Gặp "vua" dịch giả biết hàng chục ngoại ngữ

Gặp "vua" dịch giả biết hàng chục ngoại ngữ

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Chưa từng học qua một trường đào tạo ngoại ngữ nào nhưng GS. Phan Ngọc có thể dịch, nói lưu loát 5 thứ tiếng và biết nhiều thứ tiếng khác. Không những vậy, ông còn có thể dịch những tác phẩm kinh điển của thế giới hoàn toàn bằng việc tự học ngoại ngữ.

Tự học ngoại ngữ vì muốn hiểu về nơi xa lạ

Tôi nhớ, những ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, các thầy cô tại Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một vị giáo sư- người có thể dịch những tác phẩm kinh điển của thế giới như "Chiến tranh và Hòa Bình", "Triết học Hegel", "Thần thoại Hy Lạp" hoàn toàn bằng khả năng tự tìm hiểu, tự học tiếng Nga, Đức và Hy Lạp. Ông dịch các tác phẩm này từ chính tác phẩm gốc. Kể từ lúc đó, trong thâm tâm tôi luôn hy vọng, một ngày nào đó sẽ có cơ duyên gặp vị giáo sư đặc biệt này.

Xã hội - Gặp 'vua' dịch giả biết hàng chục ngoại ngữ

"Thư ký" riêng, người vợ đã luôn ở bên ông trong mọi khó khăn.

Khi bước vào nghề, được tiếp xúc với nhiều học giả, Giáo sư... tôi càng được nghe nhiều hơn những câu chuyện về ông. Tuy nhiên, theo một vị Giáo sư ngành văn hóa thì hầu hết mọi người biết đến các công trình nghiên cứu của GS. Phan Ngọc như "Hình thái học của nghệ thuật (M.Kagan), "Bản sắc văn hóa Việt Nam"... và những cuốn sách đều đặn được xuất bản của ông, nhưng lại không dễ để có số điện thoại liên lạc.

Rất may, trong một dịp đến thăm nhà văn Sơn Tùng tôi lại được biết, GS.Phan Ngọc khá thân thiết với nhà văn. Qua sự giới thiệu trước của vợ nhà văn Sơn Tùng, tôi cũng được gặp vị Giáo sư đặc biệt này. Căn phòng của gia đình ông nằm trên tầng 6 của một khu chung cư tại Mỹ Đình. Khác hẳn với lo ngại và "khuyến cáo" của mọi người, tôi lại thấy cả hai vợ chồng Giáo sư đều rất gần gũi.

GS.Phan Ngọc vừa qua sinh nhật tuổi 88, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng mỗi ngày ông vẫn làm việc, vẫn dành thời gian viết tiếp cuốn sách "Từ láy trong tiếng Việt". Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, vợ GS.Phan Ngọc tự nhận mình là "thư ký riêng" của ông chia sẻ, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nghiên cứu, đau đáu với ngôn ngữ tiếng Việt.

Ông sinh ra từ vùng đất có truyền thống hiếu học (xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), cha ông là cụ Phan Võ, đậu Phó bảng năm 1910, từng làm quan lớn của triều đình Huế, khi về hưu được thăng hàm Thượng thư Bộ Lễ. Từ nhỏ, "nếp nhà" đã ăn sâu vào suy nghĩ của ông, học bằng sự đam mê chứ không chỉ vì của cải vật chất.

Chia sẻ với PV, GS. Phan Ngọc cho biết: "Với nhiều người, họ học ngoại ngữ có thể vì sinh kế nhưng với tôi, tôi học ngoại ngữ vì tôi muốn biết, muốn hiểu về những vùng đất xa lạ. Muốn hiểu và biết về những nơi mà mình yêu thích không có cách nào khác là biết được ngôn ngữ của vùng đất đó". Dù theo chia sẻ của ông, lúc biết các ngoại ngữ này, ông cũng chưa hề được đến các nước đó mà chủ yếu hiểu về văn hóa, kiến thức về các nơi xa lạ này qua các cuốn sách .

Ở Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký (một ký giả, dịch giả lớn đầu thế kỷ 20) thì GS. Phan Ngọc là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Ông thông thạo 5 ngoại ngữ là: La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia, ngoài ra còn biết tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và cả tiếng Thái Lan, Campuchia... Năm 1976, để chuẩn bị khẩn trương cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, GS. Phan Ngọc dám nhận trước Trung ương dịch cuốn "Triết học Hegel" từ nguyên bản tiếng Đức, hoàn thành vượt thời hạn 3 tháng. Đây vẫn là "kỳ tích" được nhiều người đương thời ngưỡng mộ.

