Họ đối mặt với rủi ro về các bệnh lan truyền qua đường nước uống, khi cuộc khủng hoảng nguồn nước sạch leo thang sau khi Israel tiếp tục từ chối cung cấp nhu yếu phẩm tới Gaza theo sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10.
Nhà máy khử muối duy nhất còn khả năng hoạt động đã ngừng hoạt động vào ngày Chủ Nhật vừa rồi vì thiếu nhiên liệu. Nhà máy xử lý nước thải duy nhất còn khả năng hoạt động cũng đã ngừng hoạt động vào cùng ngày. Israel đã mở cửa hoạt động cho một đường ống dẫn nước miền Nam Gaza trong ba giờ vào ngày thứ Hai, nhưng cơ quan cứu trợ của LHQ cho biết đường ống này chỉ cấp nước cho khoảng 14% dân số Gaza.
LHQ trong thứ Hai đã ước tính mức độ nước tiêu thụ của người dân tại Gaza đã rớt xuống mức 3 lít mỗi người mỗi ngày.
WHO khuyến cáo mỗi người cần được cung cấp từ 50 tới 100 lít mỗi ngày. Trong nhiều năm qua, người dân Gaza đã không được cung cấp nước nhiều hơn mức tối thiểu.
Lối vào Gaza duy nhất hiện tại là Nút giao Rafah, hiện đang đóng cửa và nhiều gói hàng cứu trợ cho hàng triệu người đang bị mắc kẹt. Hàng chục xe tải đang đợi tại biên giới Ai Cập. Mỹ đã hối thúc Ai Cập thiết lập một hành lang nhân đạo cho người dân Gaza và người nước ngoài. Ai Cập đã khẳng định những nỗ lực mở cửa nút giao này đã không có tiến triển nào và Israel đã bác bỏ các khẳng định đã có sắp xếp nhằm mở cửa nút giao này.
Ngay cả trước khi cuộc chiến nổ ra, người dân Gaza đã thiếu nước trầm trọng. Phần lớn nguồn nước của họ tới từ Tầng chứa nước Ven biển, vốn bị khai thác quá mức, nhiễm nước mặn và nước thải và đang đứng trên bờ vực hoàn toàn biến mất. Nước tại đây mặn và lợ. Theo ước tính tới 96% lượng nước tại đây không phù hợp cho mục đích tiêu thụ của con người.
Một số người đã buộc phải uống nước biển, nhiều muối và nhiễm khuẩn từ nguồn nước thải không được xử lý.
Thiếu thốn nhiên liệu và các cuộc không kích cũng khiến nhiều đoàn xe chở nước phải ngừng hoạt động. Nguồn nước đóng chai có hạn và có giá thành cao. Phần lớn người dân đang nhận được nước uống từ các nhà cung cấp tư nhân điều hành các nhà máy khử muối quy mô nhỏ phần lớn được chạy bằng năng lượng mặt trời.
Trong năm 2021, khoảng 90% lượng nước tiêu thụ của người dân Gaza tới từ các giếng ngầm. 10% còn lại tới từ các nhà máy khử muối hoặc được mua từ công ty nước quốc gia Mekorot của Israel.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)