Gặp nữ xe ôm cứu người trong đêm

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

23h đêm, đường phố TP.HCM lấp lánh những ánh đèn. Như thường lệ, chị Nguyễn Thị Thu Hà ngụ đường Lạc Long Quân (Quận Tân Bình) đang chờ khách, bỗng có hai bé gái tuổi đời chưa đủ trăng rằm liêu xiêu tới nhờ chị chở đi bán đôi bông tai để lấy tiền về quê.

Nhìn hai đứa trẻ trong bộ dạng đói lả, hoảng sợ, chị Hà sinh nghi liền gặng hỏi. Vẫn còn chưa hết bàng hoàng, hai em đã giãi bày hoàn cảnh đáng thương của mình, đang chạy trốn khỏi xưởng may bóc lột sức lao động sau nhiều ngày bị "bán sống".

Chị Nguyễn Thị Thu Hà

Cứu người trong đêm

Theo lời kể của chị Hà thì hai em gái khoảng 13 - 14 tuổi đứa học lớp 7, đứa học lớp 8 cùng ngụ tại Vũng Tàu. Do chán học, đua đòi theo bạn bè, chúng rủ nhau về TP.HCM đi làm kiếm tiền. Chúng bán chiếc xe đạp được 200.000 ngàn đồng sau đó bắt xe đò lên bến xe Miền Đông. Đang lơ ngơ không biết đi đâu về đâu giữa một rừng xe, rừng người thì hai đứa trẻ bị một đám xe ôm vây quanh. Một gã chở hai em đi lòng vòng khắp các ngõ ngách trong các con hẻm. Sau đó chúng dừng lại tại một quán cá phê có nhiều võng với những chòi tranh lụp xụp.

Thấy có một cô gái ăn mặc hở hang đang nắn bóp, tẩm quất cho một người đàn ông em P hốt hoảng nói: "Chúng con muốn đi làm ở Công ty". Gã xe ôm chở hai em đi tiếp, cuối cùng gã dừng lại tại một ngôi nhà kín cổng cao tường. Sau khi dẫn người vào bên trong, gã quay lại nói với hai em: "Công ty này đang tuyển công nhân may đấy". Hắn to nhỏ gì với người chủ nhà rồi nhanh chóng vụt đi.

Tại đây, hai em được người nhà hướng dẫn công việc ngay. Hàng ngày các em phải dậy từ 5h sáng xếp quần áo vào những bao hàng lớn, làm quần quật đến 23h khuya mới được nghỉ ngơi, tắm rửa. Công việc quá sức lại thêm chỗ ở thiếu vệ sinh, nóng nực, ẩm ướt. Có lần hai em hỏi chủ nhà xem lương bổng ra sao. Chủ nhà chỉ thẳng vào mặt hai đứa nói: "Chúng mày làm được bao nhiêu mà đã hỏi lương bổng? Tao phải trả cho thằng xe ôm 3 triệu mới nhận được chúng mày vào làm đấy. Hai tháng đầu làm không lương, tháng thứ ba tao cho ứng rồi cuối năm mới tính lương một lần".

Biết mình bị lừa gạt, hai em sợ sệt nhưng không biết làm sao để trốn ra ngoài. Cửa nhà khi nào cũng đống kín, lại thêm 4 cái camera theo dõi nhất cử nhất động của người làm nên thật khó thoát thân. Một hôm, nhân chủ nhà đi vắng, hai em xin người quản lý cho ra ngoài mua ít đồ cá nhân. Vừa bước ra khỏi cửa, hai đứa trẻ chạy vụt vào các con hẻm cho khuất tầm nhìn ngôi nhà.

Chúng đói khát, thất thểu tìm ra đường lớn và gặp được chị Hà. Khi biết rõ mọi chuyện, chị Hà đưa hai đứa trẻ về nhà mình nấu cơm cho chúng ăn, cho chúng tắm rửa sạch sẽ rồi ngủ. Sáng hôm sau, chị Hà liên hệ với gia đình đưa hai em về lại nhà. Trước khi đi chị dúi cho mỗi em một bịch bánh để đi đường có đói thì lấy ra ăn. Chị khuyên các em trước lúc lên xe: "Các con cố gắng mà học cho thành người".

Hiệp sĩ không nhà

Không phải đây là lần đầu tiên chị Hà mở rộng vòng tay cứu người hoạn nạn. Chị không thể nhớ hết nổi có bao nhiêu những cảnh đời, những phận nghèo được chị giúp đỡ, cưu mang. Trong căn phòng trọ chưa đây 10m2, chị sống thui thủi một mình. Ngày ngày, chị chạy xe ôm kiếm miếng cơm cho mình và cho cả những phận người cùng khổ như mình. Chị có chồng và 4 đứa con nhưng chuyện tình duyên đứt gánh giữa đường, gia đình chia lìa đôi ngả. Các con của chị cũng lênh đênh, bạc bẽo chẳng đứa nào giúp được gì cho mẹ.

