Về nhân duyên đến với hát xẩm, Thu Sợi luôn nghĩ rằng nguyên nhân lớn nhất chính là từ người mẹ của mình. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, để lại 7 anh chị em mà Thu Sợi là con út. Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, cùng nỗi nhớ mẹ da diết đã đưa em đến với hát xẩm.
Mỗi khi nhớ mẹ, em thường hát điệu "Thập ân phụ mẫu", thấm nhuần từng câu chữ ý nghĩa, giai điệu mượt mà của bài hát. Cũng từ đó, Thu Sợi bén duyên với hát xẩm lúc nào không hay.
Mê hát đến... quên đám cháy nhà
Cách nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu khoảng 2 cây số, hàng ngày Thu Sợi vẫn thường sang chơi nhà cụ để vừa học, vừa chơi. Em cho biết, dù cụ tuổi đã cao, trí nhớ đã lẫn lộn trong lời nói nhưng cụ hát thì chưa bao giờ lẫn. Những giai điệu cụ hát, những câu chuyện cụ kể luôn thấm sâu trong em, để thương cho một kiếp người hồng nhan bạc mệnh, để nuối tiếc một thời vàng son của nghệ thuật hát xẩm.
Thu Sợi chia sẻ: "Em mê xẩm như điếu đổ, càng hát càng say". Thuở nhỏ cùng bạn chăn trâu nhưng vì mê nghe hát nên cứ thả mặc cho trâu tự đi kiếm cỏ, còn mình thì đi tới đám hát. Tới tối mịt khi đám hát cũng tan mới vội vã đi tìm trâu nhưng trâu đã đi lạc cánh đồng nhà người.
Ngày ấy mẹ còn sống, Sợi về nhà bị mẹ cho một trận đòn roi nhưng tới bữa khi mẹ nấu cơm trong bếp sai em lấy cái đũa, em dạ vâng rồi tay cầm đũa vừa đi vừa múa đũa loạn xạ theo điệu nhạc ngân nga trong đầu xem hát hồi chiều.
Mê xẩm đến độ "đánh chết không chừa" như lời mẹ cô vẫn mắng, sau khi lên chùa thấy cô đồng mặc quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn, những người xung quanh múa quạt hưởng ứng theo lời hát khi về nhà em thực hành ngay.
Ở nhà một mình, em lấy tiền dành dụm cả năm mua hết nến thắp xung quanh gian bếp để... giả làm sân khấu. Thu Sợi "nhập đồng" đến độ lửa bén vào rơm và bùng cháy cả gian bếp lợp từ lúc nào không hay. Với em, mỗi điệu hát đều lấp lánh như giấc mơ mục đồng cuốn hút, như miền cổ tích thân thương thẫm đẫm tuổi thơ.
Mơ ước phục dựng ca cổ thời @
Bằng niềm đam mê và nỗ lực của mình, hai năm liền 2004 - 2005 Thu Sợi đạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Giọng hát chèo hay" được tổ chức vào những dịp cố đô Hoa Lư tổ chức ngày hội. Sợi được cử đi học tập và biểu diễn ở nhà hát chèo Ninh Bình theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh.
13 tuổi, em đã một mình lên thành phố, tự lập cuộc sống. Muốn trở thành một tài năng chứ không phải một tài tử, Thu Sợi đã không ỷ lại vào năng khiếu và bằng lòng với những gì đã đạt được. Trong lớp, em là học sinh giỏi văn, ở đoàn chèo em thạo đàn nhị, đàn bầu, đàn trống, tham gia nhiều vai diễn.
Tuy đã được ăn lương Nhà nước, thế nhưng trong mắt nhiều người việc Sợi chọn hát xẩm vẫn là sự lựa chọn "khá can đảm". Những ngày đầu tiên tập hát xẩm, trong làng cũng có nhiều bạn bè tập hát cùng Thu Sợi nhưng bây giờ đứa đi học, đứa đi làm, đứa "theo chồng bỏ cuộc chơi".
Khi biết Thu Sợi theo xẩm, không ít người khuyên em nên đi theo một con đường khác để "thành danh và giàu có". Người trong làng vẫn bảo nhau: "Hát xẩm chết rồi, cứ nhìn cụ Hà Thị Cầu kia kìa, được phong danh hiệu này nọ nhưng cụ vẫn nghèo. Thời đại giờ còn mấy ai hát và nghe xẩm nữa, con gái trong làng lớn thì đi hết, mùa lễ hội thường niên bây giờ cũng tổ chức theo quý". Nhưng thật may mắn, vì Thu Sợi luôn có gia đình bên cạnh, luôn động viên và ủng hộ em.
Dù việc học tập và biểu diễn luôn khiến sợi "tối mặt tối mũi" cả ngày, thế nhưng cứ thỉnh thoảng Sợi lại dành thời gian về với Sư mẫu của mình. Lần nào về cụ cũng cầm lấy tay đứa cháu, cô học trò nhỏ rồi ân cần hỏi han về việc ăn ở, tập luyện, đi diễn. Nghe em kể những kỷ niệm đi diễn xa các vùng Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An... mắt cụ sáng lên, miệng bỏm bẻm nhai trầu, nhìn cụ tươi lắm.
Thu Sợi luôn ấp ủ những kế hoạch cho riêng mình để tìm lại ký ức nơi làng quê đã từng là cái nôi nghệ thuật. Sợi không muốn hát xẩm là "vật cổ" chỉ đôi lần sống lại trên sân khấu, em mong muốn mở rộng những lớp học xẩm truyền miệng trong làng để kịp thời phát hiện ra những năng khiếu.
Cùng đó cũng vận động mọi người lên kế hoạch lập một trang web hát xẩm, ra album hát xẩm để đưa hát xẩm tới gần người nghe chứ không phải xẩm chỉ đôi khi sống lại trên sân khấu. Lựa chọn con đường theo đuổi nghệ thuật đã là một sự can đảm của cô bé 18 tuổi, nhưng quyết tâm sống với nghề càng khiến người ta cảm phục ca nương này.
Văn Khoa - Quyên Quyên