Cơ duyên đặc biệt
NSND Lệ Thủy sinh ra tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Tiền Giang. Sau khi gia đình gặp tai biến, gia đình bà dắt díu nhau lên Sài Gòn lập nghiệp. Lệ Thủy sống cùng gia đình dưới chân cầu Khánh Hội. Trước đó, ca hát chỉ là niềm đam mê của bà mỗi khi rảnh rỗi hay hát chơi để ru em ngủ. NSND Lệ Thủy cho biết: "Những làn điệu ấy là do tôi thường xuyên nghe trên radio với giọng ca (ca vọng cổ) của nghệ sĩ Thanh Hương (con gái NS Năm Châu). Khi lớn lên, nhận thấy gia cảnh khó khăn, tôi quyết tâm đi theo nghiệp hát để kiếm tiền đỡ đần cho cha mẹ. Do chất giọng của tôi khác lạ hơn người nên được nghệ sĩ Tư Long (ở gần nhà) xin cho vào học diễn tuồng cải lương tại một đoàn hát chuyên nghiệp".
Khi vào đoàn hát, Lệ Thủy không hề có ý định hay mong muốn mình có thể trở thành đào chính. Về sau, bà không ngờ đó lại là một cái duyên của mình mà ông trời ban tặng. Sinh thời, Lệ Thủy rất thông minh, đặc biệt là trong chuyện hát xướng. Lúc mới vô đoàn hát, bà chỉ đứng bên cánh gà để nghe các cô, các chú trong đoàn biểu diễn. Họ diễn như thế nào, Lệ Thủy thuộc hết, rồi ra ngoài diễn lại y hệt từ điệu bộ, dáng vẻ, phong thái và lời bài hát cho các bạn nghe. Sau này, mỗi khi có cô, chú nào trong đoàn bị đau ốm không thể lên sân khấu được thì Lệ Thủy lại được thế vai... chữa cháy. Lạ kỳ thay, Lệ Thủy hát được liền, mặc dầu chưa được sâu sắc lắm nhưng khán giả cứ vỗ tay liên hồi.
NSND Lệ Thủy.
Sau đó, tên tuổi Lệ Thủy lên rất nhanh và cũng rất may mắn, chỉ trong vòng 2 năm là tên tuổi của Lệ Thủy đã ghi dấu được trong lòng khán gia vì Lệ Thủy thâu đĩa trước khi đứng trên sân khấu biểu diễn. Trước đó, những nghệ sĩ muốn thu đĩa thì trước hết phải đi hát khá lâu năm, có tên tuổi rồi mới được các trung tâm âm nhạc mời về hợp tác, thu âm. May mắn cho Lệ Thủy, lúc này, soạn giả Viễn Châu đang cần gấp một đứa bé biết hát để đóng vai thư đồng (đứa con của Thị Màu) trong vở tuồng Quan Âm Thị Kính. Lệ Thủy nhập vai thư đồng ngon ơ khi mới 12 tuổi. Từ đó, Lệ Thủy được các ông bầu để ý và mời đi hát.
Khi Lệ Thủy quyết định chọn ca hát là nghề kiếm cơm của mình, bà không hề bị gia đình phản đối vì chính những người trong gia đình bà ai cũng thích âm nhạc, đặc biệt là ca vọng cổ. Những ngày bên mẹ, khi thấy mẹ nghêu ngao ca là Lệ Thủy ca theo, đôi khi hai mẹ con song ca một bài khiến cả nhà cười ngất rồi vỗ tay khen mùi quá!. "Đến lúc con gái theo nghiệp diễn ca, mẹ tôi vừa mừng, vừa tủi. Bà sợ tôi đi vào con đường cám dỗ của giới nghệ sĩ như lời người ta đồn thổi. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn chọn con đường diễn xướng này. Có lẽ, vì lúc đó gia cảnh nghèo quá, mình lại là chị lớn nên muốn đi để ba mẹ vừa không phải nuôi mà lại kiếm tiền về đỡ đần cho ba mẹ", NSND Lệ Thủy tâm sự.
Bắt đầu sự nghiệp xướng ca, Lệ Thủy được ba má nuôi là vợ chồng nghệ sĩ đàn kìm Mười Của hết mực yêu thương và chăm sóc chu đáo. Nhưng chẳng được bao lâu thì vợ chồng nghệ sĩ Mười Của lại chuyển sang gánh hát khác vì mục đích mưu sinh. Lệ Thủy ở lại, nhiều lần phải làm em nuôi người này, làm con nuôi người khác chỉ mong họ truyền đạt cho mình một chút vốn liếng sau này hành nghề, lập nghiệp. Bà phải làm rất nhiều việc, khi thì nấu cơm, đun nước, khi thì bị sai vặt. Nhưng với bà, những ngày tháng ấy tuy có vất vả nhưng đượm nhiều nghĩa tình khó quên. Nó chính là hành trang cho Lệ Thủy bước vào đời suôn sẻ sau này.
