động là động lực khiến người con gái đất thép nung nấu ý định tham gia vào đội biệt động Sài Gòn. Gần một năm sau, Đội 5 của biệt động thành hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia vào đội. Cơ hội đến với Vũ Minh Nghĩa. Ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức trở thành nữ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Năm đó cô vừa tròn 18 tuổi.

Bà Nghĩa bồi hồi nhớ lại: "Hôm tôi đi, không được gặp má để từ biệt bà vì bà còn bận đi công tác vắng nhà. Mang túi xách lên vai rồi ngoái đầu nhìn lại bỗng thấy nôn nao, bởi những năm tháng ấy, mỗi chúng tôi đều xác định khi đã ra đi rồi là sẽ chiến đấu tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới trở về. Đêm đầu tiên ngủ trong rừng, tôi đã khóc vì nhớ tối nay má tôi chỉ ở nhà một mình. Nhưng tôi cũng biết, sau đêm nay, ngày mai sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời chiến sĩ của mình".

Thế giới - Gặp nữ biệt động Sài Gòn duy nhất từng đánh dinh Độc Lập (Hình 2).

Chân dung các chiến sĩ Đội biệt động 5 tại căn hầm bí mật chứa vũ khí mà Đội biệt động 5 từng đào. Tấm ảnh cô gái ở hàng dưới cùng là bà Chính Nghĩa thời trẻ

Nữ biệt động với trận đánh tết Mậu Thân lịch sử

Sau 3 tháng tham gia một lớp huấn luyện, bà trở về đơn vị, được cấp trên giao cho một tấm bản đồ thành phố bảo bà cần nhớ tên đường phố và một chiếc xe Mobylette (xe máy có bàn đạp của Pháp) để tập đi. Nhưng lúc đó bà cũng chưa biết mình cần học những cái đó để làm gì. Sau này, khi đã cùng ông Bảy Bê một vài lần thực hiện nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí từ Củ Chi vào thành phố phục vụ cho các trận đánh, bà mới biết rõ những thứ mình học quan trọng như thế nào. Bà phải học thuộc lòng những con phố, những ngõ ngách của Sài Gòn qua tấm bản đồ ấy để thuận lợi trong nhiệm vụ liên lạc từ Củ Chi về thành phố và ngược lại. Còn chiếc xe Mobylette chính là "chân chạy" để bà mỗi ngày đi về mấy bận giữa hai địa điểm này.

Suốt ba năm tham gia công tác trong Đội 5 của biệt động, bà không nhớ hết số lần mình đã đi về giữa Sài Gòn và cơ sở của mình để làm công tác liên lạc và chuyển vũ khí. Không ít lần trong số đó bà phải đi qua đồn gác hoặc chạm trán với bọn lính Mỹ tuần tra trên đường. Nhưng nhờ nhanh trí và khôn khéo, bà đã hoàn thành nhiệm vụ mà không bị phát hiện. Làm tốt nhiệm vụ được giao suốt mấy năm liền, bà được cấp trên đặt cho cái tên là "Chiến sĩ tên lửa". Nhưng cũng trong mấy năm ấy, trong bà vẫn bỏng cháy một mong muốn chưa được thực hiện. Đó là được cầm súng chiến đấu mặt đối mặt với kẻ thù.

Cuối năm 1967, cơ sở của Đội biệt động 5 bị lộ, phần lớn số người trong đội bị bắt. Chỉ huy của biệt động Sài Gòn điều một số người ở các đơn vị khác qua lập ra một đơn vị biệt động 5 mới do Tô Hoài Thanh làm chỉ huy trưởng. Đêm giao thừa trước trận đánh tết Mậu Thân 1968, ông Tô Hoài Thanh có gọi bà tới nói: "Đợt này cô đạt được nguyện vọng rồi đấy. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu nghe". Ngay lúc đó, bà chỉ có một câu rằng: "Em sẵn sàng", bởi bà đã đợi cái ngày được cầm súng này từ lâu rồi.

Lúc đầu mục tiêu của Đội là sở chỉ huy ở quận 5 nhưng sau đó Đội 5 được chuyển sang đánh vào mục tiêu quan trọng hơn là dinh Độc Lập và cố giữ trận địa 15-30 phút sẽ có quân chi viện. "Lúc đó mọi người đều bất ngờ. Nhưng rồi ai cũng quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng đội đã thề với nhau là chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hy sinh", bà Nghĩa nhớ lại.

Khoảng 1h30' mùng 2 tết Mậu Thân 1968, đội biệt động 15 người trên ba xe tải nhỏ, xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg có nhiệm vụ phá cổng. Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của quân đội Mỹ ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ, 5 chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.

Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ. Khi đó những người còn lại trong đội xác định không đánh được vào trong dinh thì sẽ chiến đấu ở bên ngoài dinh. Bên ngoài, 2 xe zip của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiêu diệt. Nhưng 40 phút sau vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện. Bỗng có 2 ánh đèn pha ôtô rọi đến, nhưng không có ánh đèn tín hiệu. Tới gần hơn thì nhận ra đó là xe lính Mỹ. Mọi người lại tiếp tục chiến đấu bắn hết bọn lính Mỹ và cháy tiếp 2 chiếc xe đó của địch.

Trong trận đánh này, Đội trưởng Đội 5 đã hy sinh, bà cũng bị thương. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 người còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ. Suốt một ngày, vừa đói vừa khát nhưng những chiến sĩ biệt động vẫn chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Thậm chí, khi hết đạn họ đã phải lấy gạch làm vũ khí chiến đấu. Tại đây, thêm một người nữa đã hy sinh.

Gần sáng mùng 3 tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn bắn, 7 người dìu nhau vượt qua mấy nhà khác bằng đường ống nước, rồi dỡ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. "Đến sáng, địch truy theo dấu máu phát hiện chúng tôi nên đổ quân bao vây. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một anh trong đội rút chốt nhưng không nổ. Chúng tôi bị bắt", bà Nghĩa kể.

Chịu mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng người con gái đất thép Củ Chi vẫn không khai nửa lời. Vũ Minh Nghĩa đã lần lượt qua các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, bà được trao trả tự do. Sau 1975, bà chuyển ngành rồi trở về hoạt động tại địa phương. Hiện bà cùng gia đình ở tại phường 6, quận Gò Vấp.

Hương Lam


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.