Alia Hudeib, 23 tuổi sống tại thủ đô Berlin (Đức), chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng khi đến tuổi này tôi sẽ mua được một chiếc ô tô cũ nhỏ để có thể lái xe đến thăm bà ngoại ở bang Bavaria thường xuyên hơn”. Cô đã ấp ủ kế hoạch này từ lúc còn học ở trường cấp ba và dự định chi trả tiền mua xe bằng công việc sinh viên. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Hudeib nói: "Rõ ràng là dự tính đó sẽ không thể sớm thực hiện".
Với chi phí sinh hoạt liên tục leo thang, Hudeib cho biết kế hoạch mua ô tô không phải là dự định duy nhất bị trì hoãn. Hiện tại, cô đang học về quản lý y tế và nhận trợ cấp hàng tháng khoảng 600 Euro (630 USD), cô cũng đi làm thêm tại một quán cà phê để trang trải cuộc sông.
"Thu nhập hiện tại không đủ để tôi có thể mua loại thực phẩm mà mình muốn như thực phẩm hữu cơ lành mạnh từ các nhà sản xuất địa phương"; "Với mức giá hiện tại, người như tôi phải chọn những sản phẩm rẻ nhất trong siêu thị", cô tâm sự.
Tại Đức, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới vào tháng 3/2022 đã tăng gần gấp ba lần so với năm trước đó. Điều này bắt nguồn từ sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu bao gồm nhiên liệu và thực phẩm gia tăng chóng mặt.
Đối với Gen Z, những người trong độ tuổi từ 18 đến 25, đây là lần đầu tiên trong đời họ trải qua sự thay đổi giá cả nhanh chóng như vậy.
Lạm phát ảnh hưởng đến mọi người theo các mức độ khác nhau
Giáo sư Enzo Weber, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Việc làm Đức, nhận định: "Lạm phát tác động đến mọi cá nhân ở mức độ khác nhau"; “Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như lối sống, thói quen tiêu dùng và tình hình tài chính”.
Ví dụ, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn thường chịu thiệt hại lớn hơn gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao, trong khi nó có thể mang lại lợi ích cho các chủ sở hữu tài sản.
Điều này cũng xảy ra với các nhóm tuổi khác nhau. Mặc dù có những cá nhân phải chịu thiệt hại từ lạm phát cao ở mọi lứa tuổi, nhưng nhìn chung người trẻ tuổi có thể linh hoạt hơn người lớn tuổi và ứng phó tốt hơn với những khó khăn kinh tế.
Cô Valerie Lorraine, sinh viên 24 tuổi, đã chuyển đến căn hộ mới cùng hai người bạn khác ở thủ đô Berlin vài tuần trước. Cô Lorraine cho biết "Chủ nhà cũ của tôi đã tăng tiền thuê trọ"; "Tôi thật may mắn vì tìm thấy một căn nhà trọ nhỏ hơn, phù hợp với túi tiền của tôi". Nhiều bạn cùng lớp của Lorraine đã buộc phải chuyển về với bố mẹ hoặc chuyển sang sống tại các địa điểm xa thành phố hơn.
Giáo sư Weber nhận định: “Hầu hết những người ở độ tuổi 30 và 40 không thể giảm chi phí theo cách của những người trẻ tuổi. Ví dụ, những người có gia đình không thể dễ dàng chuyển đến một căn hộ giá rẻ hơn hoặc chuyển đến một nơi ở khác để tìm kiếm công việc có mức lương cao hơn".
Ngoài ra, giáo sư Weber cho rằng "Những người trẻ tuổi thường sống trong ngôi nhà nhỏ và tiêu thụ ít năng lượng hơn so với những người trung niên"; "Ở một số quốc gia như Đức, hầu hết trong số họ không có ô tô nên giá xăng cao hơn ít có tác động trực tiếp đến họ. Do đó, họ chỉ dành một phần nhỏ thu nhập để chi tiêu cho năng lượng".
Công việc và tiền lương giúp Gen Z ứng phó với lạm phát?
Ở khắp các nước công nghiệp phát triển trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu hụt lao động đã đẩy mức lương lên cao trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa trở lại hậu đại dịch.
Giáo sư Weber nhận định điều đó đồng nghĩa rằng người muốn tham gia thị trường việc làm có thể lựa chọn những công việc được trả lương cao nhất; “Đặc biệt nếu bạn sẵn sàng học hỏi kỹ năng mới và thử sức với công việc mới”.
Ông nói: “Những người ở độ tuổi 20 dễ dàng chuyển đổi và tìm kiếm công việc tốt hơn so với một người đã dành một đến hai thập kỷ cho một công việc nhất định”.
Sinh viên mới tốt nghiệp ở các nước công nghiệp phát triển có thể vượt qua lạm phát bằng cách giảm một số chi phí và thương lượng lại mức lương. Tuy nhiên, trên khắp các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang dấy lên những quan ngại về việc liệu mức tăng của tiền lương có đủ để bù đắp sự tăng giá hay không.
Theo dữ liệu chính thức của Đức, mức lương thực tế trung bình đã giảm mặc dù mức lương tối thiểu tăng lên. Dữ liệu của Mỹ cũng cho thấy tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,1% trong tháng 4 mặc dù thu nhập bình quân hàng giờ danh nghĩa tăng 0,3%. Trong năm qua, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ đã giảm 2,6% mặc dù thu nhập trung bình hàng giờ tăng 5,5%.
Các thành viên lớn hơn trong Gen Z trước tiên phải cố gắng bù đắp những thiệt hại do đại dịch. Hai năm thường xuyên phong tỏa Covid-19 đã khiến một lượng lớn sinh viên trẻ mới tốt nghiệp trên toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi tham gia thị trường lao động. Sự khởi đầu chậm hơn có thể khiến giảm thu nhập. Hãng tin DW trích dẫn nghiên cứu năm 2017 cho thấy một tháng thất nghiệp trong độ tuổi từ 18 - 20 dẫn tới mất 2% thu nhập thường xuyên (permanent income) trong suốt cuộc đời làm việc của một người.
Giáo sư Weber nhận định: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển đổi cơ bản. Công nghệ, công việc và yêu cầu công việc của chúng ta đang thay đổi. Điều đó vừa tạo ra những thách thức vừa mang lại những cơ hội”.
“Lời khuyên của tôi dành cho nngười trẻ là hãy tìm kiếm những cơ hội khác nhau và giữ quan điểm cởi mở. Bạn càng kém linh hoạt, bạn càng dễ bị tổn thương hơn trước những khó khăn khi biến cố xảy ra".
Ở các nước nghèo hơn, giá lương thực thực phẩm đã tăng vọt trong khi vẫn chưa thực sự phục hồi hậu đại dịch. Ví dụ, ở Argentina, giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng, 25% người trẻ tại đây vẫn thất nghiệp.
Phạm Hà Thanh (theo DW, CNBC)