[GenZ nghĩ gì] Khi rời xa văn phòng trở thành tiêu chí số 1 lựa chọn công việc

[GenZ nghĩ gì] Khi rời xa văn phòng trở thành tiêu chí số 1 lựa chọn công việc

Nguyễn Minh Uyên

Nguyễn Minh Uyên

Thứ 7, 05/03/2022 12:21

Với GenZ, điều quan trọng cuối cùng khi làm việc là có hoàn thành đúng hạn hay không, chứ không phải bạn có mặt hay làm đủ từng đó giờ mỗi ngày hay không.

Gen Z là lực lượng lao động mới và tiềm năng trên thị trường, thế hệ này đang dần mở ra những quy chuẩn và phong cách làm việc mới khiến nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay để cân bằng. Dù không mới trên thế giới, nhưng từ “work from home" (làm việc tại nhà), xu hướng làm việc sắp tới có thể mở rộng sang cả “work from anywhere" (làm việc ở bất cứ đâu) hay “remote work" (làm việc từ xa), đây là những hình thức được Gen Z rất ưa chuộng.

Thời gian là vàng là bạc

Trao đổi với Người Đưa Tin, Hà Minh Giang (sinh năm 2000), hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc cho biết, vì công việc ở mảng dịch thuật cho công ty, phải liên hệ với nhiều đối tác bằng phần mềm của công ty, nên hầu như ngày nào cũng phải tới văn phòng từ sáng tới tối muộn.

Với nhiều GenZer năng động, việc phải “gò mình" làm việc trong văn phòng suốt 8 tiếng đồng hồ dường như là một điều không tưởng, Giang cũng không phải ngoại lệ. Lúc nào tới văn phòng, bạn cũng trong trạng thái bí bách, không chỉ bởi không gian kín, mà ngay từ trong chính tinh thần. 

Giang chia sẻ, mỗi ngày 8 tiếng, nhưng lượng công việc thực sự cần giải quyết, nếu tập trung chỉ cần 4-5 tiếng cũng có thể hoàn thiện. Chính vì vậy, khoảng thời gian “chết" tại công sở, lại chỉ để làm những việc như: xem phim, ăn uống… cũng đủ để con người ta trở nên trì trệ và chán nản. Mặt khác, với tâm lý có tận 8 tiếng để giải quyết công việc trong ngày, đôi khi các bạn lại “bình chân như vại" một cách thái quá, dẫn đến tình trạng làm việc không dứt khoát, năng suất không cao.

Đối thoại - [GenZ nghĩ gì] Khi rời xa văn phòng trở thành tiêu chí số 1 lựa chọn công việc

Lúc nào tới văn phòng, Giang cũng luôn trong trạng thái bí bách, không chỉ bởi không gian kín, mà ngay từ trong chính tinh thần. 

Có lẽ đó là một trong những lí do khiến khảo sát tháng 10/2021 của Slack đã chỉ ra rằng, chỉ có 12% số người được khảo sát muốn quay trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng sau thời gian dài làm việc tại nhà. Báo cáo khác của Citrix trong năm 2021, tập trung vào tầng lớp lao động Gen Y và Gen Z cũng cho thấy, có tới 51% lựa chọn tiếp tục được làm việc từ xa trong phần lớn thời gian dành cho công việc của mình.

Từ quan sát và góc nhìn cá nhân, Giang nhận thấy, làm việc từ xa hoặc làm việc xen kẽ online - offline đang dần phổ biến hơn không chỉ ở giới trẻ Hàn, mà các công ty cũng dần có sự thay đổi nhất định. Hình thức này có rất nhiều ưu điểm, mạnh nhất vẫn là tiết kiệm thời gian - điều mà Giang không có được ở công việc hiện tại.

GenZer tâm sự thêm, bình thường việc di chuyển từ nhà tới công ty và từ công ty về nhà cũng đã chiếm của bạn tới 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bởi hệ thống giao thông công cộng ở bên Hàn dường như không có lúc nào vãn người, khiến di chuyển vào giờ cao điểm đã trở thành một cơn ác mộng đối với mọi sinh viên hay nhân viên công sở.

