Tự hào vì cha mình
Cha mất khi cô bé Nguyễn Thanh Hà mới 7 tuổi. Nhưng giờ đây, khi đã ngoại lục tuần, người phụ nữ ấy vẫn vẹn nguyên tình yêu, niềm tự hào về cha mình. Trong cuộc đời như huyền thoại của tướng Nguyễn Sơn, chị Thanh Hà không giấu được tự hào khi nói rằng chị là đứa con may mắn trong 8 người con của tướng Nguyễn Sơn, được sống cùng cha nhiều nhất. Nghĩ về người cha, giờ đây chị luôn thấy tự hào và nuối tiếc.
Tôi tìm gặp chị trong một buổi chiều đông Hà Nội, nghe chị kể những câu chuyện thật tự nhiên, đầy nhiệt thành về người cha kính yêu, mới thấy rõ người phụ nữ giàu nội lực này. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị rất tự hào vì cha mình là một vị tướng có công với nước và được nhiều người yêu kính. Nhưng chị cũng tiếc lắm vì khi chị còn trẻ, còn nhiều cơ hội kiếm tìm thông tin về cha thì chị chưa biết quý hóa mỗi cơ hội ấy. Chị bảo: Mấy chục năm trước, bao nhiêu nhân chứng sống đang còn khỏe mạnh thì mình lại bận công tác, không tìm hiểu, khai thác. Đến khi tìm thông tin về cha thì các chú đã già rồi, nhiều chú đã qua đời. Đến nay có ai còn, thì cũng yếu lắm vì ngoài 90 tuổi cả rồi.
Tướng Nguyễn Sơn.
Chị tâm sự: "Không hiểu sao bố tôi sống cùng mọi người chỉ khoảng 1 - 2 năm thôi nhưng tới 50 - 60 năm sau, người ta vẫn nhắc về ông. Vẫn yêu ông cụ lắm. Khi tôi mang cuốn sách tập hợp những bài viết về bố đến tặng. Có chú trên 90 tuổi, mắt đỏ hoe, cầm cuốn sách lên hôn”.
Hai mươi năm nay, theo dấu chân của cha mình, chị Hà và những người thân trong gia đình đã tìm về những nơi mà tướng Nguyễn Sơn đã sống hoạt động và công tác những năm nào. Trong quá trình miệt mài kiếm tìm những tư liệu về người cha kính yêu, chị Hà đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Họ là đồng đội của cha chị, cũng có khi là những người dân mà tướng Nguyễn Sơn từng gặp. Mắt chị sáng lấp lánh khi chia sẻ về những thông tin mới nhất. Chị bảo: "Vừa hồi tháng 10 đây thôi. Tôi được biết thông tin về một người ở Thanh Hóa đã biếu cha tôi hai con ngựa trong những năm 1947 - 1948 để bố tôi cưỡi đi công tác. Vì như nhiều người đã biết, bố tôi rất quý ngựa và cưỡi ngựa giỏi. Lần đầu tiên tôi được nghe nói rõ về con ngựa ô được biếu trước, nó có thể phi nhanh. Sau khi con ngựa này bị chết, người có tấm lòng vì cách mạng và rất kính trọng bố tôi, lại tặng ông một con ngựa bạch".
"Con ngựa bạch tuy không phi nhanh được nhưng dai sức. Bố tôi cho chị Giáng Hương (cố chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam) mượn đi công tác, không may đi qua cầu tre, ngựa bị thụt chân xuống khe cầu nên bị thương. Bố tôi đã thương con ngựa đó lắm. Sau, bố tôi lại được tặng một chiếc xe đạp để tiếp tục hành trình công việc", chị Hà kể.
Tâm sự về niềm vui của bố mẹ khi sinh ra chị trên cõi đời này, chị bảo đó là lúc bố mẹ chị đang rất hạnh phúc, bố chị đã làm một bài thơ: "Bé bé Hà xinh xinh/ Đúc lại khối chung tình/Hình bé hồn hạnh phúc/Tình bé vòm trời xanh". Chị nói, bài này bố tôi đã đọc nhiều lần cho các chú bộ đội ở cùng tại Liên khu bộ (Liên khu 4) nghe. Mới đây, chị gặp lại cậu Vinh (sinh năm 1971) là cháu đích tôn của người biếu ngựa hơn nửa thế kỷ trước, cậu ta còn đọc lại bài thơ và bảo: "Bố cháu đã đọc cho cháu nghe nhiều lần bài thơ của bố cô viết mừng cô chào đời, nên cháu thuộc!".
