Mới đây, nhân viên của công ty TNHH sản xuất Duy Lợi đã nhận được thông báo từ lãnh đạo công ty cho biết, do cuối năm là mùa bán hàng chậm nên thiếu việc làm cho nhân viên, công ty tự nguyện hỗ trợ nhân viên làm việc tốt, thiếu việc làm trong năm 2016 số tiền 100.000 đồng/ngày.
Trong đó, ăn sáng là 13.000 đồng, ăn trưa một phần cơm hộp 17.000 đồng, ăn chiều 17.000 đồng và nước trà đá 3.000 đồng. Còn lại 50.000 đồng công nhân viên có thể làm những việc như để dành nuôi vợ (chồng), con, bồ nhí… gửi tiết kiệm, đi nhậu (bình dân), đi nhà nghỉ.
Không dừng lại ở đó, ông chủ võng xếp Duy Lợi gợi ý, “đi nhà nghỉ, nếu vô 1 giờ giá 50.000 đồng/giờ thì hùn tiền với đối tác mỗi người 25.000 đồng. Còn lại 25.000 đồng nếu là nhân viên nam thì mua bao cao su, nếu là nhân viên nữ thì mua thuốc tránh thai. Nếu muốn ở nhà nghỉ 2 giờ giá 70.000 đồng thì mỗi người hùn nhau 35.000 đồng, phần còn lại mua bao cao su…”.
Cũng tại văn bản, ông chủ Duy Lợi cho biết, công ty chỉ hỗ trợ nhân viên gắn bó lâu dài với công ty nên tiền hỗ trợ thiếu việc làm năm 2016 sẽ được công ty chi trả vào ngày làm việc đầu tiên năm 2018. Như vậy, trong những ngày thiếu việc làm, công ty vẫn lo cho nhân viên ăn nhậu (hoặc ăn chơi) đầy đủ. Cuối văn bản còn có dòng chữ in nghiêng: “Thoải mái nghỉ ngơi - Tuyệt vời cuộc sống”.
Ngay sau khi mạng xã hội xuất hiện văn bản “lạ đời” này, đã có không ít luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, giám đốc quan tâm khá sâu sát đến đời sống riêng tư của công nhân, một số khác lại cho rằng ngôn ngữ vị giám đốc này dùng cho thông báo như thế là không phù hợp.
Trao với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, đây có lẽ là chiêu PR của doanh nghiệp nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Về hình thức đây chỉ là một văn bản lưu hành nội bộ.
“Mỗi doanh nghiệp có một hình thức PR riêng cho doanh nghiệp. Đây cũng được xem là một cách Pr khôi hài, mang tính gây cười”.
Cũng theo GS.TS Bùi Văn Nhơn, nội dung của thông báo dùng ngôn ngữ thiếu tính nghiêm túc, thiếu văn hóa khiến nhiều người thấy khôi hài. “Xét ở vai trò một giám đốc, việc dùng ngôn từ như vậy thể hiện văn hóa kém”, GS.Nhơn thẳng thắn nói.
Đồng tình với quan điểm của GS. Bùi Văn Nhơn, một giảng viên khoa Tâm lý – Đại học Công đoàn (xin giấu tên) cho rằng, khi văn bản thông báo này được lưu hành nội bộ, mọi người có thể hiểu theo cách tích cực là ông chủ doanh nghiệp “hóm hỉnh” và văn bản mang tính chất giải trí là chính.
Tuy nhiên, khi văn bản đó được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, chắc chắn sẽ vấp phải không ít ý kiến trái chiểu. Bởi, ngôn ngữ trong văn bản nó dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa chứ không thể bao biện là văn phong gần gũi. “Một văn bản phải có quy chuẩn chứ không thể dùng ngôn ngữ tùy tiện”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, ông giám đốc võng xếp Duy Lợi đang gây sự chú ý, tạo dư luận, PR trá hình. Nếu nhân viên của công ty khó khăn thật thì việc cần làm của lãnh đạo doanh nghiệp là có những hình thức hỗ trợ thiết trực thay vì ra văn bản kiểu mua vui, mang công nhân ra làm trò cười.
“Xét về góc độ gia đình, chuyện ông giám đốc hỗ trợ “tư vấn” nhân viên xài tiền vào viêc đi nhà nghỉ, nuôi bồ nhí… rất phản cảm chứ không thể nói là nhu cầu bình thường của mỗi người”, vị này nói.
Ngân Giang