Ba tiếng so với quỹ thời gian 24 tiếng mỗi ngày, có thể cũng chẳng tới mức kinh khủng đến vậy, nhưng chỉ với số lẻ đó, Giang có thể mất tới 90 tiếng mỗi tháng chỉ để chờ đợi và chen chân trong đám đông. “Đối với một sinh viên vừa học vừa làm, thì đó là khoảng thời gian quý giá, “siêu to khổng lồ" mà chúng tôi có thể làm ti tỉ thứ việc khác, thậm chí đủ để làm thêm một công việc khác gia tăng thu nhập", Giang bộc bạch.

Đối thoại - [GenZ nghĩ gì] Khi rời xa văn phòng trở thành tiêu chí số 1 lựa chọn công việc (Hình 2).

Ở các nước phát triển, khi mà thời gian dài di chuyển bằng phương tiện công cộng mỗi ngày cũng trở nên ám ảnh, họ càng muốn được làm việc từ xa hơn nữa.

Làm ra làm, chơi ra chơi đã không còn là thử thách

Trường hợp khác, kết thúc một ngày làm việc qua Google Meet của mình, Nguyễn Hà Thu (sinh năm 2000), sinh sống và học tập tại Úc, vẫn giữ được tinh thần thoải mái và vui vẻ khi phải làm việc từ xa. Thời gian hè 2021, nghỉ dịch về nước, Thu có được nhận vào làm tại một công ty truyền thông tại Việt Nam, khi đã quay trở lại Úc, công việc không có nhiều thay đổi, vẫn cho Thu nhiều cảm hứng như ngày đầu tiên.

“Dù là bất cứ ngành nghề nào, điều quan trọng cuối cùng khi làm việc cũng là có hoàn thành đúng hạn hay không, chứ không phải bạn có mặt hay làm đủ từng đó giờ mỗi ngày hay không”, đó là điều sếp của Thu đã đúc kết được sau giai đoạn dịch bệnh cũng như từ quá trình trẻ hoá nhân sự công ty. Vô tình, tư tưởng đó lại là thứ kéo Thu lại cùng công ty dù đã không còn ở Việt Nam.

Sự tự do có lẽ đã ăn sâu vào suy nghĩ của Thu, khiến “có thể làm việc từ xa" trở thành một trong những tiêu chí khi chọn việc làm của bạn. Bởi ở Úc, không khó để tìm thấy những bạn trẻ ngồi làm việc ở quán cà phê, công viên hay thậm chí là ngay cả lúc đi du lịch, đây là điều đã có từ biết bao năm nay, không chỉ sau Covid. 

Nhìn từ góc độ khách quan, Thu giải thích thêm: “Bởi đặc thù công việc của tôi liên quan nhiều tới tính sáng tạo, nên việc ngồi trong 4 bức tường cả ngày không giúp gì cho việc nuôi dưỡng ý tưởng cả. Ngược lại nó còn đem đến tác dụng phụ không tốt".

Mặt khác, thế hệ Z ưa mới lạ và thích thử thách bản thân, họ cho rằng, thời nay để làm ra làm chơi ra chơi không còn là chướng ngại. Thứ rèn luyện cho “tinh thần thép" và kỹ năng multitask (đa năng) của các bạn phải là sự kết hợp, giữa điều “lạ" của không gian bên ngoài văn phòng, vào sản phẩm để công việc trở nên đột phá hơn, vậy mới đáng chinh phục.

Làm sao để không bị “ngợp"?

Trái lại với Giang hay Thu, làm việc từ xa khiến Vũ Phương Thảo (sinh năm 1997) cảm thấy không thể hoà hợp. Giống như một bộ phận lao động khác, Thảo nhận thấy làm việc từ xa rất dễ gây ra những vấn đề do mất kết nối, truyền đạt ý qua phương thức online cũng không thể chính xác như bàn bạc trong những buổi họp trực tiếp.