Bác Hồ cùng gia đình ông Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh và Nguyễn Sơn.
Những kỷ niệm xa quê
Đọc những dòng tâm sự của chị Hà chúng tôi như cuốn vào những tháng năm gia đình chị theo cha sống nơi đất khách. Những kỷ niệm ấu thơ đã được chị tái hiện rất sống động: "Năm 1950, vào cuối năm tôi cùng mẹ và em Cương sang Trung Quốc với bố Sơn. Năm 1953, tại Nam Kinh mẹ tôi sinh em Nguyễn Việt Hồng".
Năm 1954 bố tôi học xong khóa I của học viện Quân sự Nam Kinh và về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ mới. Đầu năm 1955, gia đình tôi có thêm cô em út Việt Hằng ra đời ở Bắc Kinh. Khi ấy, mới 6 tuổi, tôi đã là chị gái của ba đứa em. "Mặc dù sống ở Trung Quốc nhưng bố mẹ luôn dạy chị em tôi nói tiếng Việt, trong nhà chỉ được nói tiếng Việt vì bố sợ chị em tôi quên tiếng Việt Nam. Bố mẹ thường xuyên đưa tôi và em Cương đến sứ quán Việt Nam, đến các trường đại học có các anh Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Huyền Giao con bác Phan, anh Phan Diễn con bác Lê Thị Xuyến... để nói tiếng Việt", chị Hà nhớ lại. Với tướng Nguyễn Sơn, tiếng Việt là máu thịt, "Truyện Kiều và sân khấu truyền thống như Chèo là tài sản vô giá. Ông sẵn sàng bảo vệ và tuyên truyền về những vốn quý đó ở mọi nơi", chị tự hào kể về người cha thân yêu.
Chị Nguyễn Thanh Hà cho biết: "Những năm sau này, việc khiến tôi say mê là sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về cuộc đời của cha mình. Nhưng để làm được việc này tôi đã được rất nhiều người giúp rất vô tư, chân thành và hết sức mình. Tôi biết ơn vô cùng những người đã giúp tôi trọn nghĩa đạo làm con". Chị xúc động cho biết: Những người đầu tiên chị muốn nhắc đến là đại tá - tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan và giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm. Các chú ấy đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý giá về bố tôi, đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, làm hàng chục cuốn sách về tướng Nguyễn Sơn. Chú Nguyễn Văn Khoan nhiều năm công tác tại cục Chính trị của Binh chủng Thông tin Liên lạc, nhà đông con không khá giả gì mà chú giúp tôi vô tư nhiệt tình, đầy sức thuyết phục. Bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ của các chú từng là học sinh trường "Lục quân Quảng Ngãi", các chú các anh trường "Thiếu sinh quân Liên khu IV".
Tướng Nguyễn Sơn.
Mặc dù nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp, các tướng lĩnh, Bộ - Thứ trưởng, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, anh hùng quân đội, anh hùng lao động... nhưng họ rất nhớ và luôn tri ân thầy hiệu trưởng của mình. Như chú Trần Hồng Lạc, từng là học sinh trường “Thiếu sinh quân khu IV” đã tận tình với thầy, với gia đình thầy đến hơi thở cuối của cuộc đời. Đặc biệt, tôi còn nhớ chú Cao Bá Sanh, nguyên là học sinh "Lục quân Quảng Ngãi" rồi làm trưởng ban Tác chiến của Liên khu IV thời bố tôi là Tư lệnh. Một trong những nguyện vọng cuối đời của chú là: "Làm cho mọi người hiểu đúng về con người tướng Nguyễn Sơn".
Những đồng đội của bố tôi nhiều người đã mất, số còn lại cũng già yếu, bệnh tật. Tết mới đây, mấy chị em tôi tới thăm chú Sanh. Chú vừa bị tai biến mạch máu não. Thấy chúng tôi, chú cầm tay mấy chị em khóc và chỉ vào đầu giường, nơi có quyển sách ảnh của bố tôi: "Chú rất nhớ bố cháu. Thật thân, thật thương, thật quý".
