Gặp ông lão là đối thủ của thần chết và rắn độc

Gặp ông lão là đối thủ của thần chết và rắn độc

Thứ 5, 29/08/2013 13:06

Có duyên kỳ ngộ với phương thuộc độc nhất vô nhị, ông đã dùng cái duyên đặc biệt đó để cứu sống nhiều mạng người, mà chẳng màng danh lợi cho bản thân.

Duyên kỳ ngộ bài thuốc đặc trị "bách độc"

Chúng tôi tìm về nhà lương y Ba Láo khi ông vừa lấy độc cho một bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ông tên thật là Mai Láo (SN 1930, ngụ xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Căn nhà nhỏ đơn sơ của lão lương y năm nay đã ngoài 80 tuổi luôn tấp nập bệnh nhân đến chữa bệnh. Suốt chặng đường từ Đà Nẵng lên nhà của lão lương y gần 100km đến đâu khi hỏi đường về nhà ông Ba Láo chuyên "hút độc" bất kể già trẻ đều có thể tận tình chỉ dẫn chúng tôi.

Ông Ba Láo sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. 17 tuổi chàng thiếu niên đấy đã đi theo tiếng gọi của Đảng. Lần lượt đảm nhận các cương vị khác nhau ở địa phương, năm 1954 bất ngờ ông nhận được lệnh tập kết để lại vợ trẻ con thơ ở lại quê hương. Năm 1956, khi trở lại quê hương chiến đấu, ông được nhận nhiệm vụ lãnh đạo đội đặc công chiến đấu của huyện nhà. Từ những chiến công anh dũng của ông cùng các đồng đội của mình, ông được lãnh đạo quân khu V lúc bấy giờ tín nhiệm cử sang Lào. Nhiệm vụ là vừa đào tạo phát triển lực lượng đặc công cho các bạn Lào, vừa chiến đấu chống lại kẻ thù chung của cả hai dân tộc, lúc đó đang bước vào giai đoạn mới, quyết liệt hơn.

Xã hội - Gặp ông lão là đối thủ của thần chết và rắn độc

Lão lương y đầu tóc bạc phơ Ba Láo với bài thuốc trị "bách độc" nổi tiếng đã cứu sống được rất nhiều người.

Ông Nguyễn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Ông Mai Láo nguyên là Phó huyện đội trưởng, sau khi giải phóng, về phục viên, ông chuyển sang bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân và được bà con rất tín nhiệm vì biệt tài chữa độc và y đức của ông".

Năm 1960, khi dẫn quân sang nước bạn Lào nhận nhiệm vụ mới. Ông không khỏi day dứt khi trong các cuộc hành quân chiến đấu ông đã phải lau vội nước mắt, đưa lưỡi lê chặt đứt chân của một số đồng đội khi họ bị các loài rắn độc cắn. Hình ảnh nhiều đồng đội hy sinh vì sự khốc liệt của tự nhiên, vì nọc độc đã khiến ông trăn trở và luôn dặn dò cấp dưới của mình trong mỗi cuộc hành quân phải cẩn thận từng bước chân nhỏ, nhưng số đồng đội hy sinh vì lý do "lãng xẹt" chứ không phải vì bom đạn của kẻ thù vẫn không dừng lại. Ông quyết tâm phải tìm cho bằng được phương thuốc đặc trị nọc độc để cứu những đồng đội bị rắn cắn trên đường hành quân.

"Đối thủ" đáng gờm  của "tử thần"

Sau nhiều đêm mất ăn mất ngủ, trong một lần đi huấn luyện cho lính đặc công Lào cuối năm 1961, ông đã tìm được cái mà mình tìm kiếm bấy lâu. Một ngày phép cuối tuần, như mọi khi ông vẫn luôn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để vào trò chuyện với các già làng, vừa làm công tác vận động tư tưởng, vừa để học hỏi các bài thuốc chữa bệnh bằng các loại thảo dược có sẵn ở trong rừng. Quý mến bộ đội Việt Nam giỏi chiến đấu, ham học hỏi nên một già làng người Lào đã tặng cho ông bài thuốc chữa "bách độc" vô cùng hiệu nghiệm mà đơn giản. Sau một buổi thu nạp, ông đã thuộc nằm lòng bài thuốc, cách nhận biết các loại thảo dược.

Bài thuốc của các già làng người Lào chỉ từ các loại thảo dược đơn giản. Nhưng bằng sự kết hợp kỳ diệu những thứ thảo dược đơn giản đó có tác dụng vô cùng lớn. Bằng sự mày mò tự học từ các già làng, Ba Láo từ một anh đặc công đã trở thành một lương y có nghề, dù chưa một ngày được đi học ngành y. Suốt hơn mười năm chiến đấu trong các cánh rừng già bên nước Lào, ngoài nhiệm vụ chiến đấu với kẻ thù, ông luôn là người "giành giật" mạng sống cho đồng đội bị rắn cắn, bị nhiễm độc.

Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, ông trở về vui thú điền viên, dành toàn bộ thời gian để chăm sóc người vợ một mực thủy chung với ông, bù đắp quãng thời gian mà 6 đứa con không có cha bên cạnh. Rồi bằng biệt tài trị độc của ông, rất ít bà con quanh vùng bị rắn cắn đã được ông giành lại mạng sống từ tay "tử thần". Tiếng lành đồn xa, ngày càng có những nạn nhân bị rắn cắn, bị trúng độc ở xa tìm đến ông cầu cứu và đều được ông chữa khỏi.

