Điều tra vụ nổ ở Beirut
Số người chết vì vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển Beirut hôm 5/8 đã tăng lên ít nhất 78 người, số người bị thương lên đến 4.000. Thảm kịch bùng phát từ kho chứa hóa chất ammonium nitrate đặt tại cảng kể từ năm 2014. Toàn bộ cảng Beirut đã được bộ Quốc phòng Lebanon xác nhận là “khu vực thảm họa”.
“Không thể chấp nhận việc một lô hàng ammonium nitrate ước tính 2.750 tấn được lưu trữ suốt sáu năm trong một nhà kho mà không có biện pháp phòng ngừa nguy hiểm để bảo vệ sự an toàn cho người dân”, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab thể hiện sự tức giận sau vụ việc, theo USA Today.
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến cho trữ lượng ammonium nitrate khổng lồ này phát nổ. Mặc dù theo các đánh giá ban đầu, nhà chức trách nhận định vụ nổ chết người có khả năng là một tai nạn không mong muốn, các nguồn tin tình báo nói với Fox News rằng không loại trừ đây có thể là một trò chơi xấu.
Ammonium nitrate vốn là hóa chất được sử dụng làm phân bón những cũng thường được sử dụng để làm chất nổ, tiêu biểu như vụ đánh bom kinh hoàng ở thành phố Oklahoma năm 1995.
“Hiện tại, có vẻ như vụ nổ ở Lebanon không phải đến từ một cuộc tấn công quân sự”, Jonathan Jonathan Schanzer, phó chủ tịch cấp cao của Tổ chức Dân chủ Quốc phòng, cho biết.
Tuy nhiên, vụ nổ sẽ gây ra những căng thẳng mới đến vào thời điểm đặc biệt tồi tệ đối với Lebanon.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố, một đội điều tra đặc biệt đã được thành lập để tìm ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ trong vòng 5 ngày.
Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở biên giới phía Nam Lebanon. Một số người dân đã nghe thấy tiếng máy bay trên cao ngay trước khi vụ nổ xảy ra, làm dấy lên tin đồn đây có thể là một cuộc tấn công.
Tuy nhiên, các máy bay quân sự của Israel vẫn thường xuyên hoạt động trong khu vực. Israel đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc nào liên quan đến vụ nổ và đề nghị giúp đỡ Lebanon.
Trong một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông được các quan chức quân sự báo cáo đây dường như là một cuộc tấn công .
"Tôi đã gặp một số tướng lĩnh và họ dường như cảm thấy rằng đây không phải là một vụ nổ thông thường ... Họ dường như nghĩ rằng đó là một cuộc tấn công", ông Trump nói.
“Bom phân bón”
Có công thức hóa học là NH4NO3 - ammonium nitrate có nguồn gốc từ axit nitric, một chất ăn mòn rất độc hại khi hít phải. Nó được sử dụng trong phân bón và chất nổ, cũng như để sản xuất men và một số loại kháng sinh.
Ammonium nitrate được sử dụng chủ yếu trong nông nghiệp như là một loại phân đạm cao. Hóa chất này tương đối ổn định trong hầu hết các điều kiện và không tốn kém để sản xuất, điều khiến nó trở nên rất phổ biến.
Ammonium nitrate cũng là một loại chất nổ công nghiệp được sử dụng trong khai thác đá và xây dựng dân dụng, chiếm 80% tổng số chất nổ công nghiệp được sử dụng ở Mỹ.
Ở Australia, 99% ammonium nitrate được sử dụng làm chất nổ trong lĩnh vực khai thác, trong khi 1% còn lại được sử dụng làm phân bón. Hóa chất này rất nguy hiểm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và các chất gây ô nhiễm.
Trong những điều kiện đặc biệt, cũng như lượng lưu trữ quá lớn, nó có thể tạo ra đủ nhiệt để bắt lửa và giữ lửa, mà không cần chất xúc tác bên ngoài. Bởi vậy, có những hướng dẫn an toàn nghiêm ngặt trong việc lưu trữ chất này ở nhiều quốc gia.
Đại sứ quán Mỹ tại Beirut cảnh báo người dân về nguy cơ khí độc được giải phóng sau vụ nổ. Mọi người được khuyến khích ở trong nhà và đeo khẩu trang.
Sức mạnh của vụ nổ ở cảng Beirut tương đương với trận động đất mạnh 3,5 độ richter, trung tâm khoa học địa chất của Đức, GFZ cho biết. Vụ nổ có thể được nghe thấy và cảm nhận ở đảo Síp, cách đó 200 km.
Do chi phí thấp và nguồn cung dồi dào, hóa chất này thường được sử dụng để chế tạo bom hay còn được biết đến là “bom phân bón”. Đây cũng chính là loại bom thường được sử dụng trong nhiều cuộc tấn công trên thế giới.
Vào tháng 4/1992, tòa nhà Baltic Exchange ở London, Anh đã phát nổ bởi một quả bom phân bón nặng một tấn do nhóm vũ trang IRA gài vào. Vụ nổ giết chết ba người, trong đó có một cô gái 15 tuổi.
Một năm sau đó, IRA tiếp tục đánh bom ở London, khiến một người chết và 40 người bị thương. Quả bom được giấu trong một chiếc xe tải, khi phát nổ để lại một miệng hố rộng 12m, sâu 6m.
Vào tháng 6/1996, IRA tiếp tục tấn công trung tâm thành phố Manchester bằng quả bom 1,5 tấn, làm bị thương hơn 200 người
Tại thành phố Oklahoma - một quả bom nhắm vào tòa nhà Liên bang Alfred P Murrah vào tháng 4/1995 đã khiến 168 người thiệt mạng. Kẻ đánh bom Timothy McVeigh đã bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc vào năm 2001. Đồng phạm là Terry Nichols bị kết án tù chung thân. Đây được coi là một trong những thảm kịch sử dụng “bom phân bón” thảm khốc nhất.