LS Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng đã nghe thông tin CSGT TP. Thanh Hóa dùng lưới đánh cá bắt một số trường hợp vi phạm giao thông như lạng lách, đánh võng, đua xe. Theo tôi được biết, từ trước đến nay, luật pháp Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản nào quy định về việc lực lượng này được dùng lưới bắt người vi phạm giao thông. Bởi vì, khi một người đang lưu thông trên đường, CSGT chưa thể biết được mức độ phạm tội của người ta như thế nào mà lúc ấy cũng chưa thể kết luận về hành vi phạm tội của người ta được. Chính vì thế, việc sử dụng lưới đánh cá để bắt xe là biện pháp không an toàn".
Một cảnh “quăng lưới bắt xe” của CSGT TP. Thanh Hóa
Cũng theo LS An, trên phương diện luật pháp, việc lực lượng dân phòng tại Thanh Hóa sử dụng lưới để "quăng" bắt người vi phạm giao thông cũng là một việc chưa có văn bản nào cho phép mà chỉ có lực lượng giao thông mới có quyền được bắt xe vi phạm. Nhưng trong thời gian gần đây, Bộ Công an đang có thí điểm cho phép CA xã, dân phòng được xử lý lỗi giao thông. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, lực lượng công an xã, dân phòng chỉ được tham gia xử phạt khi có văn bản điều động của lực lượng công an giao thông. Vấn đề này cần phải xem xét rõ ràng, lực lượng dân phòng của TP. Thanh Hóa có được huy động hay không.
"Trong trường hợp CSGT quăng lưới vào đối tượng vi phạm khiến cho họ ngã dẫn đến bị thương hoặc nghiêm trọng nhất là tử vong thì phải xem xét mức độ vi phạm của họ có cần thiết phải dùng biện pháp mạnh đó để bắt hay không? Nếu mức độ vi phạm của người tham gia giao thông là không đủ để dùng lưới "quăng" bắt dẫn đến hậu quả như vậy thì CSGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường tùy vào mức độ chấn thương. Tôi lấy ví dụ, trong khi người tham gia giao thông đang đi nhanh CSGT "quăng" lưới bắt thì họ phải nhận thức được rằng có thể sẽ xảy ra thương tích cho chủ phương tiện. Trong trường hợp này, nếu dẫn đến hậu quả chết người thì sẽ bị truy tố theo lỗi cố ý gián tiếp gây chết người.
Luật sư Phạm Thị Loan, Văn phòng Luật sư Phạm Hữu Tình (đoàn Luật sư Bình Dương) cũng cho biết: "Tôi hoàn toàn không đồng tình với biện pháp xử lý này. Biện pháp này chỉ giải quyết hậu quả của vi phạm, lẽ ra phải có phương pháp giải quyết tận gốc, ngăn chặn từ đầu. Việc áp dụng biện pháp này vô hình trung gây ra rất nhiều nguy hiểm cho đối tượng vi phạm, những người tham gia giao thông, thậm chí là chính lực lượng cảnh sát giao thông. CSGT TP.Thanh Hóa biện minh rằng, áp dụng biện pháp này chưa bao giờ gây tai nạn nhưng ai có thể lường trước được điều đó. Đã tham gia đua xe, đối tượng sẽ chạy với tốc độ cao, làm sao có thể khẳng định lưới mắc vào bánh xe họ sẽ không bị tai nạn".
"Theo tôi, lực lượng công an quá chủ quan với tính mạng của người khác. Thậm chí, ngay những đối tượng vi phạm họ cũng được pháp luật bảo vệ. Biện pháp này có thể dẫn đến giết người", luật sư Loan nói.
Cũng theo luật sư Phạm Thị Loan, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, vũ khí,... tuy nhiên họ không được sử dụng những phương tiện nguy hiểm để hỗ trợ. Bên cạnh đó, theo quy định, lực lượng chức năng có thể huy động thêm lực lượng công an xã, phường... để hỗ trợ nhưng huy động lực lượng dân phòng tham gia quăng lưới là vi phạm pháp luật. Trường hợp tai nạn xảy ra, người điều khiển phương tiện có quyền đòi bồi thường, thậm chí có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự. Người gây ra tai nạn, dù là công an giao thông cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Anh Đức - Văn Chương