Tiếng sáo át tiếng bom
Nghệ sĩ Bích Đào (SN 1945) quê ở huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Niềm đam mê sáo trúc có trong huyết quản Bích Đào từ nhỏ. Năm 15 tuổi, chị vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) bộ môn sáo trúc. Chị tâm sự: "Bài mà tôi thổi sáo đầu tiên là "Se chỉ luồn kim". Trải qua bốn năm miệt mài học tập, năm 1964, Bích Đào đã tốt nghiệp loại giỏi và được phân về đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Cũng chính từ đó, chị trở thành người lính, đem tiếng sáo của mình cổ vũ tinh thần cho đồng đội.
Nghệ sĩ Bích Đào chia sẻ: "Ngày ấy, trong lòng cứ hừng hực một ngọn lửa chiến đấu với quân thù. Thế nên, ngày nào cũng mang một ba lô mấy chục kí lên đường chiến đấu với ba bữa cơm rừng mà chẳng màng gì đến sự sống chết của bản thân, chẳng còn biết mình là thân gái dặm trường". Thế rồi, Bích Đào trở thành một trong những cây sáo nữ đầu tiên của Việt Nam.
Nghệ sĩ Bích Đào chụp hình kỉ niệm với nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Bi.
Sống chung với bom đạn, khói lửa, phải chứng kiến sự hi sinh đẫm máu của đồng đội, chị ngậm ngùi trong xót xa: "Hôm đó là một buổi chiều thứ 7, ở khu gang thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên - PV) khi tất cả mọi người đang chuẩn bị để tối biểu diễn thì quân Mỹ ập đến ném bom hàng loạt. Tôi bàng hoàng không nghĩ rằng mình có thể sống...". Lập gia đình, sinh cậu con trai đầu lòng vừa tròn một tháng, chị gửi cho bà ngoại rồi vác ba lô lên đường tiếp tục chiến đấu. Nhiều hôm tự tay vắt những dòng sữa căng cứng bỏ đi, nghĩ tới con ở nhà khát sữa mà chị xót xa. Đi ra chiến trường, chị thực sự không dám nghĩ đến ngày mai của mình. Thế nhưng, tim người nghệ sĩ là còn hơi thở, còn cống hiến.
Nghệ sĩ Bích Đào chia sẻ: "Một lần qua ngã ba Đồng Lộc, tôi vác ba lô chạy bộ mười mấy cây số mà không một bóng người, ngoài những gốc cây cháy rụi. Hoảng sợ giữa rừng hoang, tôi ôm một gốc cây cháy đen mà gọi tên mẹ nhưng vẫn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống".
Sống vì nghề và xin được chết vì nghề
Trở về sau những ngày tháng chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ Bích Đào chuyển công tác về Bộ Văn hóa (cũ). Đến năm 1982, chị về hưu sớm nhưng vẫn âm thầm mang tiếng sáo của mình phục vụ mọi người mà không hề màng đến chuyện cơm áo. Với nghệ sĩ Bích Đào thì về hưu không phải là đã hết. Sau khi chồng qua đời, các con có hạnh phúc riêng, nghệ sĩ Bích Đào một mình lủi thủi trong ngôi nhà với đồng lương hưu ít ỏi. Chị vẫn âm thầm cùng với tiếng sáo của mình lưu diễn khắp mọi nơi. Nếu như ngày xưa, phải nhọc nhằn với ba lô mấy chục kí ra mặt trận thì bây giờ bất kì nơi đâu có tiếng gọi là chị lại lên đường với cây sáo bé nhỏ của mình, mong muốn đem lại niềm vui đến cho mọi người.
Dù đã thành bà nội, bà ngoại nhưng tiếng sáo của nghệ sĩ Bích Đào vẫn ngọt ngào, đằm thắm trong sự duyên dáng trẻ trung và không kém phần sôi nổi. Tiếng sáo của chị thánh thót, trong trẻo làm đắm chìm bao trái tim người nghe. Nghệ sĩ Bích Đào tâm sự: "Còn hơi thở, Bích Đào nguyện còn đưa tiếng sáo bay cao, bay xa cống hiến cho đời và tô thắm cho cuộc sống". Ngạc nhiên trước sự phi thường của một người phụ nữ dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật thổi sáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lần khen tặng: "Con gái gì mà nhiều hơi thế hả con?". Nghệ sĩ Bích Đào thú nhận: "Lời khen của Đại tướng đã theo suốt cuộc đời tôi. Tôi nguyện sống vì cây sáo mà cũng chết vì cây sáo".
Thơ Trịnh