ĐÁ BÓNG GIỎI ĐỂ ĐƯỢC LÀM CÔNG NHÂN
Do hoàn cảnh và tính cách, Garrincha đã sống phóng túng và hoang dại ngay từ thuở ấu thơ. Ông chỉ làm những gì mình thích, luôn luôn là như vậy. Tại sao cả đất nước có dân số hàng trăm triệu người lại có thể khóc ròng chỉ vì một trận bóng đá? Ngay cả khi đã là ngôi sao hàng đầu thế giới, đã vô địch World Cup nhưng Garrincha vẫn không thể nào hiểu nổi tầm quan trọng của chiếc Cúp Vàng với người dân Brazil.
Khi Brazil thất bại một cách tức tưởi trước Uruguay ngay tại sân nhà trong trận tranh ngôi vô địch World Cup 1950 thì Garrincha đi câu cá, thay vì dán tai vào radio để nghe tường thuật trực tiếp như những người khác. Khi được thông báo kết quả, Garrincha ngạc nhiên: "Brazil thua ư? Nhưng vì sao mọi người phải khóc?". Với chàng trai sắp tròn 17 tuổi này, bóng đá chỉ là trò chơi thôi mà.
Ở tuổi ấy, Garrincha đã phải tự lập, kiếm sống bằng một chân công nhân quèn trong nhà máy dệt ở địa phương. Chàng lười Garrincha bị đuổi như cơm bữa vì thói ham chơi, vô kỷ luật và lối sống bừa bãi. Đâu có gì lạ nếu Garrincha mê săn bắn, câu cá hoặc tán gái hơn làm việc!
Nhưng rồi, nhà máy cứ phải nhận lại Garrincha vì không có anh chàng ham chơi ấy thì đội bóng Esporte Clube Pau Grande không biết kiếm đâu ra một cầu thủ cứ hễ ra sân thì lại ghi bàn hàng loạt. Mà ông chủ nhà máy mê bóng đá một cách kỳ lạ.
Dĩ nhiên là cũng phải đến một lúc nào đó, tài nghệ của Garrincha vượt ra khỏi vùng Pau Grande, len lỏi đến Rio de Janeiro để rồi không lâu sau đó Garrincha được cả thế giới biết đến. Nhưng tất cả đều diễn ra một cách tự nhiên, chứ chưa bao giờ Garrincha hoạch định cho mình một con đường chơi bóng chuyên nghiệp. Ông làm gì có khả năng ấy!
ĐẲNG CẤP "PHƯỜNG" KHIẾN NGÔI SAO TÍM MẶT
Được gọi đến Vasco da Gama thử chân, thì Garrincha cũng đến. Nhưng đến rồi lại về, vì ông không đem theo giày. Không đá cho Vasco thì chơi cho Fluminense cũng được, đâu chả thế! Nhưng tại Fluminense, Garrincha bỏ về khi ông còn chưa đến lượt ra sân thử tài. Về sớm kẻo không kịp tàu xe.
Garrincha và người đồng đội Nilton Santos (trái)
Mãi đến tuổi 19, Garrincha mới thử việc ở Botafogo, thực chất là do một cầu thủ Botafogo tình cờ được xem Garrincha chơi bóng ở đẳng cấp "phường". Cầu thủ ấy quả quyết với CLB rằng mình chưa bao giờ thấy một cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu xuất sắc như "gã công nhân 1 vợ 2 con" ở đội bóng Esporte Clube Pau Grande.
Bị thuyết phục, BLĐ Botafogo đồng ý chi tiền để cầu thủ ấy đến tận Pau Grande và lôi bằng được quái kiệt Garrincha đi thử tài. "Thuốc thử" của Garrincha là Nilton Santos, hậu vệ trái nổi tiếng khi ấy đã khoác áo Selecao và là nhân vật quan trọng nhất ở Botafogo.
Nhưng với Garrincha, đấy vẫn chỉ là một "Joao" nào đó. Joao, đấy là tiếng Brazil cho đại danh "John" trong tiếng Anh. Sau này, khi Garrincha lên tuyển và đi thi đấu quốc tế, ông gọi bất cứ hậu vệ nước ngoài nào là Joao, cứ coi như "một anh chàng John nào đó" - chứ tên tuổi của hậu vệ ấy thì Garrincha cần biết làm gì! Nilton Santos lừng danh cũng vậy mà thôi.
Hậu vệ sừng sỏ nhất Brazil bị Garrincha lừa bóng cứ như quay dế, như đấy là trò chơi bóng của bọn trẻ ở Pau Grande. Thà đứng yên để Garrincha qua mặt, chứ Nilton Santos mà còn quay người truy đuổi sau pha lừa bóng thành công của Garrincha, thì lập tức ngã sóng soài.