Bên cạnh đó, ý thức tự giác và tự quản lý công việc cũng là điểm yếu của nhiều cá nhân, dẫn đến tình trạng mang tiếng là làm việc từ xa, nhưng thực chất lại bị xao nhãng quá nhiều việc cá nhân, chất lượng công việc không đảm bảo.

Từ những thực trạng đó, chị Nguyễn Minh Trang, Founder một Công ty Tư vấn chiến lược truyền thông, đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc với hình thức này kể từ khi chị còn du học ở nước ngoài, cho biết: “Có 3 cốt lõi giúp quản lý và nhân viên, dù ngành nghề nào cũng có thể làm việc từ xa hiệu quả, đó là: công cụ, quy trình và quy tắc”.

Đối thoại - [GenZ nghĩ gì] Khi rời xa văn phòng trở thành tiêu chí số 1 lựa chọn công việc (Hình 3).

3 cốt lõi giúp quản lý và nhân viên, dù ngành nghề nào cũng có thể làm việc từ xa hiệu quả, đó là: công cụ, quy trình và quy tắc

Thực chất, làm việc từ xa đã được chúng ta “trọng dụng" từ lâu, nhưng chưa có được sự hỗ trợ của khoa học công nghệ nhiều như bây giờ. Đơn giản cũng chỉ như ta mang việc từ công ty về nhà, và dùng email, điện thoại để xử lý chúng.

Tuy nhiên, khi làm việc với một tập thể với hình thức này, trước tiên, ta cần bộ công cụ chuẩn cần có tính thống nhất và minh bạch cao. Theo đó, nên có công cụ hỗ trợ làm việc nhóm để đảm bảo việc truyền thông và giao tiếp nội bộ được hiệu quả như Slack, Aircall…. Không những vậy, cũng cần có những công cụ riêng để lưu trữ, chia sẻ file hay quản lý công việc như Trello, Google Drive… Tất cả ở dạng online để bất kỳ ai trong nội bộ cũng có thể truy cập và nắm bắt tình hình tiến độ công việc rõ ràng nhất.

Thứ hai, cần có quy trình xử lý công việc theo từng bước. Điểm quan trọng, với mỗi bước hay mỗi phần việc đều cần có người phụ trách và mô tả công việc rõ ràng, tất cả đều được lưu giữ dưới dạng văn bản không thể sửa chữa. Điều này nhằm dễ dàng nắm bắt lỗi sai của công việc nằm ở mắt xích nào, từ đó dễ dàng hơn trong việc sửa chữa cũng như quản lý tiến độ công việc của từng nhân viên, tránh trường hợp việc làm chung nhưng tới khi gọi hỏi lại chẳng ai “bắt máy".

Thứ ba, quy tắc riêng là điều không thể thiếu trong mỗi tập thể. Đó là quy tắc về giờ giấc, thưởng, phạt, những điều được hay không được phép làm…. tất cả sẽ tạo nên tính tự giác và kỷ luật cho nhân viên, ngay cả khi không có sếp “kè kè" ở bên.

Nếu ngay cả trên không gian phẳng, ta tổ chức quản lý đúng chất là một tập thể thì tự mỗi thành viên đều sẽ có những sự kết nối với nhau, từ đó tạo tính gắn kết với tổ chức. Như vậy, tính trách nhiệm với công việc cũng sẽ theo đó tăng lên, dù có hay không ngồi tại văn phòng gặp nhau 8 tiếng mỗi ngày.

Xem thêm >>> 

[GenZ nghĩ gì] Vì sao GenZ sẵn sàng nhảy việc - cơn “đau đầu kinh niên” của doanh nghiệp?

[GenZ nghĩ gì] GenZ và những “ảo tưởng” do chính xã hội tạo nên

[Gen Z nghĩ gì] Được - mất của Gen Z khi "chơi" tiền mã hoá

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.