Gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ có nguy cơ "dọn đồ" ra khỏi căn cứ Incirlik?

Gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ có nguy cơ "dọn đồ" ra khỏi căn cứ Incirlik?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 17/08/2018 19:00

Không chỉ cân nhắc việc rút khỏi NATO, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang xem xét việc chấm dứt hợp tác với Mỹ ở căn cứ không quân Incirlik.

Tiêu điểm - Gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ có nguy cơ 'dọn đồ' ra khỏi căn cứ Incirlik?

Căn cứ không quân Incirlik không hẳn là đòn trả đũa hiệu quả của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ.

 Cáo buộc "đâm lén từ phía sau"

Với việc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng xoáy suy thoái sau lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những liên minh quân sự lâu đời và mang tính chiến lược nhất của Mỹ ở Trung Đông lại đang là đối tượng rơi vào tình trạng căng thẳng hơn bất kỳ ai, theo Haaretz.

Khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc động thái gây hấn của Mỹ là hành động “đâm lén từ phía sau”, đã có nhiều ý kiến cho rằng Ankara rồi sẽ sớm rời bỏ NATO để chính thức sát cánh trong liên minh với Nga, đồng thời trả đũa bằng cách buộc lực lượng và vũ khí của Mỹ rời căn cứ không quân Incirlik.

Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới NATO, do Ankara sẽ từng bước nhượng bộ nhằm tháo gỡ căng thẳng.

Thổ Nhĩ Kỳ “đá” Mỹ ra khỏi căn cứ Incirlik?

Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của Mỹ kể từ năm 1946 và căn cứ không quân Incirlik là nơi mà hai nước hợp tác trong vai trò chống IS ở Trung Đông.

Aaron Stein, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Đại Tây Dương, lập luận: "Không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn thổi làm nóng vấn đề", nhấn mạnh thực tế rằng đòn bẩy của chính quyền Erdogan không thực sự có hiệu quả.

"Đòn bẩy chính của Thổ Nhĩ Kỳ là chấm dứt liên minh chống IS ở căn cứ Incirlik", Stein nói. Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO từ năm 1952 và Incirlik chỉ có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ của NATO.

“Tuy nhiên, lời đe dọa này không có sức nặng, vì hoạt động chống IS hiện tại không còn cần đến căn cứ này”, chuyên gia Stein nhấn mạnh.

Vào tháng 3 năm nay, tờ Wall Street Journal đưa tin, quân đội Mỹ đã thu hẹp lại sự hiện diện của mình tại Incirlik, sau những bất đồng với Ankara liên quan đến vấn đề Syria.

Sau cuộc đảo chính thất bại trong năm 2016, thái độ tức giận đối với Mỹ trong nội bộ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến cuộc thảo luận công khai về việc cần loại bỏ vũ khí hạt nhân của Washington ra khỏi đất nước.

Tuy nhiên, Stein lập luận rằng bất kỳ lời đe dọa nào liên quan đến việc “đá” Mỹ ra khỏi căn cứ Incirlik đều không khả thi. Lý do là bởi các hoạt động ở Incirlik nằm trong sự điều chỉnh của một thỏa thuận đa quốc gia, bao gồm cả NATO và cần có sự phê chuẩn của quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể được sử dụng với sự đồng thuận của NATO và bất kỳ sự thoái rút nào của kho vũ khí này không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận của NATO mà còn có cả sự tham gia của Nga.

Rút khỏi NATO?

Tiêu điểm - Gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ có nguy cơ 'dọn đồ' ra khỏi căn cứ Incirlik? (Hình 2).

Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng chia tay NATO?

Bất chấp những căng thẳng Mỹ-Thổ hiện tại, Tổng thống Erdogan lại cho thấy những bước đi củng cố vai trò của NATO tại đất nước mình.

Trong động thái gần đây, ông đã đề nghị sử dụng tổng hành dinh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul để làm địa điểm mới cho cơ sở chỉ huy của NATO và tuyên bố có thể sẽ gửi thêm một phó chỉ huy và cố vấn quân sự cho nhiệm vụ đào tạo mới được NATO phát động tại Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ là nước nắm quyền chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Phản ứng Siêu Nhanh (VJTF) của NATO vào năm 2021.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels vào tháng 7, ông Erdogan cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện tốt các yêu cầu đề ra trong chi tiêu quân sự, khi dành 1,8% GDP cho quốc phòng. Ông cũng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Trump để tăng mục tiêu này từ 2% lên 4%.

Tuy nhiên, các cam kết mới với NATO của chính quyền Erdogan không nhất thiết là toàn bộ lập trường của Ankara.

Trên thực tế, Tổng thống Erdogan đang chơi một trò chơi “nước đôi”. Trong đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây ra những tranh cãi trong liên minh, giữa bối cảnh Tổng thống Trump công khai chỉ trích NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đau đầu các đồng minh NATO trong một thời gian dài, với kế hoạch dành 2 tỷ USD mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

NATO đã bày tỏ quan ngại về việc hợp đồng của Ankara sẽ không tương thích với hệ thống phòng thủ của liên minh, hạn chế trong việc sử dụng căn cứ Incirlik, đồng thời lo ngại Nga có thể chiếm được bí mật công nghệ của máy bay tàng hình F-35.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019 được ông Trump thông qua hôm 13/8 đã chính thức ngăn việc chuyển giao F-35 đó cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến khi nào mục sư Brunson được trả tự do.

Tuy nhiên, chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra rằng, dựa vào hành động này, chính quyền Erdogan sẽ càng có cớ để đưa ra các động thái công khai nhằm chống lại NATO.

Câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng chia tay với NATO và tiếp tục làm tổn thương kinh tế của chính mình chỉ để giữ một mục sư trong tù?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.