Tác giả của clip khiến cư dân mạng ‘điên đảo’ này là hai chàng trai thuộc thế hệ 8x Lê Xuân Khoa và Nguyễn Tiến Dũng. Được biết, Khoa và Dũng quen nhau khi cùng tham gia một dự án và đã nảy ra ý tưởng làm chung một clip. Hai chàng trai gọi đó là “một tác phẩm cho niềm vui và tình bạn, một món quà tặng nhau” nhân dịp xuân Quý Tỵ.
> Clip kể chuyện 'Tiếng Việt bằng tranh vẽ và âm nhạc
Hầu hết các công đoạn tạo ra tác phẩm đều được thực hiện chỉ bởi hai người, nhưng clip “Tiếng Việt” được đánh giá là công phu trong cách thể hiện, giàu giá trị nhân văn và thẩm mỹ trong việc tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Lê Xuân Khoa sinh năm 1983, đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông và phát triển cộng đồng. Vào những năm 2006 đến 2008, thời kỳ mạng xã hội bắt đầu phát triển ở Việt Nam với sự nở rộ của Yahoo 360, Khoa là chủ nhân của blog Demento, được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ.
Còn anh chàng Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1988 lại gây ấn tượng với vẻ ngoài bụi bặm, mái tóc húi của và sở thích võ thuật. Dũng được biết với nick name Jeet Zdung, là một họa sĩ tự do. Dũng rất tâm huyết với việc phát triển truyện tranh Việt và đang ấp ủ dự định xuất bản một tác phẩm truyện tranh theo thể loại phiêu lưu giả tưởng.
Anh từng đoạt giải nhì trong cuộc thi vẽ truyện tranh “Nét rồng thiêng” 2010. Cùng năm đó, Dũng vẽ cuốn minh họa màu Ba Phi cho nhà xuất bản Kim Đồng. Anh có 2 tác phẩm tham gia Festival Truyện tranh lần thứ 3 tại Việt Nam do phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức năm 2012.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm và người trinhg bày kiêm viết kịch bản Lê Xuân Khoa
Sau khi được Khoa gửi cho nghe bài hát “Tiếng Việt”, trong đầu Dũng lập tức nảy ra hàng loạt ý tưởng và họ quyết định sắp xếp lại thời gian để cùng thực hiện “dự án chơi bời”.
“Tiếng Việt” là một bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm sáng tác từ 1996, phỏng theo lời thơ của cố thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ. Đây là một bài hát mang âm hưởng dân gian, từng được thể hiện thành công bởi nghệ sĩ đàn nhị Ngô Hồng Quang.
Song song với phần nhạc, họ bắt đầu tính toán cho phần hình. Mong muốn của Khoa là tạo ra một câu chuyện vừa hấp dẫn, đề cao tiếng Việt cũng như tự hào dân tộc mà vẫn bám sát ca từ từng đoạn của bài hát.
Kịch bản đầu tiên Khoa viết nói về một chàng trai lưu lạc được gia đình làng chài cứu về chăm sóc. Chàng trai không rõ gốc tích, không nói được mà chỉ biết ú ớ như một người ngớ ngẩn. Cô con gái nhà đó là người thường dạy chữ cho lũ trẻ xóm giềng. Chàng trai ngoài việc được tham gia những hoạt động với dân làng, cũng theo bọn trẻ học chữ, một thời gian bắt đầu bập bẹ được đôi ba tiếng. Đó là những tiếng nói thiêng liêng nhất với mỗi con người: “Bố”, “Mẹ”, “Quê hương”.
Dũng cho biết, vì thời gian gấp gáp, anh chưa thể thực hiện bộ tranh cho clip “Tiếng Việt” chi tiết 100% như ý muốn. “Có những cảnh đã mất rất nhiều công sức để vẽ như bức miêu tả phiên chợ đông vui nhộn nhịp, sau khi hoàn thành dung lượng lại lớn quá nên lúc lưu bị treo máy, thế là thôi phải quay mặt đi chờ máy khởi động lại rồi vẽ lại từ đầu. Mà vẽ lần 2 thì không bằng lần 1 nữa rồi”, Dũng nói.
Sau khi đưa lên Youtube, clip “Tiếng Việt” (Chuyện kể bằng âm nhạc và tranh vẽ) đã được lan truyền và chia sẻ trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội với tốc độc chóng mặt. Ngay cả Dũng và Khoa cũng rất bất ngờ về điều này. Clip có những bình luận đáng để giới trẻ suy nghĩ: “Dân tộc ta bao phen sống gió bão bùng.” “Tự nhiên thấy tự hào mãnh liệt vì mình là người Việt.” “Tiếng Việt mình đẹp thế, trong sáng thế mà sao các bạn thanh thiếu niên bây giờ cứ thích nói kiểu ngôn ngữ lai tăng, khó hiểu”…
Không chỉ là món quà dành tặng cho nhau như dự kiến ban đầu, clip ‘Tiếng Việt’ đã trở thành món quà cho cả cộng đồng mạng, cho những người trân trọng tiếng Việt, yêu quê hương, luôn muốn hướng về cội nguồn.
Văn Hải