Một khuôn khổ đầy bất ngờ đã tập hợp ở Hội nghị thượng đỉnh Istanbul để giải quyết vấn đề giải pháp chính trị ở Syria. Washington và Tehran không tham gia nhưng Berlin và Paris lại quyết định góp mặt. Theo Pravda, cả hai quốc gia này đều là sự lựa chọn có chủ đích của Tổng thống Vladimir Putin.
Các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp – gồm có Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Recep Erdogan, Tổng thống Francois Macron và Thủ tướng Angela Merkel - đã tập trung tại Istanbul vào ngày 28/10 để thúc đẩy tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Syria.
Cho đến những tháng gần đây, Đức và Pháp đã bắt đầu tham gia vào một nhóm nhỏ để điều tiết cuộc khủng hoảng ở Syria. Nhóm này còn bao gồm Mỹ, Anh, Saudi Arabia và Jordan.
Về phần mình, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tạo ra khuôn khổ đàm phán Astana để tìm giải pháp riêng nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria và tổ chức đối thoại với các lực lượng chính trị Syria tại Sochi.
Ngoài ra còn có vai trò của Liên Hợp Quốc được thể hiện qua phái viên đặc biệt Stefano de Mistura ở Geneva, nhưng ông không tìm thấy được sự ủng hộ giữa các bên trong xung đột ở Syria.
Về cơ bản, mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh Istanbul là mời gọi người châu Âu tham gia vào quá trình tái thiết Syria. Tuy nhiên, Berlin và Paris trước đó đã tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia vào các kế hoạch đó cho đến khi Syria tổ chức các cuộc bầu cử tự do và thông qua Hiến pháp mới.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel đến Istanbul vì Pháp và Đức muốn những kẻ khủng bố ở Idlib nên được chuyển đi chỗ khác thay vì đi theo làn sóng tị nạn sang châu Âu và “ẩn mình” tại lục địa này trong trường hợp cuộc tấn công quy mô lớn xảy ra.
Berlin và Paris cũng muốn có tiếng nói ở Syria sau chiến tranh, những quốc gia không muốn ảnh hưởng bị thâu tóm tất cả bởi chính quyền Bashar al-Assad và các đồng minh của ông, bao gồm Nga và Iran.
Syria đóng một vai trò trung tâm trong chính sách của Tổng thống Macron ở Trung Đông - đây là một lợi ích cho các công ty dầu và xây dựng của Pháp nếu tham gia vào quá trình khôi phục Syria.
Đối với Thủ tướng Merkel, điều mà bà lo ngại là số tiền hơn 1 tỷ euro mà Đức chi tiêu hàng năm cho những người tị nạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Đức cũng không ngại tham gia vào việc tái thiết Syria và coi đây là cơ hội lớn.
Người châu Âu nhấn mạnh rằng Ủy ban Hiến pháp nên được bắt đầu hoạt động trước cuối năm nay. Bà Merkel nói rằng "chúng tôi có thể tạo động lực nhất định cho quá trình chính trị này".
Dẫu vậy, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào cách giải quyết đối với Jabhat en-Nusra – nhóm bị chỉ định là khủng bố và có ảnh hưởng lớn nhất ở Idlib. Nếu sẵn sàng buông vũ khí và đi theo thỏa thuận của Nga-Thổ, mọi chuyện sẽ được kết thúc trong êm thấm. Ngược lại sự cứng đầu của nhóm này có thể dẫn đến một cuộc tấn công quy mô lớn của quân Chính phủ.
Một khía cạnh quan trọng khác là sự hình thành của Ủy ban Hiến pháp gồm 150 người. Nhưng chính quyền Syria lại không thực sự tin tưởng đặc phái viên LHQ Stefano de Mistura.
Vào ngày 24/10 tại Damascus, ông đã thất bại trong việc giới thiệu danh sách 50 nhà hoạt động đối lập khi Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho rằng danh sách này là hành động "can thiệp từ bên ngoài".
Cho đến gần đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ủng hộ cho các nhóm chiến binh đối lập ở Idlib. Tổng thống Putin gây áp lực lên người đồng cấp Erdogan và nói rằng Nga sẽ ủng hộ quân đội Syria trong chiến dịch giải phóng Idlib trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào đó, rút khủng bố ra khỏi khu vực.
Nguồn cấp vũ khí cho các chiến binh từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngừng và Tổng thống Putin đang chờ đợi quyết định tiếp theo của ông Erdogan.
Cũng theo các nhà phân tích, kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình. Tờ Le Figaro (Pháp) tiết lộ, Tổng thống Macron đã đồng ý với lập trường của Tổng thống Trump vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là không thể chấp nhận việc sử dụng vũ khí hóa học.
Trước đó vào ngày 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ không chi một đô la nào vào việc tái thiết Syria cho đến khi nào Iran vẫn giữ sự hiện diện của mình tại đây. Ông Trump cũng có một cuộc xung đột với người đồng cấp Erdogan về vấn đề người Kurd: Washington ủng hộ họ ở phía Bắc Syria, nhưng Ankara coi họ là những kẻ khủng bố.
Dmitry Egorchenkov, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự báo RUDN, nói với Pravda.Ru rằng, mặc dù hai nhà lãnh đạo Trump và Macron đồng ý về lập trường nhưng Washington lại không muốn can thiệp trực tiếp vào bất kỳ cuộc đàm phán đa phương quốc tế nào.
"Người Mỹ không muốn bắt tay với các thỏa thuận quốc tế. Họ muốn đứng sang một bên và phản ứng một cách gay gắt nếu lợi ích của họ bị ảnh hưởng", chuyên gia này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Pravda.Ru.
Theo ông, "Thổ Nhĩ Kỳ cần phải bảo vệ phía Bắc Syria, để Chính phủ hiện tại nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả khu vực người Kurd". Ankara không muốn người Mỹ giao vũ khí cho người Kurd và tạo ra các cấu trúc quyền lực song song ở Syria, chuyên gia Dmitry Egorchenkov nhận định.
Cả Mỹ và Iran đều không tham gia hội nghị thượng đỉnh Istanbul. Đây là hai bên đối lập hoàn toàn và sự vắng mặt của họ có thể cung cấp cho các bên khác một cơ hội để tìm kiếm một thỏa thuận.
Chuyên gia Der Tagesspiegel lưu ý, điều này mang đến sự thật rõ ràng hơn sau hội nghị thượng đỉnh, đó là Putin mới là người đưa ra những quyết định quan trọng nhất về Syria.
Tổng thống Putin đã không mời các quan chức Mỹ đến Istanbul. Thêm vào đó, chính ông Putin là người đã quyết định rằng châu Âu nên đầu tư rất nhiều vào Syria, và điều này sẽ tùy thuộc vào việc Tổng thống Nga sẽ quyết định vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria như thế nào.