Ghè cổ trăm năm
Với người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ghè là một vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Họ quan niệm rằng ghè không chỉ mang giá trị về mặt vật chất mà còn là tín ngưỡng tâm linh huyền bí.
Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp theo chân anh A Bỉ, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh xã Rờ Kơi, đi chúc chúc Tết, chiêm ngưỡng những chiếc ghè cổ quý hiếm của đồng bào người Hà Lăng nơi đại ngàn nắng gió.
Ngồi trước sân nhà, thấy người lạ đến, già A Ling, 82 tuổi, thôn Đăk Đe, nở nụ cười hiền chào khách.
Trò chuyện với chúng tôi, già khoe: “Già có 3 cái ghè quý, trong đó có 2 ghè lớn có tên Xêm Lem và Xêm Jơ Brông. Những chiếc ghè này từ thời ông nội để lại. Các ghè đều có giá trị cao và chỉ được sử dụng trong dịp lễ quan trọng của gia đình”.
Theo già Ling, thời xưa, mỗi chiếc ghè giá trị bằng cả mấy chục con trâu. Nhà nào sở hữu vài ba ghè để trong nhà chứng tỏ gia đình giàu có, quyền quý.
Ngoài giá trị về vật chất, ghè còn mang ý nghĩa tâm linh, mang đến sự may mắn. Ghè càng quý, thường có những trang trí hoa văn đắp nổi rất tinh xảo như hình con rồng, con hạc, hình các muông thú.
Già A Ghinh, 82 tuổi, thôn Rờ Kơi cũng là một trong những người Hà Lăng còn giữ được những chiếc ghè quý, có niên đại hơn trăm năm.
Già Ghinh bộc bạch: “Ngày trước, cha mẹ già sở hữu nhiều ghè quý nhưng đều bị hư hại do chiến tranh. Sau này, muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc và để lại cho con cháu, già mới quyết định mua 2 cái ghè quý có tên là Xêm Jơ Brông và Xêm Bong Hvay”.
Theo già Ghinh, quan niệm của người Hà Lăng, ghè quý là nơi trú ngụ của Yang, thần linh và luôn che chở, phù hộ cho gia đình về sức khỏe, làm ăn. Nên mỗi năm có lễ lớn của gia đình hay của làng thì mới đem ra để làm rượu ghè.
Bởi, khi làm rượu ở ghè quý sẽ ngon hơn rất nhiều so với ghè thường và chỉ cần làm một ghè rượu thì cả làng uống 2 ngày mới hết được. Ngoài ra, khi uống rượu trong ghè quý thì mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều vị khác nhau từ đắng, ngọt, cay.
Tâm linh huyền bí
Bên cạnh giá trị vật chất, những chiếc ghè quý còn ẩn chứa nhiều tín ngưỡng tâm linh và những câu chuyện thần bí được nhiều người Hà Lăng truyền tai nhau qua bao đời.
Chiếc “ghè thiêng” có tên là Xêm Bơ Jay được lưu giữ tại nhà rông của thôn Đăk Đe - là chiếc ghè cổ nhất của dân tộc Hà Lăng. Theo chúng tôi quan sát, ghè quý này cao khoảng 0,8m, có 8 cái tai gần mép miệng và có màu nâu đen.
Đang nghe già Ling kể về câu chuyện kỳ lạ của ghè thì một người trong đoàn thấy chiếc ghè bị một lớp bụi phủ dày, định lấy tay chùi sơ để nhìn rõ hoa văn hơn. Nhưng chưa kịp chạm vào, già Ling đã vội hét lên: “Không được sờ vào cháu ơi!”.
Già Ling giải thích, vì chiếc ghè này rất thiêng nên người thường không ai được phép sờ vào. Nếu sờ vào hay dịch chuyển ghè thì sẽ phạm tội và ngay sau đó phải mang trâu, bò cúng vì đắc tội với thần linh. Chính vì vậy, chỉ đến những ngày lễ cúng, già làng uy tín mới được đại diện lau chùi sạch sẽ.
Tiếp câu chuyện, già Ling kể: Theo ông bà tổ tiên thì ghè quý này tồn tại hơn 3-4 đời người rồi. Từ hàng trăm năm trước, người dân tương truyền rằng, ghè thuộc về một gia đình của tộc Hà Lăng ở xã Rờ Kơi. Sau này loạn lạc do chiến tranh nên đã thất lạc nhưng gia đình đó cũng không để trong nhà vì ghè này rất thiêng. Nhiều năm sau được già làng đem vào nhà rông thôn Đăk Đe để lưu giữ.
Hàng chục năm trước, nhiều kẻ xấu biết ghè cổ để trong nhà rông và có ý định trộm nhiều lần nhưng đều thất bại. Có lần, kẻ xấu đến trộm ghè nhưng khi vào lấy thì tự nhiên ghè lại rất nặng, không vác nổi nên đã từ bỏ.
Còn theo già Ghinh, năm 2009, có cơn bão đánh sập nhà rông nhưng ghè vẫn nằm yên dưới đất không có vết xước hay bể gì cả. Trước đó, chiến tranh liên miên, bom, đạn tàn phá ngôi nhà rông nhưng ghè vẫn nguyên vẹn.
Ông A Trường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi cho biết, đối với người Hà Lăng thì ghè quý không chỉ mang giá trị vật chất thông thường, mà còn đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng và là báu vật vô giá, lưu truyền của người dân nơi đây.
Hiện tại, ở xã có rất ít người còn lưu giữ ghè cổ, đa số là các già làng trong thôn. Để giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, xã nhiều lần tuyên truyền và khuyến khích người dân gìn giữ thật cẩn thận để cho thế hệ mai sau.