Anh Mai Lánh, con trai ông Ba Láo, hiện đang làm Chủ tịch hội Chữ thập đỏ xã Duy Tân cho biết: "Suốt 40 năm ông già tôi hành nghề, đã cứu được mạng sống của không biết bao nhiêu người. Rất nhiều người coi ông là người cha, người tái sinh ra họ, hàng  năm họ vẫn đều đặn về thăm ông vào các dịp lễ tết". Anh Lánh cũng cho biết thêm: "Nhiều lần ông phải lặn lội sang Lào cả tháng trời để lấy các loại thảo dược được bào chế theo bí quyết riêng của người Lào, nhưng mỗi lần chữa bệnh, dù nặng hay nhẹ ông cũng không lấy hơn 50 nghìn đồng. Nhiều người tạ ơn ông cứu mạng bằng vàng nhưng ông đều khéo léo từ chối. Người nghèo đến, đều được ông chữa trị miễn phí lại còn mời ở lại ăn cơm rồi cho về. Vì ông cho rằng chữa bệnh là làm phúc cho đời, giữ lại đức cho con cháu".

Xã hội - Gặp ông lão là đối thủ của thần chết và rắn độc (Hình 2).

Đường vào nhà "vua độc".

Và những ca bệnh viện đã... lắc đầu

Chứng kiến cách chữa độc vô cùng huyền diệu của ông "vua độc", chúng tôi không khỏi bất ngờ. Ông dùng viên ngọc bích di chuyển quanh miệng vết thương trúng độc để theo dõi tình trạng nọc độc đang di chuyển trong cơ thể. Nếu như y học hiện đại phải ga rô để không cho nọc độc di chuyển lên tim thì ngược lại, theo phương pháp của lương y Ba Láo thì không cho phép bệnh nhân được ga rô. Ông dùng viên ngọc bích của mình cố định nọc độc lại, không cho chúng tiếp tục di chuyển trong người bệnh nhân. Sau đó tùy vào độc tính trong người bệnh nhân mạnh hay yếu mà ông kết hợp các loại thảo dược để "giải độc". Trường hợp nhẹ chỉ mất chưa đầy 15 phút, lương y Ba Láo đã chữa xong, nặng cũng "xuất viện" ngay trong ngày. Đặc biệt các bệnh nhân của ông đều không phải kiêng khem gì, ăn uống thoải mái như những người khỏe mạnh khác.

Suốt 40 năm "chiến đấu", giành lại mạng sống của bệnh nhân từ "tử thần", ông Ba Láo cho biết, bệnh nhân khiến ông đau đầu nhất là trường hợp của một ngư dân ở Sơn Trà (Đà Nẵng) trong một lần đi lặn bị rắn biển cắn. Dù đã kịp thời đi cấp cứu, nhưng trước độc tính quá mạnh của loài rắn biển, các bác sĩ của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, rồi bệnh viện Quân y 117 sau 7 ngày điều trị đành bó tay. Các bác sỹ đã nói với người nhà bệnh nhân nên nhờ đến biệt tài của "vua độc" Ba Láo. Bố của bệnh nhân đã thuê xe ô tô lên tận nhà "vua độc" mời ông "xuống núi". Lương y Ba Láo chỉ kịp khoác lên người chiếc áo sơ mi sờn vai lên xe xuống Đà Nẵng. Vào phòng bệnh nhân, ông mau chóng đưa "y cụ" của mình ra trong ánh mắt nghi ngờ của các bác sỹ, khi nó vô cùng sơ sài. Thế nhưng chưa đầy 30 phút sau, khi được thăm khám và uống thuốc của ông, mạch đập của bệnh nhân trở nên ổn định, hai ngày sau xuất viện. Ông bảo lần đó chỉ cần xuống chậm nửa ngày nữa thì tính mạng của bệnh nhân khó lòng giữ được. Lần đấy dù lặn lội đường sá xa xôi nhưng ông cũng chỉ lấy... 75 ngàn đồng tiền công, chưa đủ tiền xe từ Đà Nẵng về nhà.

Sau lần "xuống núi" đó, tiếng tăm của ông càng "nổi như cồn". Chưa đầy hai tháng sau, các bác sỹ chống độc của bệnh viện Từ Dũ, cũng phải “vời” đến tài năng của "vua độc", khi chuyển hai bệnh nhân bị khỉ cắn ra nhà của ông trong tình trạng nửa người bị thâm tím. Dù chưa một lần gặp ca bệnh lạ này, nhưng ông quyết một phen ăn thua với "thần chết". Sau khi cầm chân được nọc độc trong bệnh nhân, ông điều chế công thức ra bài thuốc riêng dành cho nọc độc của loài khỉ.

Sau lần ấy, không chịu hài lòng với bản thân, ông tiếp tục hoàn thiện bài thuốc của mình, đồng thời nghiên cứu để có thể chữa cho những bệnh nhân bị chó dại cắn. Ở tuổi gần đất xa trời, niềm trăn trở của ông "vua độc" là tìm cho được một người có đủ tài đức để ông có thể truyền nghề lại.                            

Nguyễn Cường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.