Ông dịch cuốn này trong khoảng hơn 1 năm dù trước đó ông chưa hề biết tiếng Đức. Ông còn dịch "Thần thoại Hy Lạp" từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; "Spartacus" từ nguyên bản tiếng Ý; "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; "Sử ký Tư Mã Thiên" từ nguyên bản tiếng Hán...

GS.Phan Ngọc cho biết: "Trong rất nhiều ngôn ngữ, người học nên chọn vài ngoại ngữ có tính phổ biến trên thế giới (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh) để có thể giao tiếp rộng rãi. Những ngôn ngữ này phải được học một cách chu đáo trước khi chuyển sang học các ngôn ngữ khác".

Nắm lấy những điều bất biến

Sự học ngoại ngữ của GS. Phan Ngọc bắt đầu từ cha và ở ngôi trường Thiên Hữu của cố đạo (Huế) lúc nhỏ. Từ khi 5 tuổi, ông đã bắt đầu học tiếng Hán bằng sự chỉ dạy của chính người cha, một nhà nho xứ Nghệ. Mỗi ngày trước khi muốn được đi chơi, ông phải hoàn thành các bài viết chữ Hán mà cha dạy. Đến khi đi học, ngôi trường Thiên Hữu đã trang bị cho ông vốn kha khá tiếng Hy Lạp và La tinh.

Chữ Hán, tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh ông thông thạo từ ngày còn rất trẻ. Không chỉ là dịch giả uy tín, ông còn là một trong những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên (1956-1957) của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Khoa Ngôn ngữ học ngày nay).

Nếp làm việc 16h/ngày được hình thành từ hồi đi học, đến nay, ngoài 80, ông vẫn giữ "phong độ" như vậy. Từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn viết sách, rồi dịch sách đều đặn. Với ông, mọi sự có thể đổi thay, mọi sự "vạn biến" nhưng có một thứ "bất biến" vẫn là tấm lòng nhất mực yêu nước. Chính niềm tin tuyệt đối vào sự "bất biến" đó đã giúp ông quyết tâm vượt qua những sóng gió cuộc đời, vượt qua thử thách để "mình vẫn là mình" mặc vạn sự đổi thay, luân chuyển.

Có lẽ, chính sự tin tưởng vào cái "bất biến" của tình yêu nước, lý tưởng bảo vệ tổ quốc nên dù đã đi nhiều nước và nhận được lời mời của nhiều nơi ông vẫn quay về sống và làm việc ở quê nhà. Ông đã từng giảng dạy ở nhiều nước New Zealand, Hong Kong, Pháp, Thái Lan, Singapore... Ông cũng đã từng được một trường đại học Hong Kong mời đến nói chuyện về Khổng Tử. Không ít trong số người đến nghe thuyết trình là những nhà nghiên cứu về Khổng Tử.

Những chuyến đi đó mang lại cho ông nhiều người bạn từ những vùng đất xa xôi. Nhiều người đọc những cuốn sách dịch của ông đều không hiểu, tại sao ông lại có thể am hiểu về nơi đó đến thế dù ông chưa từng đến đó?. GS. Phan Ngọc bộc bạch: "Tôi luôn cố gắng viết vì tôi ham chữ nghĩa. Nó như một chất gây nghiện, với tôi chỉ đơn giản vậy thôi".

Chia sẻ về người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của mình, GS.Phan Ngọc luôn ngưỡng mộ GS. Đào Duy Anh. Ông đã được gặp và là học trò cưng của GS. Đào Duy Anh từ những ngày còn học ở Huế trước năm 1945. "Cụ Đào Duy Anh có vốn kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Những lời bình của cụ về câu "Cuộc đời không quan trọng, quan trọng là ở sự nghiệp để lại cho đời" vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí tôi", GS. Phan Ngọc kể lại.

Dù đã từ lâu ông và bà không còn công tác trong ngành giáo dục (vợ ông là một nhà giáo) nhưng hai ông bà không khỏi lo lắng cho sự học của trẻ em bây giờ. "Bọn trẻ đi học nhiều sách vở quá, học nhiều môn quá. Học trên lớp, học thêm ngoài giờ...chúng không còn thời gian để được là trẻ con. Trong khi đó với các trường quốc tế, trẻ có sự kết hợp vừa học vừa chơi. Chúng vẫn học tốt và có tư duy sáng tạo rất tốt.

Quan trọng là cha mẹ phải chính là những người thầy đầu tiên cho trẻ và khơi dậy niềm đam mê tự học, tìm hiểu cái mới của chính con mình. Thầy cô hãy hướng dẫn và chỉ cho chúng phương pháp đúng", vợ GS. Phan Ngọc chia sẻ.

Đỗ Thơm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.