Những ngày qua, dư luận liên tục xôn xao về việc ông Phạm Nông - Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định bổ nhiệm “thần tốc” con trai của mình – anh Phạm Trung Hiếu làm phó khoa (từ năm 2013). Và chuyện cũng không có gì đáng lên án nếu như thời gian công tác của anh Hiếu tại bệnh viện lâu hơn 6 tháng và anh không có tiền sử bệnh động kinh.
Không chỉ vậy, ông còn bị tố cáo đã biến bệnh viện công thành “bệnh viện gia đình” khi đưa hết con ruột đến con dâu cùng các cháu của mình vào giữ các chức vụ từ nhân viên, điều dưỡng đến phó khoa trong bệnh viện.
Đương nhiên, khi biết tin đó ai chẳng bức xúc. Người ta nói ông lạm quyền, người ta cho rằng ông đã đi quá xa giới hạn cho phép… Nhưng trên quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng ông Nông không đáng bị lên án một cách gay gắt như vậy.
Thứ nhất, theo những gì chia sẻ trên báo chí, ông khẳng định rằng tất cả những trường hợp “người nhà” đang làm việc tại bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình đều đúng quy định. Vậy ông sai ở đâu?
Vả lại, “nói người phải nghĩ đến ta”, nếu như các bạn là người có chức, có quyền, các bạn có dám khẳng định rằng mình sẽ “ngó lơ” người nhà, tuyển dụng "người dưng nước lã" hay không? Theo tôi, chuyện ưu tiên tuyển dụng người nhà, đặc biệt là các chức vụ thấp như điều dưỡng, nhân viên, thợ điện là điều hết sức bình thường và đúng với quy luật “tình người”. Giữa hai người làm được việc thì ai quen biết tin tưởng hơn sẽ được chọn. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” cơ mà!
Thứ hai, bệnh tật không phải thứ bất biến, càng không phải là tội lỗi để chúng ta dè bỉu và lên án. Ngay đến cả những tên tội phạm, thậm chí tử tù mà cải tạo tốt, muốn hoàn lương, xã hội vẫn dang rộng vòng tay và tạo mọi điều kiện. Vậy tại sao một người có tiền sử bệnh động kinh (nhưng nay đã khỏi), đáp ứng được chuyên môn về kỹ thuật hình ảnh (cử nhân một trường đại học chính quy) lại không thể làm quản lý?
Xét trên tình hình thực tế, suốt 4 năm làm Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh – Xét nghiệm tại bệnh viện, anh Hiếu không gây ra bất cứ lùm xùm nào liên quan đến chuyên môn hay bệnh tình của mình. Điều đó cũng nói lên phần nào năng lực quản lý và tình hình sức khỏe hiện nay của anh. Có chăng, trong sự việc này, chúng ta bức xúc thì chỉ nên bức xúc với “tốc độ” thăng tiến của phó khoa. Còn bệnh tật, không phải thứ đáng lấy ra để tạo sự phân biệt.
Cuối cùng, sau sự việc này, có lẽ những giáo viên trên khắp cả nước đã nợ ông Nông một lời cảm ơn. Nhờ ông mà chúng ta mới thấy được những mặt trái của việc giao quyền tự chủ trong công tác quản lý nhân sự. Nếu như ngành giáo dục quyết định thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên thì những chuyện “chướng tai gai mắt” như bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm sai quy trình, thiếu khách quan… liệu có xảy ra như cơm bữa?
Chắc chắn rằng khi đọc được những tin tức về bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phải “lăn tăn” hơn về những quyết định của mình.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả