Bao nhiêu cũng có nhưng đừng hỏi nguồn gốc!
Thông tin các lực lượng chức năng ở Quảng Ninh cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên đã bắt được một vụ vận chuyển mèo lậu với số lượng lớn lên tới 4.000kg từ Trung Quốc để đưa vào tiêu thụ trong nước khiến không ít thực khách đam mê món "tiểu hổ" phải "dè chừng" khi chọn quán tiểu hổ để "nhắm".
Từ lâu, chẳng biết căn cứ vào loại sách vở nào, thịt tiểu hổ luôn được quý ông khẩu truyền và tâm đắc như một món ăn bổ dưỡng có tác dụng tăng cường sinh lý. Và hiển nhiên, ngày nào quý ông còn tin tưởng tác dụng xuất sắc của tiểu hổ khi làm chuyện "đại sự" thì mèo vẫn được săn lùng và những kẻ bất lương sẵn sàng nhập lậu "mèo bẩn" từ Trung Quốc. Đặc biệt, các quán nhậu ở Hà Nội cũng dùng "mác" mèo nhà để "làm hàng" với khách.
Chúng tôi tìm đến nhà hàng Đ.H (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi được các tín đồ sành tiểu hổ vẫn truyền tai nhau là chất lượng và giá cả hợp lý. Ông chủ nhà hàng tên H. khá hồ hởi giới thiệu về uy tín của các món thịt mèo tại đây với giá cả khá mềm. Với yêu cầu đặt hai món tiểu hổ cho khoảng 70 mâm khách, ông H. khẳng định chắc nịch "bọn anh còn nhận làm các món tiểu hổ cho cả trăm mâm rồi cơ". Giá một đĩa nướng và xào lăn cho một mâm 6 khách chỉ từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng. Khi tôi nói, sếp tôi muốn được cung cấp cụ thể về nguồn gốc thịt mèo, ông chủ nhà hàng khẳng định "toàn bộ mèo dùng để chế biến thức ăn ở nhà hàng, bọn anh đều thu gom ở Thái Bình, từ các hộ gia đình. Em yên tâm chất lượng đi".
Mèo lậu được các lực lượng chức năng bắt giữ.
Khi tôi băn khoăn là "em có nghe thấy thông tin" Thái Bình chính là nơi tiêu thụ chủ yếu mèo lậu tuồn sang từ Trung Quốc. Chủ nhà hàng Đ.H phân trần: "Bọn anh là nhà hàng to như thế ở trên này. Em cũng thấy cơ ngơi của bọn anh rồi đấy. Từ không gian nhà hàng đến nơi nấu nướng đều rất sạch sẽ. Uy tín của nhà hàng đã được khẳng định từ lâu. Anh cũng quê ở Đông Hưng (Thái Bình) nên anh có nguồn cung và người gom hàng từ các hộ gia đình nuôi mèo ở đó". Dù tôi tỏ ra khá e ngại với việc gom hàng lẻ tẻ trong dân thì làm sao biết mèo bẩn hay mèo nuôi của gia đình. Anh H. khẳng định "em cứ để anh nói chuyện với sếp em. Chứ giờ bảo anh cung cấp chính xác nguồn cung thì anh cũng chịu!".
Trái ngược với lời khẳng định của nhiều chủ quán tiểu hổ tại Hà Nội về nguồn cung dồi dào ở Thái Bình, chị Nguyễn Thị Huệ (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: "Ở quê chị, hiện nay nhiều đám cưới muốn được bằng bà con làng xóm là phải có món thịt mèo. Tuy nhiên, số gia đình có nuôi mèo cũng không nhiều, gia đình nào có nuôi thường cũng là tự sản tự tiêu".
Ẩn họa khôn lường từ mèo không rõ nguồn gốc
Không chỉ chủ nhà hàng Đ.H (quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định chắc nịch "uy tín", "chất lượng" nguồn cung sản phẩm của nhà hàng, chủ một quán tiểu hổ nằm trên đường Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) còn dẫn cả khách ra chỗ nhốt mèo chờ thịt với cả mèo mẹ, mèo con. Chỉ tay vào đám mèo đen tuyền, vị chủ quán "phím" với anh chàng đi cùng tôi rằng "đây toàn là "mèo thuốc" rất quý. Bọn anh thường để "chiều" các khách VIP nếu em thích, anh để "bớt" cho một con với giá "mềm" thôi" khoảng 1 triệu đồng. Chưa dứt lời, ông chủ quán đã thao thao bất tuyệt với các đấng nam nhi đi cùng tôi rằng: "Mèo thuốc" là mèo có màu đen tuyền, vì thịt và mật của nó theo truyền thuyết chữa được rất nhiều bệnh về xương khớp, trục phong đẩy tà khí, bổ âm bổ dương, dân gian gọi là mèo "thuốc", nên nó rất quý".
Vừa qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đức - Chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, trước Tết Nguyên đán một tháng, Chi cục có phối hợp với các đơn vị chức năng bắt được một vụ vận chuyển mèo từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Thái Bình. Chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. "Do mèo là loài vật có thể truyền nhiễm bệnh dại, nên sau đó chúng tôi cũng đã chỉ đạo lập 2 chốt để kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán kinh doanh loại vật này", ông Đức cho biết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Trong y học cổ truyền mèo được dùng làm thuốc. Thịt mèo có vị ngọt, mặn, chua, tính ấm có tác dụng tiêu thũng, bổ, giải độc, giảm đau. Xương mèo (thường dùng xương mèo đen) có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau nhức. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, thịt mèo chưa được dùng chữa đau loét dạ dày; thịt mèo nấu với một số vị dược liệu như đảng sâm, long nhãn...) chữa thần kinh suy nhược... Với những tác dụng trên có thể nói mèo có thể làm thực phẩm bổ dưỡng thông thường chứ không liên quan đến tăng cường sinh lý (thịt nào mà chẳng tăng lực?).
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, việc nhập lậu mèo làm đặc sản chỉ phục vụ cho một nhóm người nhưng lại gây ra họa khôn lường là việc lây lan, làm bùng phát các loại dịch bệnh. Mèo bẩn được nhập khẩu về, sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh dại, do virus lyssa có rất nhiều trong nước bọt của thú mang bệnh dại. Một nguy cơ khác, khi ăn phải mèo bẩn là có thể bị nhiễm giun đũa chó hoặc nhiễm một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo. Thông thường, giun đũa hoặc trứng giun đũa hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng...
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Do quan niệm mèo là tiểu hổ, nhiều người đã lạm dụng xem như nó cũng tốt như xương hổ trong việc sử dụng chữa đau xương khớp; thực tế ngoài xương hổ ra, tất cả các cao xương động vật đều có tác dụng nhất định đến trừ phong thấp, đau xương cốt. Tuy nhiên mèo cũng giống như chó cũng rất dễ bị bệnh khác nhau, đặc biệt là mầm mống của bệnh dại, rất nguy hiểm vì vậy nếu dùng nó làm thuốc hoặc thực phẩm theo tôi vẫn phải thận trọng, trước hết là phải biết nguồn gốc, có kiểm định thì mới an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra mèo là động vật gần gũi của con người, nếu lạm dụng quá chỉ vì "khoái khẩu" thôi sẽ làm mất cân bằng sinh thái; chưa kể tệ nạn xã hội "trộm mèo" ở khắp nơi". |
Hoàng Mai