Trong nhật ký "Làm con" của mình, chị Hà đã viết: "Sáng 21/10/1956 các chú đưa cả năm chị em vào thăm bố, trên đường vào bệnh viện các chú hẹn thăm bố xong sẽ cho đi chơi Bờ Hồ, nhưng bố bảo: "Đưa ngay chúng nó về, nhìn thấy chúng nó lít nhít thế này đau lòng quá". Hồi tưởng lại lúc đó, chị xúc động kể: "Mẹ tôi bảo các chú cho về nhà. Thế là chị Lâm dắt mình đi chơi vì chị rất thạo đường phố Hà Nội. Hôm ấy tại Bờ Hồ có cuộc đua thuyền, người rất đông, tôi thì lần đầu tiên được thấy Bờ Hồ nên cứ đi theo chị Lâm... Chiều muộn về đến phố Lý Nam Đế gần đến số nhà 91 thì phải, cô bảo mẫu nhìn thấy bọn mình vội nói: Về ngay bố các cháu mất rồi!". Mắt đỏ hoe, chị Hà nhớ lại kỷ niệm đau lòng.
"Khi tổ chức tang lễ, tôi còn nhớ, Bác Hồ đến, mẹ tôi chạy ra ôm lấy Bác, khóc và nói: Bác ơi anh Sơn mất rồi. Các đoàn người đến viếng nhiều lắm! Lúc đó chị em chúng tôi chẳng biết gì cứ chạy chơi lung tung trong CLB quân đội, nhất là khu vực bể bơi. Mãi đến khi hạ huyệt, tôi mới chạy đến bên mẹ và khóc vì để bố nằm dưới đất thế này thì từ đó trở đi bố không thể về để gọi: Con Hà gà tồ, thằng Cương chúa phá, con Hồng mắm tôm, con Hằng út ít (tên của bố Sơn đặt cho mấy chị em) được nữa rồi. Vì thế tôi mới khóc", chị Thanh Hà giải thích về việc bé Hà 7 tuổi, khóc cha muộn.
Đó là những ký ức tuổi thơ mà đến sau này, sau hành trình hơn nửa thế kỷ trải nghiệm, chị Hà mới càng thấm thía công cha nghĩa mẹ. Chị tự hào vì là con của tướng Nguyễn Sơn giỏi giang, được sinh thành, nuôi nấng và sáng soi trong những lời dạy của người mẹ: "Con bố Sơn thì phải thế này, con bố Sơn thì không được thế kia”. Và lòng kính yêu của chị, đã đi từ bến bờ ngây thơ qua trải nghiệm, đến miền lắng đọng, nên thực sâu đậm, nồng đượm.
Lai lịch cho một danh xưng:Lưỡng quốc tướng quân Gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Được người của Nguyễn Ái Quốc đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp Chính trị đặc biệt. Tiếp đó lại được chính thầy Lý Thụy (Bác Hồ) chọn, giới thiệu vào trường Võ bị Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn. Ông đã gia nhập Bát lộ quân, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh chỉ huy cuộc khởi nghĩa, lãnh đạo Chính phủ Xô viết Quảng Châu. Rồi mang tên Hồng Thủy (tên mới đặt của ông năm 1929 trong Giải phóng quân) tham gia "Vạn lý trường chinh", 10 năm thân kinh bách chiến ông là người chiến binh dày dạn nơi chiến trận ác liệt nhất. Nguyễn Sơn được phong Thiếu tướng ở Trung Quốc. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Giải phóng, Huân chương Bát nhất đều là hạng Nhất. Từ căn cứ địa trung ương Diên An, Hồng Thủy trở về nước. Nhiệm vụ được giao là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Hiệu trưởng trường Lục quân trung học Quảng Ngãi và Khu trưởng chiến khu IV (Sắc lệnh số 186/SL, ngày 20/3/1948) và cũng từ lúc đó ông lấy tên mới Nguyễn Sơn. Khu trưởng và Tướng Nguyễn Sơn (sắc phong hàm Thiếu tướng ngày 20/1/1948) gắn với vùng ATK xứ Thanh - nơi sơ tán một số đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ từ Việt Bắc. |
Hương Anh