Bên dưới Gaza còn có một mạng lưới đường hầm thứ hai mà Lực lượng Quốc phòng Israel gọi tên là “Gaza Metro”. Đây là một mạng lưới đường hầm dày đặc như mê cung, với một số nguồn tin cho rằng mạng lưới này nằm sâu dưới mặt đất tới nhiều km. Chúng được sử dụng để vận chuyển người và hàng hóa, dự trữ tên lửa và đạn dược, và là trụ sở chỉ huy, kiểm soát của Hamas, tránh khỏi các máy bay trinh sát và do thám không người lái của IDF.
Trong năm 2021, Hamas tuyên bố đã xây dựng một mạng lưới đường hầm dài 500km dưới lòng Gaza, tuy nhiên vẫn chưa rõ con số đưa ra này là có thực hay chỉ là phô trương. Nếu chính xác, mạng lưới hầm dưới lòng đất của Hamas có chiều dài tương đương khoảng một nửa chiều dài hệ thống tàu điện ngầm của New York.
Daphne Richemond-Barak, giáo sư tại Đại học Reichman của Israel và chuyên gia về chiến tranh dưới lòng đất cho biết: “Đây là một mạng lưới đường hầm tinh vi và có quy mô khổng lồ trong một khu vực lãnh thổ khá nhỏ”.
Hiện vẫn chưa rõ về mức độ đầu tư mà Hamas đã phải thực hiện khi xây dựng mạng lưới đường hầm này. Con số có thể rất lớn, về cả mặt sức người và về mặt tài chính.
Gaza đã bị phong tỏa đường bộ, đường không và đường biển bởi Israel, cũng như bị phong tỏa đường bộ bởi Ai Cập từ năm 2007, và được coi là không sở hữu các loại trang thiết bị cần thiết thường được dùng để xây dựng hầm dưới lòng đất. Các chuyên ra cho rằng khả năng cao những công nhân đã phải đào sâu bên dưới mặt đất bằng các công cụ cơ bản để xây dựng tuyến đường hầm được gia cố bằng bê tông và lắp đặt hệ thống điện này. Israel đã nhiều lần cáo buộc Hamas đã điều hướng bê tông nhằm mục đích nhân đạo cho mục đích xây dựng hầm.
Các nhà chỉ trích Hamas cũng đã khẳng định chi phí xây dựng hầm của Hamas đáng lẽ đã có thể được đầu tư vào xây dựng hầm trú bom cho dân thường hoặc hệ thống báo động sớm như của Israel.
Lợi thế phi đối xứng
Các tuyến đường hầm đã là công cụ chiến tranh được tận dụng từ thời trung cổ. Ngày nay, chúng mang lại cho các tổ chức như Hamas một lợi thế trong chiến tranh phi đối xứng, vô hiệu hóa một số lợi thế về công nghệ của một quân đội hiện đại hơn như IDF.
Điểm khác biệt giữa các đường hầm của Hamas so với các đường hầm của al Qaeda trên vùng núi Afghanistan hay của quân đội Việt Nam là về việc tuyến đường hầm này được xây dựng bên dưới một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới. Gần 2 triệu người sống tại khu vực thành phố Gaza rộng 227 km vuông.
Richemond-Barak, cũng là thành viên của Viện Nghiên cứu Luật pháp và Chiến tranh trên bộ Lieber và Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hiện đại tại West Point cho biết: “Đối phó với các đường hầm luôn rất khó khăn, trong bất kỳ bối cảnh nào, ngay cả khi các tuyến đường hầm này được xây dựng trên các khu vực núi. Nhưng khi chúng được xây dựng gần khu vực thành thị, mọi phương diện xung quanh chúng đều phức tạp hơn: phương diện chiến lược, phương diện chiến thuật, phương diện hoạt động, và tất nhiên là phương diện bảo vệ cho người dân thường”.
Kể từ vụ tấn công ngày 7 tháng 10, IDF đã liên tục cáo buộc Hamas đã giấu các đường hầm này “bên dưới các ngôi nhà và bên trong các tòa nhà chứa nhiều dân thường Gaza vô tội”, biến họ thành lá chắn sống. Các cuộc không kích của Israel đã khiến 2670 người Palestine thiệt mạng, theo một tuyên bố của Bộ Y tế Palestine đưa ra vào ngày Chủ Nhật.
IDF dự kiến sẽ tấn công mạng lưới đường hầm này trong cuộc tấn công trên bộ vào Gaza sắp tới, tương tự như cách họ đã tiêu diệt triệt để các tuyến đường hầm khác của Hamas trong nhiều năm nay. Ví dụ, Israel đã thực hiện một cuộc tấn công trong năm 2014 vào Gaza nhằm phá hủy các đường hầm dưới lòng đất của Hamas.
Trong thứ Sáu, Liên Hợp Quốc cho biết Israel đã cảnh báo 1.1 triệu người sinh sống tại Gaza nên di chuyển về phía Nam trước khi quốc gia này thực hiện chiến dịch. Các nhà phê bình cho rằng mệnh lệnh này khó có thể được thực hiện trong thời gian ngắn như vậy, nhất là trên chiến trường. Các quan chức nhân quyền cấp cao nhất của LHQ đã bình luận lệnh di tản này “đi ngược lại luật chiến tranh và quyền cơ bản của con người”.
Cô Richemond-Barak cho biết việc di tản dân thường khỏi thành phố Gaza sẽ giúp hoạt động phá hủy các đường hầm an toàn hơn, nhưng các chiến dịch này có thể rất nguy hiểm.
IDF có thể khiến các tuyến đường hầm tạm thời không hoạt động, hoặc hoàn toàn phá hủy chúng. Theo cô Richemond-Barak, việc gài bom phá hủy các đường hầm thường là lựa chọn hiệu quả để phá hủy chúng, nhưng các cuộc đánh bom này có thể ảnh hưởng tới dân thường.
Một điều rõ ràng thấy được là một mình công nghệ không thể giúp ngăn chặn yếu tố đường hầm dưới lòng đất này.
Israel đã đầu tư hàng tỷ USD vào củng cố đường biên giới bằng các hệ thống thông minh với các cảm biến hiện đại và các hàng rào dưới lòng đất, nhưng Hamas vẫn có thể thực hiện cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 vừa rồi qua đường bộ, đường không và đường biển.
Richemond-Barak cho rằng cần phải có một giải pháp toàn diện, một giải pháp tận dụng thông tin tình báo trực quan, kiểm soát biên giới, và thậm chí là nhờ sự giúp đỡ của thường dân.
“Không có một câu trả lời duy nhất nào cho bài toán các đường hầm này. Không có một hệ thống nào như Vòm Sắt tồn tại có thể chống lại chúng”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)