TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo đối với ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Bình mức án 3 năm tù; Hà Tấn Phước (cựu Tổ trưởng tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An) lĩnh 2 năm tù; Lê Văn Thanh (cựu Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) bị phạt 2 năm 6 tháng tù; Phạm Thế Tuân (cựu Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.HCM) bị phạt 1 năm tù; Ngô Văn Thanh (cựu Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Long An) bị phạt 18 tháng tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, năm bị cáo đều kháng cáo.
Theo toà phúc thẩm, bị cáo Đặng Thanh Bình nhận sai sót trong quá trình tái cơ cấu VNCB là không phối hợp kịp thời với Tổ giám sát. Bị cáo cho rằng nguyên nhân gồm chủ quan của bị cáo là không đánh giá năng lực của Tổ giám sát nên không có kế hoạch đôn đốc. Nguyên nhân khách quan là do sự tinh vi của nhóm lãnh đạo mới của VNCB dẫn đến các thành viên tổ không lường hết.
Xét 2 bị cáo trên 60 tuổi gồm Đặng Thanh Bình (SN 1954) và Phạm Thế Tuân (SN 1956, nguyên Tổ phó tổ giám sát) nên vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để chế định áp dụng án treo đối với 2 bị cáo này. Toà phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của hai bị cáo Bình và Tuân, chuyển từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù treo cho bị cáo Đặng Thanh Bình. Bị cáo Phạm Thế Tuân được chuyển từ 1 năm tù giam sang 1 năm tù treo. 3 bị cáo còn lại tòa phúc thẩm bác kháng cáo, y án sơ thẩm, gồm: Lê Văn Thanh bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Hà Tấn Phước 2 năm tù và bị cáo Ngô Văn Thanh 1 năm 6 tháng tù.
Việc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình hưởng án treo đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về bản án này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc áp dụng Luật Người cao tuổi cho bị cáo Đặng Thanh Bình hưởng án treo là không thuyết phục.
Luật sư Truyền phân tích, Điều 65, BLHS 2015 đã quy định rất rõ khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa cho hưởng án treo.
Để được hưởng án treo, bị cáo cần phải đáp ứng các điều kiện như: Phạm tội và không bị hình phạt tù quá 36 tháng, có nhân thân tốt, chưa phạm tội lần nào hoặc có phạm tội nhưng đã được xóa án tích, có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51. Đồng thời, Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo.
Còn điểm o, khoản 1, Điều 51 BLHS chỉ quy định: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên và được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Phải nói rằng, người đủ 70 tuổi trở lên mới được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và được xem xét. Như vậy, việc tòa vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để bị cáo Đặng Thanh Bình và Phạm Thế Tuân hưởng án treo là chưa thuyết phục.
Đồng quan điểm với Luật sư Truyền, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn không đồng ý việc bị cáo Đặng Thanh Bình được hưởng án treo. Có thể khẳng định, đây là 1 bản án không phù hợp. Với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Bình bị cáo buộc gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng và đây không phải con số nhỏ, đó là tiền của nhân dân. Điều này dẫn đến việc, bị cáo Bình được xử án treo sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đồng thời, nó sẽ tạo ra 1 tiền lệ xấu trong xét xử, tạo ra tâm lý những người sai phạm để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật khi tòa vận dụng Luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo. Vì vậy, tôi thấy bản án hoàn toàn không phù hợp”.