Với tôi, chùa là... cơ quan
Ấn tượng với tôi về anh là thông qua câu chuyện với một người thầy khi thấy một bức thư pháp lạ được treo trong phòng làm việc của thầy. Tôi vẫn nghĩ âu cũng là cái duyên khi có cuộc hội ngộ với anh trong căn phòng nhỏ nơi cửa thiền thanh tịnh. Anh đầu húi cua, mặc quần nâu sồng, nhuộm răng đen trông phảng phất phong vị của một người cũ. Nhưng Lê Quốc Việt là một nghệ sĩ của thời này, cũng lận đận nghiệp cơm áo, cũng gian khổ chuyện thi cử như ai.
Anh kể về mối lương duyên ban đầu với thư pháp: "Tôi tốt nghiệp khoa Đồ họa trường đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996, ban đầu cũng đi làm, rồi thi trượt biên chế. Sau chán tôi lại nhảy ra làm ngoài cho thỏa chí. Sau cùng thì nghề chính lại không nuôi nổi mình mà tôi lại sống được nhờ nghề tay trái".
Lê Quốc Việt trong một triển lãm tại Mỹ
Trong giới thi pháp, anh có biệt danh là Việt Tàu bởi một lần bị công an mời về trụ sở vì nghi can là gián điệp Trung Quốc. Khi khám xét người cảnh sát thấy anh có một cuốn sổ ghi chép toàn là chữ Hán, tịnh không thấy có chữ quốc ngữ nào.
Có lẽ tên Việt Tàu bắt nguồn từ sự kiện ấy. Nhưng quả anh học Hán văn từ nhỏ, lại thạo món bút lông, nên cũng theo gương cổ nhân mà ghi nhật kí hoặc những thứ linh tinh khác bằng Hán tự.
Chính Lê Quốc Việt tự nhận mình là người từ nhỏ đã được học trong cái nôi văn hóa hàn xá, tư viện thông qua nền giáo dục nhà chùa và được các sư dạy khá cẩn thận. Anh được làm quen và học chữ Hán, điều mà anh cho rằng là nền tảng đưa anh đến với nghệ thuật thư pháp sau này. Từ những niềm yêu thích một cách hồn nhiên, trong anh dần hình thành sự đam mê thư pháp như một thứ tàn dư của thời cuộc.
Anh nói: "Năm 1991 với tôi là một năm bản lề. Đó là năm mà những niềm đam mê hồn nhiên từ nhỏ được hiện thực hóa với hệ thống đào tạo bài bản khi tôi vào trường Mỹ thuật. Thế rồi tôi được gặp tiên sinh Phan Cẩm Thượng vốn là người rất yêu thích thư pháp. Tiên sinh là người đã truyền cảm hứng cho tôi trên còn đường đến với môn nghệ thuật này".
Với anh, chùa và văn hóa Phật giáo có ảnh hưởng đặc biệt đến cảm quan nghệ thuật và sáng tác của anh. Anh tâm sự: "Cũng như nhiều người đi làm tôi coi chùa như là cơ quan của tôi. Sáng đến làm, chiều về với gia đình, làm việc thì hoặc theo giờ hành chính, hoặc theo sở thích. Cũng may tôi được nhà chùa quý mến nên chuyện ăn ở không phải lo nhiều. Nhất là ở đây tôi có không gian để sống, suy nghĩ và trải nghiệm.
Tất nhiên nếu dịp nào bận bịu tôi ở hẳn chùa để tiện cho công việc". Là người trăn trở với những giá trị dân tộc đang mất dần, anh đến với thư pháp như một hành động giữ gìn đơn lẻ.
"Văn hóa chữ Hán gần như không còn tồn tại và xa lạ trong xã hội hiện nay. Nó bị khuất lấp bởi quá nhiều sự xô bồ của cuộc sống đô thị. Có lẽ chùa là nơi bảo lưu tốt nhất những giá trị đó một cách nguyên sơ. Bản thân tôi vốn được sống trong không gian chùa chiền nên chữ Hán tôi được tiếp xúc từ nhỏ. Ban đầu thấy chữ Hán đẹp, hình lại hay hay, rồi xúc cảm cứ thế phát triển dần thành niềm yêu thích".
