Hàng loạt các ứng cử viên đã được điểm mặt nêu tên, trong đó bao gồm nhiều chiến lược gia tài danh hay kể cả những gương mặt còn rất ít người biết đến. Nhưng với những người yêu mến Barca, họ cần một người đủ cái tâm, cái tầm và thấu hiểu triết lý tiki-taka cũng như văn hoá Catalunya, để có thể duy trì bản sắc của đội bóng.
Trong số những người từng gắn bó với Barca thì Luis Enrique là cái tên đáng chú ý hơn cả. Dù khởi nghiệp từ lò đào tạo trẻ của Real Madrid nhưng sự nghiệp của ông gắn liền với Barca suốt 8 năm (từ 1996 đến 2004). Sau khi treo giày, ông giữ chức HLV Barca B và tạo được những ấn tượng đẹp đẽ. Rồi cơ duyên đưa ông đến Italia với sứ mệnh giúp AS Roma tìm lại những ánh hào quang quá khứ. Ở thành phố vĩnh cửu, Enrique cố gắng xây dựng một lối chơi khoáng đạt cho Roma theo hình mẫu Barca. Tuy nhiên, ý tưởng thi vị ấy đã không thành hiện thực.
Enrique thời còn là cầu thủ
Thất bại của Roma tất nhiên có một phần trách nhiệm không nhỏ đến từ Enrique. Ông vẫn chưa xây dựng một tập thể vững mạnh đủ để chống chọi trước những va đập khắc nghiệt nhất, chưa dung hoà được những cá tính, những cái Tôi trong đội bóng và chưa đặt nhiều dấu ấn vào lối chơi của Roma. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm phần nào cho Enrique khi ông không có trong tay những con người ưu tú nhất. Sự gượng ép, khiên cưỡng không những không thể giúp “Giallorossi” đi đến bến bờ chiến thắng mà còn khiến đội bóng thủ đô trở thành một đống đổ nát, hoang tàn.
Enrique đã bị đá văng khỏi Roma và phải trở về Tây Ban Nha. Người ta vẫn chào đón ông nhiệt thành nhưng có lẽ không ít người nghi ngờ năng lực thực sự của vị HLV này. Tuy nhiên, cái gì cũng có lần đầu tiên. Thất bại cùng Roma là bài học đắt giá giúp Enrique nhận ra được sự khắc nghiệt của nghề HLV cũng như tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp.
Khi Tito Vilanova tuyên bố rút lui khỏi ghế HLV vì bệnh tật, nhiều người đã bày tỏ ước vọng được nhìn thấy Enrique ngồi vào chiếc ghế nóng ấy. Kênh truyền hình Catalunya TV3 cũng đưa ra quan điểm rằng HLV của Celta Vigo là người xứng đáng kế thừa sự nghiệp của Tito. Không quá khó để lý giải điều này bởi lẽ Enrique đã gắn bó những ngày tháng huy hoàng của đời cầu thủ cùng Barca, rồi khi treo giày tiếp tục ở lại dẫn dắt đội trẻ. Một con người am hiểu tường tận Barca. Thêm nữa, triết lý bóng đá cũng như tính cách của Enrique có những nét tương đồng với Pep Guardiola, người đã đưa Barca đi đến đỉnh cao thế giới.
Nếu dẫn dắt Barca, ông sẽ có trong tay một đội ngũ tinh nhuệ, trải qua biết bao trận đánh và đã giành vô vàn những danh hiệu suốt bao năm qua. Khi đó, ông sẽ có cơ hội cụ thể hoá những ý tưởng, triết lý của mình. Hay nói cách khác, Enrique sẽ có trong tay những thứ “bột” và người ta chỉ còn chờ ông “gột nên hồ” nữa mà thôi.
Với nhiều người, chọn Enrique như là canh bạc thực sự của Barca, nhưng nếu muốn duy trì những giá trị của đội bóng thì ông vẫn là cái tên xứng đáng được trao cơ hội. Marcelo Bielsa, Frank Rijkaard, Andre Villas-Boas... cũng là những ứng viên sáng giá khác. Rõ ràng, Barca đang đứng trước cánh cửa lịch sử. Một quyết định đúng đắn sẽ giúp họ tiếp tục duy trì chu kỳ thành công của mình, còn ngược lại sẽ là thảm hoạ thực sự.
Kỳ thực, trên đời này làm gì có đường và ở Barca; Pep hay Tito cứ đi mãi, mang theo những lý tưởng đẹp đẽ bên mình, rồi cũng thành con đường mà thôi. Con đường ấy đã mở ra cho đội bóng này một trong những thời đoạn thành công nhất trong lịch sử và giờ họ cần một người đủ sức tiếp tục thực hiện sứ mệnh đưa Barca đến chiến thắng. Enrique, tại sao không?
Theo Thể thao Văn hóa