Hiện giờ, chị phải lo cho đứa con trai 30 tuổi đang đều trị bệnh lao phổi tại bệnh viện, đứa cháu ngoại nay ốm mai đau lấy bệnh viện làm nhà. Hôm tôi đến, chị bảo ngồi ở quán cà phê gần đó chờ để chị chở khách đi bến xe Miền Đông xong lại lật đật chạy qua bệnh viện đưa đồ ăn cho cháu ngoại.

Tôi không tưởng tưởng ra được một người phụ nữ 55 tuổi lại có một sức khỏe dẻo dai và bền bỉ đến thế. Chị vạch ra cho tôi xem khắp chân tay, mình mẩy của chị là vô số những vết sẹo, vết trầy xước lớn bé, chồng lớp lên nhau sau nhưng tai nạn nghề nghiệp.

"Nghề chạy xe ôm này bạc bẽo lắm cô ơi, cuộc sống đưa đẩy nên mới phải làm thôi. Hồi trước tôi làm ôsin, chăm sóc người bệnh nhưng người ta đối xử tàn nhẫn quá. Tôi thấy tủi nhục nên không làm nữa. Mình là người chứ có phải con vật đâu mà họ đem ra chửi bới, coi khinh thậm tệ. Tôi chạy xe ôm dù có cực nhưng được cái tự do, thoải mái". Chị Hà vừa kể vừa rơm rớm nước mắt.

Bất kể ngày mưa, đêm mưa, chị vẫn lầm lũi ra ngõ chờ đón khách. Chị ngồi đó, lặng lẽ thâu đêm suốt sáng đôi khi chỉ là vài chục ngàn đồng đổi cho một giấc ngủ đêm. Tôi thấy trên mặt chị 2 vệt thâm quầng, bầm tím ngay dưới hố trũng của mắt. Chị không thể nhớ hết được có bao nhiêu lần chị bị va quẹt, té ngã. Thân gái dặm trường vậy mà có kẻ vẫn nhẫn tâm lừa gạt tiền bạc, công sức chị phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và máu mới có được.

Chị kể: "Cách đây khoảng một năm, lúc ấy khoảng 1h đêm, có một người thanh niên tới nói tôi chở xuống Củ Chi lấy xe. Tôi chạy suốt 5 - 6 tiếng đồng hồ đến nơi thì trời đã sáng. Lấy xe xong gã nói tôi chở lên lại thành phố. Đói khát, mệt mỏi vậy mà xuống xe hắn không trả cho tôi một xu nào lại con chỉ thẳng vào mặt tôi quát: "Mày mà nói tao cắt cổ". Hắn dúi tôi ngã xuống đường sau đó bỏ đi. Lần đấy tôi ngất xỉu, may mà người đi đường tới giúp. Sau này tôi mới biết gã thanh niên đó là một tên cướp đang bị truy nã".

Tôi ngồi bên chị, nghe chị kể có không ít lần chị quay mặt đi lau nước mắt. Tôi cố gắng hình dung ra một người phụ nữ chạy xe ôm trong đêm nguy hiểm khôn lường mà như chị nói thì chỉ có chạy vào ban đêm mới có khách còn ban ngày không cạnh tranh được với cánh xe ôm nam. Chị ngồi thu mình ở một góc đường trong khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ bên cạnh người thân, gia đình hoặc chí ít cũng có một góc nhỏ để ngả lưng chợp mắt. Nhưng đây, người phụ nữ ấy cả đời làm điều thiện, sẵn sàng nhường cơm, nhường nước cho kẻ cơ nhỡ, đói khổ hơn mình.

Đã bao lần chị té ngã, ngất xỉu rồi lại tự đứng lên trong đêm vắng. "Tôi ngồi co ro ở một góc đường, không đêm nào không rơi nước mắt, nghĩ chạnh lòng, tủi hận. Nhiều lúc đang chạy xe thấy chiếc xe tải chỉ muốn nhắm mắt lao vào cho xong một đời khổ nhưng nghĩ đến con tàn cháu tật đang quằn quại ở nhà lại bừng tỉnh. Mình sống cho con cháu thôi chứ bản thân tôi thấy sống mà khổ thế này thà chết cho xong chuyện". Chị lại khóc.

Mười mấy năm chạy xe ôm, hay lo chuyện bao đồng, giờ đây hơi thở sặp kiệt, sức khỏe sắp tàn chị vẫn thầm ước một điều thật giản dị: "Có một công việc cho tôi làm, người ta đối xử với tôi như tôi đã từng đối xử với những người khác thì tôi sẽ không chạy xe ôm nữa

Hoa Nguyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.