Giận đến tím mặt, nhưng Nilton Santos quyết định bằng lý trí. Ông nói ngay với BLĐ Botafogo: "Phải ký ngay hợp đồng chuyên nghiệp để ràng buộc gã ấy, kẻo hắn gia nhập đội khác". Sau khi ký hợp đồng, Garrincha ở lại Rio de Janeiro, và ông ghi ngay 3 bàn trong lần đầu tiên khoác áo CLB này.
DẠY KHÁN GIẢ CƯỜI KHI XEM BÓNG ĐÁ
Chúng ta sẽ trở lại với sự nghiệp bóng đá huy hoàng của Garrincha ở những số tới. Bây giờ, hãy cứ tiếp tục với suy nghĩ "bóng đá chỉ là trò chơi" của Garrincha. Đã là trò chơi thì những thứ gọi là chiến thuật, chiến lược, kỷ luật đấu pháp... đều vứt. Chơi cho vui mà! Trong lúc ĐT Brazil họp đấu pháp trước một trận đấu quan trọng tại World Cup 1958, HLV Vicente Feola chợt phát hiện rằng Garrincha chẳng đoái hoài đến những gì ông đang nói.
Quả thật, Garrincha khi ấy đang dán mắt vào một cuốn truyện tranh, thỉnh thoảng lại cười sằng sặc với chú vịt Donald. Feola tỏ ra nghiêm túc: "Tôi vẫn đang nói những điều hết sức quan trọng và các cậu hãy cố nhớ lấy. Riêng Garrincha là một trường hợp đặc biệt. Hễ đã ra sân, anh ta muốn chơi thế nào tùy ý".
Trong trận đấu cuối cùng trước khi bước vào World Cup 1958, Brazil đá giao hữu với CLB Fiorentina. Garrincha có một bàn thắng mà theo nhà biên kịch Nelson Rodrigues thì Garrincha là cầu thủ "dạy cho khán giả phải cười khi xem bóng đá". Ông lừa bóng qua 3 hậu vệ, lại lừa qua nốt thủ môn để đối diện với khung thành trống.
Thay vì ghi bàn, Garrincha cố ý chững lại, chờ 1 hậu vệ quay về. Ông đảo người và hậu vệ ấy bị mất đà phải ôm cột dọc để không ngã lăn. Sau đó, Garrincha mới dẫn bóng vào khung thành, hất bóng lên, kẹp bằng tay, và trở ra bằng những màn nhào lộn liên tiếp. Trên sân khi ấy chỉ có một thứ âm thanh: đồng đội đồng loạt... mắng mỏ Garrincha về cái trò vừa hề vừa điên mà ông đang làm!
Ở một trận khác, Garrincha trừng trị thói quen chơi xấu của hậu vệ Argentina là Vairo bằng cơ man những màn lừa bóng chỉ để... cho vui. Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng nhiều người cho rằng Garrincha, trong trận đấu ấy, chính là cha đẻ của từ "Ole" mà NHM sau này thường hô vang trên các khán đài.
Cứ mỗi lần Garrincha lừa cho Vairo ngã lăn, khán giả lại đồng thanh "Ole". Đỉnh điểm của sự hưng phấn là một tình huống cực kỳ khôi hài. Garrincha nhận bóng trong tư thế quay lưng về phía Vairo. Ông lập tức quay người rất nhanh và tiến thẳng đến gần cột cờ góc. Vairo cũng vội phóng theo, bám sát như hình với bóng.
Rút cuộc, Garricha dừng lại và... Hóa ra, ông chỉ chạy không, chứ đâu có bóng! Chính cái động tác ra vẻ là "quên đem theo bóng" của Garrincha làm cho nhà biên kịch Nelson Rodrigues phục lăn, bảo Garrincha biết cách "dạy khán giả cười".
Có Garrincha, những câu chuyện có thật càng xảy ra một cách hoang đường. Có lúc, trọng tài phạt Garrincha vì ông lừa bóng quá nhiều, làm cho hậu vệ đối phương trở thành con rối trên sân! Cũng có lúc, Garrincha lừa bóng ra khỏi đường biên dọc, hậu vệ vẫn lao theo truy cản, và trọng tài vẫn theo dõi tình huống cho đến khi bóng lại được Garrincha đưa trở vào sân như một pha bóng liền lạc. Ai lại nỡ cắt ngang một tác phẩm như thế!
Kinh Thi (Bóng đá cuộc sống)