Nói chuyện với anh, tôi không thấy anh giống một ông đồ, mà anh cũng không tự nhận là như thế. Anh hiện đại và chuyên nghiệp trong nghệ thuật. Anh cho biết: "Hầu như những người viết thư pháp như tôi chỉ làm vì đam mê bởi loại hình này rất kén đối tượng. Đối với đền chùa thì mình làm lấy phúc, nhưng đối những đại gia lắm tiền nhiều của, thích chơi sang bằng bộ hoành phi câu đối trong nhà thì mình phải lấy giá thật cao. Có người làm một bộ hoành phi hết 22 triệu đồng, tôi lấy tiền viết chữ cũng tương đương ngần ấy. Không làm thì mình cũng đâu có cầu". Anh cũng chẳng giấu giếm nguồn thu nhập chủ yếu của mình là từ bán tranh và bán chữ.
Một tác phẩm của Lê Quốc Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Người đem thư pháp Việt ra thế giới
Lê Quốc Việt có triển lãm thư pháp từ rất sớm. Ngay từ những năm 1999 anh đã có triển lãm cá nhân đầu tiên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Anh cho biết ban đầu học thư pháp cũng chỉ để thỏa chí đam mê chứ không nghĩ đến chuyện xa xôi. Sau thấy người ta mở triển lãm vui vui, anh cũng vác tranh đi triển lãm. May sao giám đốc Văn Miếu khi đó là ông Nguyễn Quang Ngọc lại ủng hộ và giúp đỡ anh. Năm 2000 anh bắt đầu thành lập nhóm CLB thư pháp, tập hợp những anh em yêu nghề để trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Cũng từ năm đó, phong trào sính chữ Hán trở lại và các trào lưu thư pháp bắt đầu nở rộ. Âu cũng là trời giúp để cho trào lưu này không đến nỗi đìu hiu, vắng vẻ. Bằng chứng là anh vẫn mở được triển lãm như thường. Tính đến thời điểm hiện tại Lê Quốc Việt đã có 5 triển lãm cá nhân và 7 triển lãm nhóm. Điều đặc biệt là một nửa những triển lãm này được tổ chức ở nước ngoài như Mỹ, Italia, Canada, Phần Lan... và tác phẩm của anh đều được đón nhận khá nồng nhiệt.
Anh cho biết: "Từ năm 2008, thư pháp bắt đầu phát triển đến một mức mới và cần có cái nhìn chuyên sâu hơn nữa. Thư pháp không đơn thuần chỉ là những bức chữ để cắt nghĩa, giải thích mà chúng tôi bắt đầu đưa vào đó yếu tố trừu tượng. Cho nên công chúng thưởng thức hẹp hơn rất nhiều". Và khi phát triển đến mức đó, ta thấy tranh chữ của anh trở về sâu hơn với Phật giáo như một mối căn duyên từ trước. Anh vẫn nói không gian chùa chiền là hai không gian đóng - mở và có lẽ tranh của anh cũng thấp thoáng những miền không gian như thế.
Và có lẽ đúng như tâm sự của anh thực. Anh là người được hưởng lộc trời, nhưng thiết nghĩ có lộc trời nào tự nhiên đến với con người như vậy? Cái lẽ ăn ở công bằng của ông giời có lẽ đúng. Anh sống hết mình cho đam mê dưới sự dẫn dắt mang một niềm tin tôn giáo. Nghệ thuật có khả năng đó và tất nhiên, nếu mình không phụ nghề thì nghề đâu đẩy người ta vào cùng cực.
Anh tâm sự: "Những người làm thư pháp như tôi đều có niềm đam mê thường trực. Chúng tôi viết thư pháp nhưng mỗi người một nghề chứ không ai sống bằng nghề viết thư pháp cả. Tuy nhiên mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình. Tôi cho rằng đó là lộc trời cho".
Phạm Thiệu