Dấu ấn không phai mờ
Hơn 50 năm làm nghệ thuật, NSND Lệ Thủy luôn trăn trở về nghề hát cải lương. Bà luôn tự nhận mình là người rất may mắn bởi có những anh, chị em khác không có may mắn như mình. Do vậy, nhìn về thân phận (cũng như cuộc đời) người nghệ sĩ, NSND Lệ Thủy thấy thương cho họ rất nhiều. NSND Lệ Thủy tâm sự: "Làm nghệ thuật, nếu có yếu tố may mắn thì đó phải thực sự thật là may mắn lắm mới làm nên chuyện, mới đứng vững với sân khấu, còn nếu chỉ may mắn không thôi có thể sẽ chuốc thêm nỗi khổ. Khi ra trình diễn, ai cũng muốn mình đẹp, lộng lẫy, thế nên tất cả tiền bạc làm được đều đầu tư cho trang phục, mĩ phẩm, thành ra khi người nghệ sĩ nghĩ tới cái hậu thì không còn gì hết. Nếu như không còn khả năng đứng trên sân khấu được nữa thì đồng nghĩa là về lại đời thường với hai bàn tay trắng. Vì thế, hoàn cảnh người nghệ sĩ rất là đáng thương".
Đối với Lệ Thủy, đi hát là phải có may mắn và cái quan trọng nhất cũng chỉ là sự may mắn. Nhiều người tài nghệ rất hay, ca rất hay, diễn xuất rất hay nhưng không có cái may mắn thực sự thì họ vẫn không đến được với khán giả. Theo đó, yếu tố may mắn có rất nhiều, nghệ sĩ phải gặp đúng thời điểm, phải có nét duyên dáng, giọng ca thuyết phục lòng người... “Với tôi, được khán giả thương mến, ủng hộ nhiều là hạnh phúc nhất của đời người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ còn được tồn tại là nhờ khán giả, nếu khán giả không đến nữa thì coi như xong", NSND Lệ Thủy cho biết.
Nhớ lại những ngày tháng đi hát với nghệ sĩ Minh Phụng, NSND Lệ Thủy bật mí: "Hồi còn hát với nghệ sĩ Minh Phụng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước trong đoàn Kim Chung 5, cả tôi và Minh Phụng đều còn rất trẻ nên hát cặp với nhau những vở tuồng kiếm hiệp rất ăn ý. Được khán thính giả rất mến mộ nên chúng tôi được báo chí thời đó tặng cho danh hiệu Cặp đôi bão biển. Vì thường thường cứ 1 năm các đoàn cải lương lại tổng kết một lần xem đoàn nào đạt doanh thu nhiều nhất. Lúc ấy, đoàn Kim Chung 5 của chúng tôi đoạt Áo vàng (giải cao nhất về doanh thu) liên tục trong 3 năm liền nên cặp đôi Lệ Thủy - Minh Phụng được mệnh danh là cặp bão biển ăn khách nhất".
Sau giải phóng, Lệ Thủy chủ yếu hát với nghệ sĩ Minh Vương, sau này được tổ chức Giness Việt Nam xác lập kỷ lục Cặp đôi biểu diễn lâu năm nhất mọi thời đại. Bởi họ luôn sát cánh hát cùng nhau cho tới ngày nay. Ngoài ra, bà còn diễn chung với các nghệ sĩ khác như: Trọng Hữu, Thanh Tuấn, Thanh Sang... Mỗi lần diễn chung với một đồng nghiệp, Lệ Thủy lại thay đổi phong cách khác nhau để ăn ý hơn, hòa hợp hơn. Bà quan niệm, mỗi người diễn sĩ phải tuân theo một phong cách riêng của mình thì tên tuổi họ mới ghi sâu trong lòng người hâm mộ. Do đó, khi diễn chung với một người, bà thấy bạn mình diễn theo kiểu nào thì bà cũng diễn theo kiểu đó, cốt yếu làm sao cho phù hợp và cân xứng trong vở ấy...
Người hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên Năm 1964 khi soạn giả Viễn Châu kết hợp tân nhạc và cổ nhạc để tạo nên bản tân cổ giao duyên, ông đã chọn giọng ca trẻ Lệ Thủy thể hiện cho thử nghiệm mới này với ca khúc Chàng là ai (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, cổ nhạc: Viễn Châu). Nói về điều này, NSND Lệ Thủy tâm sự: "Vào thời điểm đó, tôi còn nhỏ, lại chưa có danh tiếng gì, lỡ có chuyện gì cũng chẳng sao... (năm đó bà mới 14 tuổi)”. Ban đầu, Lệ Thủy sợ và cũng không dám ca, nhưng không ngờ đó lại là lần thử thách mang đến cho bà nhiều may mắn và thành công nhất. Và theo như bà khẳng định, đó là bài ca để đời của mình, ngày nay nếu như ai ca tân cổ thì đều phải ca theo kiểu như vậy, trước là tân nhạc, giữa là tân cổ và cuối lại là phần kết thuộc về tân nhạc, đôi khi cả hai kết hợp, đôi khi lại là tân cổ... |
> Đọc thêm: Tuyển tập giai nhân tuyệt sắc của màn ảnh Việt một thời
Đăng Văn